Làm sếp cũng phải học: Ngưng đè nén áp lực lên nhân viên, thay vào đó hãy tạo động lực - vừa ích cấp dưới vừa lợi cấp trên
Một công ty sẽ tiến lên hay lụi tàn, điểm mấu chốt nằm ở nhân viên. Và người lãnh đạo giỏi là người sẽ biết nhân viên cần gì để thúc đẩy năng suất làm việc của họ tối ưu nhất.
Năng suất làm việc của nhân viên là một yếu tố hết sức quan trọng, quyết định cho sự tồn vong, thịnh vượng của một công ty. Và trách nhiệm của người quản lí là làm sao để thúc đẩy nguồn năng suất đó cao nhất có thể, làm cách nào để tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở để vận hành hệ thống quản lý nhân viên một cách trơn tru, hợp lý, đảm bảo trên thuận ý sếp, dưới hợp lòng nhân viên.
Đừng để những khúc mắc của nhân viên bùng nổ
Vì cảm xúc tiêu cực là một thứ hết sức dễ lây lan, chỉ cần một nhân viên có cảm xúc tiêu cực trong quá trình làm việc, ví dụ như bất mãn trong cách phân công công việc hay cảm thấy lạc mất hướng đi trong con đường sự nghiệp thì rất nhanh thôi, cả ngàn khúc mắc tương tự như vậy trong những nhân viên khác cũng sẽ trỗi lên, đôi khi nhanh tới mức bạn chưa kịp nhận ra thì mọi thứ đã nằm ngoài tầm kiểm soát.
Vậy làm cách nào mới có thể tạo động lực cho nhân viên của mình và thúc đẩy năng suất làm việc lên cao nhất có thể?
Chúng ta đều biết nút thắt là ở đâu, chính là ở nhân viên của các bạn, chỉ là bạn có biết cách giúp họ tháo gỡ những nút thắt đó và tiếp tục tiến lên hay không.
Tìm ra mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?
Nhiều nhân viên thường không nhìn ra được điều gì tạo động lực mạnh mẽ cho họ để tiếp tục phấn đấu trong con đường sự nghiệp của mình ngoài tiền bạc hay chức vị. Hoặc giả sử họ có được câu trả lời rõ ràng cho mình thì chưa chắc đã chịu nói thật với bạn mà thay vào đó các nhân viên sẽ thường có xu hướng trả lời bằng những câu khiến sếp "mát dạ" thay vì nói thẳng trực tiếp vào nhu cầu mà bản thân mong muốn.
Vậy nên hãy ngừng hỏi những câu hỏi mang tính trực tiếp như "Điều gì sẽ là động lực thúc đẩy bạn trong công việc?", hay "Mục tiêu làm việc của bạn là gì?" vì chắc chắn rằng bạn sẽ không nhận được câu trà lời mà mình mong chờ. Hãy thay đổi tư duy trong cách nhìn nhận vấn đề bằng cách thay thế những câu hỏi trực tiếp khô khan và cứng nhắc bằng những câu hỏi hướng về cảm xúc nhiều hơn.
Ví dụ như:
"Dự án từng làm khiến bạn cảm thấy hứng thú nhất là gì và điều gì khiến bạn yêu thích nó?"
"Bạn cảm thấy các người sếp cũ đã mang lại những thứ gì tốt nhất cho nhân viên trong công ty? Bạn thích điều gì và không thích điều gì ở họ?"
Hãy đưa ra những câu hỏi mở, có tính chất làm rõ và đặc biệt là hãy lắng nghe chân thành và nhiệt tình vì đó sẽ là lúc nhân viên mở lòng với bạn nhất, các câu trả lời sẽ ẩn chứa những nhu cầu, mong muốn của họ, thông qua đó bạn sẽ biết được mình cần làm gì và không nên làm gì để thúc đẩy năng suất làm việc của nhân viên một cách tối ưu nhất.
Kĩ năng lắng nghe có lẽ là điều quan trọng nhất mà bất cứ người quản lý nào cũng cần phải chú trọng tới. Bên cạnh việc quan sát thì lắng nghe sẽ giúp bạn có một cái nhìn sâu sắc và bao quát hơn về vấn đề mình đang hướng tới, từ đó tiếp nhận được nhiều thông tin hữu ích hơn, biết được điều gì là quan trọng, là động lực chính thúc đẩy khả năng làm việc của nhân viên. Đây sẽ là nền tảng giúp củng cố động lực cho họ cũng như thúc đẩy họ tiến về phía trước trong công việc hiện tại.
Tạo động lực cho nhân viên là một vai trò quan trọng đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào dù là trong công ty lớn hay nhỏ. Và hãy luôn ghi nhớ một điều rằng, ai cũng có một mơ ước, khát khao và nhu cầu để phấn đầu trong cuộc sống, và nhiệm vụ của một người quản lý tài ba chính là tìm ra được những mong muốn đó của nhân viên để khích lệ và thúc đẩy họ năng nổ làm việc hơn, đây sẽ là nền tảng vững chắc quyết định một công ty liệu sẽ phát triển hay lụi tàn trong tương lai.
Trí thức trẻ