Làm rõ những dấu hiệu 'mập mờ' về thuế liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba
Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (địa chỉ tại 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, có chi nhánh đặt tại số 52, Quốc lộ 51, ấp Tập Phước, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang trở thành tâm điểm chú ý của giới kinh doanh bất động sản khu vực Đông Nam Bộ khi rao bán hàng chục "dự án khủng" ở nhiều tỉnh, thành.
- 14-08-2019Phó Thủ tướng đề nghị làm rõ nội dung báo chí phản ánh liên quan đến Công ty địa ốc Alibaba
- 14-08-2019Công an lên tiếng về dự án Alibaba ở Bình Thuận
- 01-08-2019Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba "không đồng ý với nội dung vi phạm"
Điều đáng nói, hàng chục dự án được quảng cáo "quy mô lớn" này thực tế lại là những "dự án ma", do doanh nghiệp này tự vẽ sơ đồ, phân khu chức năng, phân lô và rao bán nền khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép.
"Vẽ" hàng chục dự án trên đất nông nghiệp, đất rừng
Nhìn vào hồ sơ đăng ký kinh doanh, có lẽ chưa thấy doanh nghiệp nào lại "phát triển" nhanh như Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Theo UBND huyện Long Thành (Đồng Nai), Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016, với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến ngày 3/12/2016, Công ty này đăng ký kinh doanh thay đổi, nâng vốn điều lệ lên 20 tỷ đồng. Đến ngày 26/9/2017, doanh nghiệp này lại đăng ký kinh doanh thay đổi nâng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng, với ngành nghề tư vấn môi giới, đấu giá bất động sản, hình thức góp vốn bằng tiền mặt.
Tại Đồng Nai, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã mua gom hàng chục ha đất của người dân sau đó rao bán đất nền đối với 29 dự án tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Xuân Lộc.
Trong đó, tại huyện Long Thành có 27 dự án (xã Phước Bình có 3 dự án gồm: Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II và Alibaba Central Park III; xã An Phước có 1 dự án Alibaba An Phước; xã Long Phước có 21 dự án gồm từ Long Phước 1 đến Long Phước 16, Long Phước Golden Point, Long Phước Golden Point, Khu dân cư quốc tế Lilama, Alibaba Long Thành Capital, Long Phước Residence; xã Phước Thái có dự án Phước Thái Capital; xã Bàu Cạn, Tân Hiệp có dự án Khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside). Tại huyện Nhơn Trạch có dự án Ali Aqua Nhơn Trạch (xã Long Thọ) và dự án Ali Mega Xuân Lộc (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc). Điều đáng nói, phần lớn diện tích đất của những dự án trên là đất nông nghiệp, đất rừng.
UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định, toàn bộ 29 dự án mà Công ty cổ phần địa ốc Alibaba rao bán trên địa bàn đều là những "dự án ma" vì không có dự án nào của doanh nghiệp này được cơ quan chức năng Đồng Nai cấp phép.
Trước những dấu hiệu rao bán đất nền trái quy định của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát hồ sơ và quy hoạch các khu đất liên quan đến việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba quảng cáo phân lô, bán nền trái phép trên địa bàn; tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) cũng đã có công văn đề nghị Sở Xây dựng Đồng Nai cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến các dự án Công ty cổ phần địa ốc Alibaba rao bán đất nền của 29 dự án tại Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra.
Những dấu hiệu "mập mờ" trong hoạt động
Trong quá trình rà soát, kiểm tra hóa đơn các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, Chi cục thuế huyện Long Thành (Đồng Nai) vừa phát hiện 10 doanh nghiệp bất động sản có nhiều nghi vấn trong hoạt động kinh doanh. Điều đáng nói, trong 10 doanh nghiệp trên, có 7 doanh nghiệp đăng ký địa điểm hoạt động ở cùng địa chỉ Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đặt văn phòng chi nhánh tại Đồng Nai.
Các doanh nghiệp này gồm: Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Big Bang; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Chiến Thắng; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Chiến Binh Thép; Công ty cổ phần bất động sản địa ốc Ali Land; Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển Spartaland; Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển TL Land; Công ty cổ phần Ali Xanh; Công ty cổ phần địa ốc đầu tư và phát triển 108 và Công ty cổ phần địa ốc Long Thành Ali.
Theo Chi cục thuế huyện Long Thành, qua kiểm tra hóa đơn, cơ quan thuế phát hiện nhiều doanh nghiệp dù đã thành lập hơn 2 năm nhưng không phát sinh bất cứ hoạt động nào. Điểm bất thường nữa là tất cả các thông báo về in hóa đơn, đăng ký thuế của 10 doanh nghiệp nêu trên đều có chung địa chỉ đăng ký hoạt động của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông Nguyễn Thái Lĩnh, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba cũng là người đứng tên cho thuê đất làm địa điểm đăng ký kinh doanh đối với 7/10 công ty nói trên.
Cục thuế Đồng Nai cho biết, trước những bất thường trong hoạt động của 10 doanh nghiệp bất động sản trên, hiện Cục thuế và các đơn vị liên quan đã lập hồ sơ, cung cấp thông tin 3 doanh nghiệp (trong 10 doanh nghiệp) cho Bộ Công an nhằm phục vụ quá trình điều tra các dự án bất động sản của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tại Đồng Nai. Những doanh nghiệp còn lại, cơ quan thuế Đồng Nai đang phối hợp với các đơn vị xác minh, làm rõ.
Trước thông tin về những dấu hiệu vi phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu làm rõ những nội dung báo chí phản ánh liên quan đến Công ty cổ phần địa ốc Alibaba.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, Bộ Công an chỉ đạo đơn vị chức năng xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của báo chí liên quan đến các vi phạm của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba trong thời gian qua, có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.
Báo tin tức