Làm sao thúc đẩy cho vay tín chấp doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Lợi nhuận tín dụng bền vững của NHTM không phải từ cho DN lớn vay an toàn mà từ cho doanh nghiệp SME và cá nhân vay với những sản phẩm phù hợp.
Số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp, sử dụng tới hơn 50% lực lượng lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Cho doanh nghiệp vay vốn lưu động, mua bán hàng từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng là nguồn tín dụng rất lớn của NHTM với 500 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Thúc đẩy hoạt động này phát triển có thể giải quyết tốt bài toán tăng trưởng tín dụng, tăng thu nhập của NHTM, song song đó cũng giúp các SME mở ra cơ hội kinh doanh.
Thế nhưng, thực chất số doanh nghiệp SME tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân hàng là rất ít. Một số khảo sát cho thấy có đến 70% trong nhóm doanh nghiệp này phải tiếp tục sử dụng nguồn vốn tự có hoặc vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Nguyên nhân được đưa ra khá phổ biến hiện nay đó chính là các SME thường không có nhiều tài sản thế chấp, hồ sơ vay vốn không đạt yêu cầu của các NH do việc quản lý sổ sách, báo cáo tài chính không được rõ ràng từ trước đến nay…
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Các nguyên nhân trên vừa hợp lý nhưng cũng vừa không hợp lý, hợp lý vì theo quy định, còn thiếu hợp lý là theo quan hệ tương tác, áp dụng.
“Quy định là do mình đặt ra, quy định cứng và có lợi cho NH chừng nào thì kinh doanh càng kém hiệu quả chừng đó (ngoại trừ độc quyền). Do vậy, quy định cần được xây dựng thêm tính chủ động. Tương tác, tức là hội sở của NH phải nghiên cứu sâu, đưa ra quy định có tính tương tác, chứ không nên quy định như kiểu hành chính, quản lý không được thì cấm,” ông Hiển nói.
Cho vay cho vay tín chấp vốn lưu động doanh nghiệp SME rủi ro hơn cho vay thế chấp?
Vị chuyên gia này cho rằng, đương nhiên là tín chấp sẽ rủi ro hơn thế chấp nhưng cần phải đặt trong sản phẩm cho vay. Cho vay tín chấp doanh nghiệp SME là cho vay thực hiện đơn hàng với khoản vay từ 1- 5 tỷ đồng tùy quy mô và lịch sử kinh doanh (đơn hàng) của doanh nghiệp.
Nếu so với hoạt động cho các doanh nghiệp, cá nhân vay các khoản vay lớn (trên 5 tỷ đồng) dựa trên thế chấp BĐS, ông Hiển khẳng định rằng hoạt động vay tín chấp vốn lưu động SME không rủi ro hơn, thậm chí tốt hơn vì sẽ đem lại lợi nhuận nhiều hơn so với mất vốn.
Để chứng minh điều này, ông Hiển dẫn ra 3 luận điểm chính: Thứ nhất, nợ xấu tại hệ thống NHTM trong những năm qua không phải do cho vay tín chấp vốn lưu động doanh nghiệp SME mà từ cho vay DN lớn và cho vay từ 10 tỷ trở lên có thế chấp.
Thứ hai, cho vay tín chấp khoản nhỏ theo quy mô người vay đem lại lợi nhuận hay thua lỗ cho "người cho vay"? Chuyên gia này cho rằng, thực chứng đó là khoản cho vay sinh lời tốt của tổ chức tín dụng, ví dụ như trường hợp của Home credit vào VN năm 2009, dù 'lạ nước lạ cái' với người vay cá nhân VN nhưng họ vẫn làm ăn được với những sản phẩm vay rất đa dạng...
Thứ 3, lợi nhuận tín dụng bền vững của NHTM ở đâu? Không phải từ cho DN lớn vay an toàn mà từ cho doanh nghiệp SME và cá nhân vay với những sản phẩm phù hợp.
“Vài năm trước đây, các NHTM thấy chỉ cần cho vài doanh nghiệp lớn là đủ ‘ăn no ngủ yên’, còn cho vay khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp SME rất ít, phân tích hồ sơ mất thời gian mà khoản vay nhỏ nhoi nên tốn chi phí. Và thế là từ Vinashin, Bình An,…và ngay cả Hoàng Anh Gia Lai đã chôn vốn, mất vốn, mất lãi của các NHTM đến nỗi nhiều quan chức và chuyên gia đã phải đề xuất cần dùng lực nhà nước để xử lý cục nợ này.” ông Hiển dẫn chứng.
Tại sao lợi nhuận NH lại từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME?
Ông Hiển cho rằng nguyên nhân thứ nhất các SME là số đông và dễ chọn lựa hơn. “Số DN lớn, tốt rất ít, muốn họ vay phải năn nỉ, giảm lãi suất....còn doanh nghiệp SME và cá nhân rất lớn và đa dạng, mỗi NH đều có thể chọn lựa theo thế mạnh của mình”.
Thứ hai là lãi suất cao hơn, cá nhân và doanh nghiệp SME vay luôn chấp nhận lãi suất cao hơn DN lớn từ 2 - 5%, mức chênh lệch này đủ bù chi phí và thu lãi cho NH.
Thứ 3 là dễ xử lý hơn. “Câu nói ‘vay 50 triệu đồng là con nợ của NH còn vay 50 tỷ đồng là chủ nợ của NH’ quá rõ ràng tại VN. Hầu như với cá nhân vay dưới 1 tỷ đồng khi bị xử lý rồi cũng phải trả, tỷ lệ mất vốn thấp và được bù đắp bằng lãi suất cao. Còn khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên là NH đủ thấy mệt rồi, còn trên 50 tỷ đồng mà muốn xử lý thì NH phải đi hầu tòa rất phức tạp...”, ông Hiển phân tích.
NDH