MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm startup 10 người "chết" 9, nay còn mai mất, rốt cuộc nhân viên chọn ở lại công ty vì điều gì?

07-06-2019 - 16:44 PM | Doanh nghiệp

Xây dựng niềm tin chưa bao giờ là điều dễ dàng, nó cũng không phải là thứ có thể đổi lại sau một đêm.

Cách đây khá lâu, tại một sự kiện, nhà sáng lập Thế giới Di Động ông Nguyễn Đức Tài có chia sẻ: "Người lao động là người nhạy cảm. Họ biết đâu là chiêu trò giữ người đâu là tấm lòng chia sẻ. Phần lớn nhân sự chỉ cho chúng ta chiêu trò giữ người, còn tấm lòng chẳng ai dạy được cả."

Làm startup 10 người chết 9, nay còn mai mất, rốt cuộc nhân viên chọn ở lại công ty vì điều gì? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch TGDĐ.

Một trong những chiến thuật quản trị con người của MWG chính là đặt nhân viên lên vị trí số 2, chỉ sau khách hàng. Ông Tài cho rằng: Nếu người ta đi làm chỉ vì miếng cơm manh áo thì không làm chỗ này có thể làm chỗ khác. Còn nếu doanh nghiệp tạo được môi trường tốt cho nhân viên, coi họ như những người đồng hành thì chắc chắn họ sẽ ở lại, vì họ biết ở đây họ được tôn trọng, được trao niềm tin.

Câu chuyện của Thế Giới Di Động hơn 10 năm về trước, khi năm 2008 bị lỗ, 25 tết phải đóng bớt cửa hàng, tới năm 2009 phải cắt giảm thu nhập của nhân viên, nhưng không một người nào nghỉ. Việc đó đã chứng minh cho quan điểm dùng người đúng đắn của đội ngũ lãnh đạo MWG.

Chúng ta cần phải thay đổi mối quan hệ giữa sếp và nhân viên sang mối quan hệ là những người cộng sự

Chúng ta cần phải thay đổi mối quan hệ giữa sếp và nhân viên sang mối quan hệ là những người cộng sự, những người có chung chí hướng, lúc đó doanh nghiệp sẽ phát triển rất nhanh, những khó khăn khác sẽ dần được khắc phục.

Mới đây, ông Tài cũng nhấn mạnh quan điểm này: Không có người sử dụng lao động và người lao động, không có kẻ mua người bán sức lao động. Thế giới Di động chỉ có một thủy thủ đoàn 45.000 người cùng ra khơi đánh cá và cùng chia sẻ thành quả.

Trong một hội thảo bàn về những biến động nhân sự trong doanh nghiệp, Thạc sĩ Quản trị Nguồn nhân lực từ Columbia Southern University bà Nông Vương Phi - Founder&CEO của Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân sự Phi&P cũng đã khẳng định: "Khi muốn giảm tỷ lệ nghỉ việc, thì không phải là những gì bạn làm cho họ, mà là bạn cách đối xử với họ. Nếu có một vấn đề về biến động nhân sự thì trước tiên hãy nhìn vào người quản lý. Nhóm quản lý là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với người lao động của các bạn. Một mức lương cao, cơ hội phát triển và cơ hội thăng tiến chưa đủ để giữ chân nhân viên".

Làm startup 10 người chết 9, nay còn mai mất, rốt cuộc nhân viên chọn ở lại công ty vì điều gì? - Ảnh 2.

Bà Nông Vương Phi - Founder&CEO của Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân sự Phi&P.

Theo đó giá trị mà họ coi trọng nhất chính là sự ghi nhận từ phía doanh nghiệp và sự quan tâm từ phía ban lãnh đạo công ty, trước khi nói đến câu chuyện về lợi ích. Kết luận này được đưa ra sau khi đã tiến hành cuộc khảo sát với hơn 1000 nhân viên đã từng nghỉ việc. Trên tạp chí Harvard Bussines Review cũng đã từng công bố một khảo sát được thực hiện bởi nhóm Gallup, kết quả cho thấy: Nhà quản lý đóng góp đến 70% điểm gắn kết của nhân viên.

Chia sẻ về chủ đề này, ông Trần Văn Viển – Giám đốc văn phòng Base Hồ Chí Minh, một startup mới bước chân vào thị trường phía Nam vừa tròn 1 năm bày tỏ sự đồng tình: "Thực ra, startup trong những giai đoạn đầu, khi chúng ta chẳng có gì ngoài lý tưởng và một sứ mệnh cần phải thực hiện thì cách tốt nhất để có được những người cộng sự tài giỏi và gắn bó với công ty chính là đối xử với họ chân thành. Nhân viên họ không ở lại vì chiêu trò hay chính sách giữ người, họ ở lại vì sự chân thành."

Base.vn vốn là startup được sáng lập bởi ông Phạm Kim Hùng vào tháng 8/2016. Ông Hùng trước đây được mệnh danh là cậu bé vàng của làng Toán học Việt Nam. Sau 2 vòng gọi vốn đầu tiên Base đã nhận được đầu tư của các quỹ hàng đầu Việt Nam và khu vực như VIISA, 500Startup, Beenext, Alpha JWC với tổng số tiền lên tới 1,7 triệu USD.

Cách đây 1 năm, Base mở văn phòng tại Hồ Chí Minh vào tháng 5/2018. Doanh nghiệp này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ phía thị trường và ghi nhận gần 400 doanh nghiệp khách hàng chỉ tính riêng thị trường Hồ Chí Minh.

Ông Viển nhớ lại: "Thời điểm đầu tiên vào Hồ Chí Minh, thị trường mới, kỳ vọng của khách hàng cao, sản phẩm còn nhiều phần chưa đáp ứng được. Anh em đi xa, thời tiết khắc nghiệt, kinh nghiệm còn ít ỏi, gặp phải lời từ chối nhiều. Hỏi lúc đó làm sao để giữ lửa, để anh em đủ sức chiến đấu, câu trả lời chính là sự chân thành.

Làm startup 10 người chết 9, nay còn mai mất, rốt cuộc nhân viên chọn ở lại công ty vì điều gì? - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Viển – Giám đốc văn phòng Base Hồ Chí Minh.

Nếu nói là anh em luôn giữ được lửa thì không đúng, nhưng bắt buộc bản thân người quản lý phải luôn giữ được lửa. Nhân viên có những bạn xuống tinh thần cả một tháng, nhưng đã là sếp thì khó khăn đến mấy cũng không được xuống tinh thần dù chỉ một ngày".

"Chúng ta hành xử với nhau chân thành, quan tâm nhau chân thành, giải quyết mâu thuẫn cũng bằng sự thẳng thắn chân thành. Chân thành trong cả câu chuyện về lợi ích. Mỗi một quyết định đưa ra đều phải cân nhắc đến lợi ích của tập thể.

Người lãnh đạo phải xem nhân viên cần gì, muốn gì, và bản thân mình có thể cho họ được những gì. Có thể chúng ta không đáp ứng được hết, nhưng chúng ta nhất định phải lắng nghe", ông Viển chia sẻ.

Lãnh đạo là người truyền lửa, duy trì niềm tin cho team

Đối với startup, vai trò của những người đứng đầu lại càng quan trọng, ngoài việc làm tốt trách nhiệm là người dẫn đường, người kết nối thì lãnh đạo còn phải là người truyền lửa, duy trì niềm tin cho nhân viên. Ông Viển cho rằng người lãnh đạo muốn nhân viên tin mình thì chẳng có cách nào khác là bản thân mình phải tin vào bản thân. Người lãnh đạo muốn nhân viên dốc sức thì lãnh đạo cũng phải tận tâm dốc lòng.

"Đi cùng với anh em chiến đấu, mở rộng thị trường, gặp khách hàng demo giải pháp, lắng nghe những lời phàn nàn, trải qua thời tiết khắc nghiệt, căng thẳng vì doanh số chưa về, tất cả những trải nghiệm đó nên là cùng nhau, dù giám đốc hay teamlead hay là nhân viên, đã đánh trận thì đều phải cùng đánh và đồng lòng", ông Viển chia sẻ.

Xây dựng niềm tin chưa bao giờ là điều dễ dàng, nó cũng không phải là thứ có thể đổi lại sau một đêm. Nó cần được thử thách trên cả một hành trình, mà bản thân CEO và những người đứng đầu đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thậm chí để nhân viên tin CEO đã khó, nhưng để họ cảm thấy họ cũng được tin tưởng lại là thử thách khó hơn.

Làm startup 10 người chết 9, nay còn mai mất, rốt cuộc nhân viên chọn ở lại công ty vì điều gì? - Ảnh 4.

"Tôi nhớ những ngày đầu tiên, văn phòng Hồ Chí Minh còn chưa có bàn ghế, anh em ngồi dưới đất làm việc và gọi điện cho khách hàng, ứng viên đến còn phải tự mang ghế và khiêng bàn vào phòng để ngồi phỏng vấn. Ấy vậy mà vẫn tuyển được người, vẫn có những bạn đồng hành cho tới bây giờ. Tôi nghĩ là vì các bạn ấy tin tưởng ở đội ngũ lãnh đạo.

Lãnh đạo là người như thế nào, có những giá trị gì, kiên định vào con đường đang đi đến đâu, liệu nhân viên có thể tin tưởng đồng hành cùng, đó mới là điều giữ chân các bạn nhân viên ở lại", ông Viển kết luận.

Theo Vân Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên