MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát và những kịch bản sốc

10-07-2019 - 17:58 PM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018 - mức thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Đáng chú ý Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân cho cả năm 2019 đều nằm trong khoảng từ 3,17 - 3,41%. Đều là điều kiện thuận lợi để xem xét tiếp tục điều chỉnh các mặt hàng, dịch vụ công do nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có nhiều nhận định và dự báo CPI khá khác nhau ở nhiều góc độ khác nhau.

Lạm phát và những kịch bản sốc - Ảnh 1.

PGS-TS. Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính: Điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát

Trong những tháng tới, dự báo giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng, đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại. Trong khi từ ngày 1/7/2019 mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng sẽ gây áp lực (cả về sức mua thực tế và tâm lý xã hội) làm tăng CPI...

Nhưng, 6 tháng cuối năm 2019 cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI. Trong đó do xuất khẩu nông sản gặp khó nên giá nông sản tiếp tục giảm, sức mua của người nông dân tiếp tục suy yếu. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát... Đây là những nhân tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI.

Vì vậy, có thể đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2019 so với năm 2018 sẽ tăng ở mức 3,0% – 3,5%.

Công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại năm 2019 được đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có xu hướng chững lại, các căng thẳng địa chính trị trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tác động làm giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu như xăng dầu có biến động phức tạp, khó dự báo. Bên cạnh áp lực từ các nhân tố thị trường như biến động phức tạp của giá nhiên liệu (xăng dầu, gas), tác động vòng 2 của việc tăng giá điện, rủi ro về thiên tai bão lũ, chỉ số giá tiêu dùng còn chịu tác động từ việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục, tăng tiền lương cơ sở...

Những yếu tố nêu trên ngoài việc tác động trực tiếp lên mặt bằng giá còn có thể tác động đến lạm phát kỳ vọng nếu như không chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá.

Ở chiều ngược lại, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Trong một vài tháng tới, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với một số vật liệu xây dựng cơ bản ổn định, giá một số dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông tiếp tục giảm; diễn biến tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định; nguồn cung cầu thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được đảm bảo. Cùng với đó là quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Dự báo CPI bình quân năm 2019 sẽ trong mức khoảng 3,3 – 3,9%, việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 2019 cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ nếu không có các diễn biến quá bất thường từ tình hình địa chính trị và thị trường thế giới.

Lạm phát và những kịch bản sốc - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Đức Độ -  Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính: Lạm phát xoay quanh lạm phát cơ bản

Có thể nhận định rằng giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ khó tăng mạnh. Một mặt, nhu cầu về dầu thô sẽ yếu đi khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. Mặt khác, nguồn cung dầu đá phiến dồi dào sẽ kiềm chế giá dầu không vượt quá xa mức 60-70 USD/thùng. Hơn nữa, khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ không để các cuộc xung đột địa chính trị tại Trung Đông leo thang với quy mô lớn, ảnh hưởng đến giá dầu và tăng trưởng kinh tế Mỹ khi cuộc bầu cử đang đến gần.

Tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được NHNN điều hành theo hướng ổn định để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như giảm thiểu nguy cơ Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.

Với giá dầu và tỷ giá ổn định, lạm phát tổng thể từ nay đến cuối năm được dự báo sẽ dao động trong khoảng 1,5% -2,5%, tức là xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Lạm phát trung bình cả năm 2019, bởi vậy sẽ xoay quanh mức 2,5%.

Lạm phát và những kịch bản sốc - Ảnh 3.

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - Học viện Tài chính: CPI 2019 sẽ ở mức 4,5-5%

Dự báo 6 tháng cuối năm, CPI có thể sẽ không thuận lợi như những tháng đầu năm vì một số áp lực tăng giá đã xuất hiện như: tăng lương cơ sở, dịch tả lợn châu phi và việc tiếp tục điều chỉnh giá một số sản phẩm và dịch vụ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ gây sức ép tăng giá trong những tháng tới. Ngoài ra giá cả còn chịu tác động từ những thay đổi chính sách thương mại của Mỹ với một số nước khác như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc; xung đột địa chính trị trên thế giới… Hiệp định EVFTA mới được ký kết ngày 30/6/2019 và khi triển khai thực hiện cũng sẽ tạo tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu cũng có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng cao tác động tới tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Với những yếu tố tác động trên đây, CPI năm 2019 dự báo có thể cao hơn mức Chính phủ dự kiến (4%) và sẽ ở mức 4,5 - 5%.

Lạm phát và những kịch bản sốc - Ảnh 4.

PGS-TS. Ngô Trí Long – Chuyên gia tài chính: Tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra "độ trễ" của lạm phát

Trong thời gian tới, các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng đó giá thực phẩm dự báo vẫn cao, lương tăng, vào mùa năm học mới... Thiên tai cũng là yếu tố tiềm ẩn tác động đến CPI 6 tháng cuối năm và cũng là yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng đến lạm phát.

Để giữ mức CPI bình quân năm 2019 dưới 4%, cần tiếp tục tăng cường kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành CPI phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng, tránh tạo ra lạm phát kỳ vọng hay tạo ra "độ trễ" của lạm phát trong những năm sau.

Định hướng điều hành lạm phát là bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.

Đặc biệt với giá xăng dầu, yêu cầu sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.

Theo Linh Lan

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên