Làm thế nào để biết có nợ xấu thẻ tín dụng hay không?
Có không ít người sử dụng thẻ tín dụng nhưng "quên" trả nợ, không trả hết nợ hoặc bị kẻ xấu đáng cắp thông tin để mở thẻ, gian lận giao dịch dẫn đến nợ xấu mà không hề hay biết.
Nợ xấu hay còn gọi là nợ khó đòi, khi người đi vay không thể trả nợ đúng hạn như cam kết trong hợp đồng vay mượn với các tổ chức tín dụng như ngân hàng, công ty tài chính. Theo quy định, nợ xấu là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán trên 90 ngày. Một khi đã bị liệt vào danh sách khách hàng nợ xấu (theo phân loại trên CIC) sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vay vốn của ngân hàng hay một tổ chức tín dụng nào đó trong tương lai.
CIC (Credit Information Center) là Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng trực thuộc Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam. CIC là đơn vị có nhiệm vụ thu nhận, lưu trữ, phân tích và cung cấp thông tin tín dụng phục vụ cho yêu cầu quản lý của ngân hàng nhà nước.
Trên thực tế, sẽ có một vài tình huống vô tình xảy ra có thể khiến người dùng bị ảnh hưởng bởi điểm tín dụng CIC. Đối với thẻ tín dụng cũng đã có không ít trường hợp khách hàng vô tính dính vào nợ xấu. Hiện nay, nhiều ngân hàng đã áp dụng quản lý thẻ tín dụng trên các app ngân hàng số khá tiện lợi như có nhắc nợ, tính năng tự động thanh toán,…Tuy nhiên, đối với những thẻ tín dụng phát hành lâu cách đây 7-10 năm, khách hàng không còn sử dụng nhưng quên trả nợ hoặc trả chưa hết nợ thì dù chỉ còn dư nợ rất nhỏ vẫn có thể dẫn đến nợ xấu rất lớn.
Trường hợp trớ trêu hơn là khách hàng bị lộ thông tin cá nhân, bị kẻ gian đánh cắp mở thẻ tín dụng và thực hiện giao dịch mà bản thân không hề hay biết. Theo đó, khoản vay bị dính nợ xấu và phát sinh lãi liên tục trong khi bản thân người đứng tên thẻ tín dụng này lại không biết gì.
Thẻ tín dụng có lãi suất rất cao, thường khoảng 20-40%/năm tùy thuộc vào ngân hàng, chưa kể phí phạt trả chậm. Do đó, người dùng thẻ tín dụng cần chú ý tới các khoản chi tiêu của mình để trả nợ đúng hạn, tránh để phát sinh lãi chồng lãi trong thời gian dài.
Để kiểm tra bản thân có bị nợ xấu hay không cũng như kiểm tra điểm tín dụng của mình, người dùng cần có tài khoản trên CIC. Để đăng ký, người dùng truy cập vào website chính thức của CIC là https://cic.gov.vn/ hoặc App CIC Credit Connect và tiến hành đăng ký tài khoản bằng cách nhấn vào mục Đăng ký. Sau đó, người dùng nhập tất cả các thông tin cá nhân của mình theo biểu mẫu, bao gồm họ tên, ngày sinh, số CMND, số điện thoại, ảnh CMND/CCCD,…
Báo cáo Thông tin tín dụng khách hàng vay cá nhân sẽ bao gồm các thông tin như: Thông tin quan hệ tín dụng hiện tại (số tiền vay và bên cho vay), thông tin lịch sử nợ xấu trong 5 năm gần nhất, thông tin về bảo đảm tiền vay, thông tin điểm tín dụng.
Xếp hạng tín dụng cá nhân của CIC có 5 mức: Rất tốt, Tốt, Trung bình, Dưới trung bình, Xấu.
Điểm tín dụng được đánh giá trên toàn bộ dữ liệu quan hệ tín dụng của khách vay tại thời điểm cuối tháng gần nhất so với thời điểm chấm. Điểm tín dụng được CIC cập nhật định kỳ hàng tháng theo biến động thông tin của khách vay.
Nếu phát hiện thông tin bị sai sót, khách hàng phản ánh với CIC qua Tổng đài 1800585891 hoặc chuyên mục “Khiếu nại/phản hồi” tại website: https://cic.gov.vn (gửi kèm giấy tờ chứng minh).
Nếu sai sót trong quá trình xử lý dữ liệu, CIC có trách nhiệm điều chỉnh sai sót và thông báo kết quả cho khách hàng.
Nếu thông tin sai sót tại TCTD báo cáo thông tin, cán bộ sẽ hướng dẫn khách hàng làm việc với TCTD có liên quan để xác minh, giải đáp. Trường hợp xác định có sai sót, Tổng Giám đốc TCTD hoặc người được ủy quyền có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị CIC cập nhật, điều chỉnh thông tin đúng.