MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để nông nghiệp thoát cảnh ùn ứ, 'buôn chuyến'?

08-06-2022 - 19:07 PM | Thị trường

Làm sao để nông nghiệp thoát cảnh ùn ứ, 'buôn chuyến'?

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính hơn nhưng nhiều năm qua

Chiều 7/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan về nhiều vấn đề liên quan đến nông nghiệp, trong đó có ùn ứ nông sản, chuyện được mùa mất giá, "buôn chuyến" của nông nghiệp Việt.

Thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính

Đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn Thái Nguyên) đề cập đến việc trong thời gian qua, ùn ứ nông sản xảy ra cửa khẩu phía Bắc gây khó khăn cho người nông dân, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân chính là do chính sách nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng khắt khe. Đại biểu Hoàng Công Anh đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra giải pháp để giúp người nông dân để nâng cao chất lượng hàng nông sản, nâng cao giá trị nông sản và qua đó để tăng cường xuất khẩu và xây dựng một nền xuất khẩu bền vững.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắc Nông) nhắc tới điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. "Giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?", ông chất vấn.

Làm sao để nông nghiệp thoát cảnh ùn ứ, buôn chuyến? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Chụp màn hình

Trả lời những chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ ở cửa khẩu phía Bắc, vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã năng động, linh hoạt để góp phần làm nên kết quả xuất khẩu nông nghiệp, nông lâm, thủy sản trong năm 2021 đạt mức cao trong bối cảnh khó khăn.

Về vấn đề giá nguyên liệu đầu vào, "tư lệnh" ngành nông nghiệp cho biết, vấn đề này liên quan tới thị trường, quản lý doanh nghiệp, vật tư đầu vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu.

Đứng ở góc độ của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, Bộ đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân. Tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên. 

Theo Bộ trưởng, thị trường Trung Quốc đang ngày càng khó tính hơn nhưng nhiều năm qua "chúng ta quen tư duy rằng thị trường Trung Quốc dễ tính".

"Khi Trung Quốc thay đổi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm thì chúng ta lại chậm thay đổi. Tất nhiên, trong vấn đề này có trách nhiệm của bộ, ngành trung ương, trong đó có Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Chúng ta đã chậm thông tin để cho người nông dân biết và bản thân bà con nông dân cũng ít chịu quan tâm lĩnh vực này", Bộ trưởng nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần tổ chức lại ngành hàng sản xuất, thị trường để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Ngoại giao đang xây dựng dự thảo chiến lược xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, để chuyển dần dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Bộ trưởng nhấn mạnh từ "dần dần" vì không thể chuyển đột ngột do quy định của hai bên khác nhau, rồi một ngày nào đó nông sản Việt Nam danh chính ngôn thuận nhập khẩu sâu vào nội địa, ở phân khúc thị trường cấp cao. Để làm được điều này đòi hỏi phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Để khắc phục "điệp khúc được mùa mất giá" phải có sự vào cuộc đồng bộ

Trả lời câu hỏi của đại biểu về "điệp khúc được mùa mất giá" đến bao giờ khắc phục được, Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh điều hành trong nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới, tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên do đó cần có sự phối hợp nhịp nhàng.

Bên cạnh công tác quản lý của Bộ thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sự năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề nhanh hay chậm.

Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, quả Vải ở Bắc Giang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ khi các địa phương vào cuộc một cách chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại câu nói của một lãnh đạo Hải Dương "đất đai Hải Dương manh mún nhưng tư duy của người Hải Dương không được manh mún". Nêu rõ bản chất nông nghiệp là rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, thị trường, khó định lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh vấn đề là có sự kiên trì cùng nhau đi và từ câu chuyện của Hải Dương hay của địa phương khác bắt đầu kích hoạt các địa phương còn lại.

Xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường bài bản, tránh tình trạng "buôn chuyến"

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề bất ổn thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cùng với các bộ đã xây dựng ba đề án cho các thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng, mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Do vậy cần xây dựng đề án riêng tránh tình trạng "đi buôn chuyến", để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn.

Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng, với đề án này các doanh nghiệp Việt trong từng loại thị trường sẽ kết nối với nhau. Như vậy, nhìn vào lăng kính thị trường để điều chỉnh lại tổ chức sản xuất phù hợp từng loại thị trường, từng mùa vụ, từng vùng nguyên liệu cụ thể.

Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây

Về chế biến nông sản, Bộ trưởng cho biết thực tế một số ngành của nước ta chế biến rất tốt gần như 100%, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Thời gian qua nhiều doanh nghiệp tham gia và thành công. Thủ tướng cũng đã thăm và khởi động nhà máy chế biến nông sản ở Sơn La, Gia Lai và một số địa phương trong thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản phải tốt và sản lượng nông sản ổn định. Do đó địa phương cần phải chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo địa phương cần phải sâu sát ngồi với nông dân và doanh nghiệp để tạo niềm tin thị trường trước.

Theo Đỗ Lan

NDH

Trở lên trên