MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm rõ tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc

Trong khi rất nhiều cán bộ, nhân viên ngành y đã bỏ nghề, không ít người vẫn tận tụy chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện công Ảnh: PV

Trong khi rất nhiều cán bộ, nhân viên ngành y đã bỏ nghề, không ít người vẫn tận tụy chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện công Ảnh: PV

Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Họp bất thường xử lý vấn đề cấp bách

Đánh giá tình hình của năm 2022, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, trong năm, Quốc hội, Chính phủ cùng với các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện rất quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, rất chủ động, tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ. Nhiều nội dung Quốc hội đã rất chủ động đề nghị với Chính phủ trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch và những nội dung liên quan kinh tế - xã hội. Ông Cường đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với sự tham gia rất tích cực của các bộ, ngành, giúp tăng trưởng vượt kỳ vọng, có thể đạt tới 8%, trong khi dự báo ban đầu chỉ khoảng 6 - 6,5%. “Đây là một điểm sáng rất đáng ghi nhận”, Tổng Thư ký Quốc hội đánh giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với những đặc thù của năm 2022, nước ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước với những kết quả tốt với 13 kết quả nổi bật, vượt 6 chỉ tiêu, đạt 8 chỉ tiêu, chưa đạt 1 chỉ tiêu về tăng năng suất lao động do tác động nhiều mặt trong nước và quốc tế. Ông Định đề nghị nhấn mạnh thêm về bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép.

Đáng lưu ý, trong xây dựng thể chế, lần đầu tiên Quốc hội bố trí một kỳ họp bất thường để thông qua Nghị quyết về kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế; quyết định kế hoạch đầu tư công; dùng 1 luật sửa 9 luật và các luật đó đi vào thực hiện, có tác dụng ngay. Hay trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 30/8, Chính phủ trình và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để giảm thuế xăng dầu trong phiên họp thường kỳ tháng 9 (tức ngày 10/9 mới họp), nhưng Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp thẩm tra ngay và đến 31/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp yêu cầu ký ban hành nghị quyết giảm thuế xăng dầu trước ngày nghỉ lễ, từ đó góp phần giảm giá xăng dầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ: Cần làm rõ hơn nữa nguyên nhân và đề xuất giải pháp đột phá khi không đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; hay giải pháp cải thiện chất lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Tập trung tháo gỡ, khắc phục tình trạng giá xăng giảm mạnh song các mặt hàng thiết yếu giảm không đáng kể; công tác rà soát, kiểm tra việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc chuyển sang khu vực tư nhân; vấn đề tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục; thời điểm nâng mức học phí…

Chứng khoán, trái phiếu tiềm ẩn rủi ro

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng có nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm 2022, có tình trạng đẩy giá gây sốt ảo. Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh. Ngành giáo dục chưa khắc phục triệt để việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ…

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán. Điển hình, vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng… Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao; Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC); vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, tập đoàn FLC, tập đoàn Tân Hoàng Minh…

Ủy ban Kinh tế lưu ý, sang năm 2023 cần kiên định thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xây dựng kịch bản ứng phó với nguy cơ đình trệ và lạm phát. Bên cạnh đó, cần giải quyết vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

Đấu giá biển số xe, giá khởi điểm không nên quá cao

Chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Phát biểu tại phiên họp, liên quan giá khởi điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu có thể quy định một mức chung, không nên cao quá. Nếu quy định giá khởi điểm quá cao, chưa chắc đã thu hút được người tham gia. Mục tiêu là khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân, không phải chỉ để thu ngân sách.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho rằng, giá khởi điểm là vấn đề khó khăn nhất, vướng mắc dẫn đến việc nhiều năm qua không đấu giá được. "Chúng tôi lấy mức giá khởi điểm ở Hà Nội và TPHCM là 40 triệu đồng, gấp đôi mức lệ phí đăng ký hiện nay. Các địa phương khác là 20 triệu đồng. Mức giá này tương đương 5% giá trung bình của 1 phương tiện. Qua ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu xác định một mức giá chung là hợp lý, chúng tôi xin tiếp thu và nghiên cứu, sau đó báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết định", ông Long nêu.

THÀNH NAM

Theo Luân Dũng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên