Làm thế nào để không bị "móc túi" khi mua vàng?
Vụ việc một khách hàng mua 7 chỉ vàng nhưng khi bán chỉ còn 6 chỉ đã khiến nhiều người tỏ ra lo lắng về những rủi ro khi mua vàng cất giữ...
- 30-08-2016Bảo Tín Minh Châu thừa nhận bán thiếu vàng cho khách
- 29-08-2016Bảo Tín Minh Châu nói "giao nhầm" vàng cho khách và "cách chức" nhân viên bán hàng
- 29-08-2016Mua 7 chỉ vàng đến lúc bán Bảo Tín Minh Châu nói chỉ còn 6 chỉ
- 02-02-2016Bảo Tín Minh Châu: Làm gì có thưởng Tết để mà “trốn”!
- 01-02-2016Bảo Tín Minh Châu lên tiếng về việc ép nhân viên mua tủ lạnh và thực phẩm của công ty
Mới đây, vụ việc một khách hàng mua một chiếc kiềng vàng của Bảo Tín Minh Châu có trọng lượng là 7 chỉ vàng với hóa đơn đầy đủ nhưng khi có việc cần bán thì nhân viên của cửa hàng thông báo giá trị thực tế của chiếc kiềng là 6 chỉ. Sau khi vị khách này nhờ công an vào cuộc thì Bảo Tín Minh Châu mới thừa nhận "giao nhầm" vàng cho khách.
Nếu như món quà làm của hồi môn của vị khách trên không đem đi bán, thì chủ nhân của nó vẫn đinh ninh rằng đó là chiếc kiềng 7 chỉ để sâu trong két tủ.
Câu chuyện đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm đông đảo của xã hội với lý do "giao nhầm" trên, sẽ có bao nhiêu khách hàng từng mua vàng băn khoăn rằng liệu mình có thể bị cửa hàng vàng "giao nhầm" như vậy và làm thế nào để biết được chất lượng vàng có đúng với số tiền đã bỏ ra mua?
Người Việt vẫn có thói quen tích trữ, mua vàng làm tài sản phòng thân, hay mua vàng để làm quà tặng, làm của hồi môn cho con cháu. Chính vì vậy, việc mua vàng ở đâu và chất lượng vàng như thế nào luôn được mọi người quan tâm. Vậy làm thế nào để tránh được những rủi ro khi đi mua vàng?
Chọn mua những nơi có thương hiệu
Giá vàng có thể chênh nhau một chút giữa các đại lý, cửa hàng. Nếu có ý định giao dịch vàng, hãy tham khảo giá tại một vài cửa hàng để có lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn vẫn phải là chọn cửa hàng có uy tín và sản phẩm bảo đảm giá trị. Việc mua bán vàng cần đến các cửa hàng uy tín, có giấy chứng nhận để khi mua - bán lại, vàng không bị mất giá quá nhiều.
Ngoài ra, nhẫn tròn trơn gia công, không ép vỉ trôi nổi trên thị trường do các cơ sở tư nhân sản xuất. Những cơ sở này thường nhỏ lẻ, không có đủ máy móc, công nghệ hiện đại, vì vậy không đo được chuẩn tuổi vàng, vàng thường bị pha tạp chất khác mà người ta thường gọi là vàng non hoặc vàng không đủ tuổi. Bên cạnh đó, vàng còn bị làm hao hụt không đủ trọng lượng như niêm yết.
Bởi vậy, mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ, không có thương hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, người tiêu dùng thường bị thiệt hại về kinh tế khi mua bán, thường là bị mua đắt so với giá trị thực và khi bán bị hao hụt tiền, thành ra bị thiệt hại 2 lần. Đấy là chưa kể, việc mua nhẫn tròn trơn không ép vỉ trôi nổi trên thị trường rất dễ “dính” phải hàng giả, hàng kém chất lượng, gây thiệt hại về kinh tế và mất niềm tin khi lựa chọn giải pháp tích trữ bằng kim loại quý.
Với vàng trang sức cũng vậy, khách hàng thường rất khó để phân biệt được tuổi của vàng có đúng như người bán giao cho hay không cũng như chất lượng của vàng thực sự đến đâu.
Thường thì khách hàng không thể nhận biết được, cũng chẳng có máy móc kể kiểm tra chất lượng và trọng lượng của vàng. Bởi vậy, khách hàng nên chọn những doanh nghiệp vàng có uy tín để mua.
Một điểm quan trọng khác, trước khi rời khỏi quầy, người mua vàng phải yêu cầu người bán hàng cân đo lại trọng lượng để trực tiếp đối chiếu với hóa đơn và sản phẩm được giao.
Mua ở đâu bán ở đó
Một kinh nghiệm khác nữa là khách hàng mua vàng ở đâu thì nên bán ở đó để tránh mất giá. Ngoài tiêu chuẩn hàm lượng vàng (tuổi vàng) và trọng lượng vàng thì đơn giá tiền công cho các sản phẩm nữ trang cũng không thể định lượng một cách chuẩn xác. Nếu như mua ở công ty này nhưng bán cho công ty khác, khách hàng dễ bị ép giá vì lý do tuổi vàng kém và phải tốn chi phí gia công lại vì vàng của mỗi công ty đều có ký hiệu riêng, họ cũng không có nhu cầu sử dụng hoặc bán lại sản phẩm vàng của công ty khác
Song song với đó, người mua vàng cần giữ nguyên hóa đơn, giấy đảm bảo vàng và mang theo giao dịch mua đi bán lại, phòng khi có rủi ro nhầm lẫn xảy ra (chẳng hạn giống như trường hợp ở Bảo Tín Minh Châu vừa qua).
Xác định rõ mục đích mua
Nếu mua để tích trữ thì nên mua vàng miếng, vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu SJC để không bị mất giá khi bán lại. Còn nếu mua làm quà tặng, nhẫn cưới, của hồi môn cần giá trị thẩm mỹ thì vàng trang sức vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Riêng với vàng trang sức, khi bán vàng nên xem xét kĩ việc có muốn bán đồ trang sức đi hay không vì thường chúng mất giá khá nhanh. Hầu hết các đại lý và các cơ sở kinh doanh vàng sẽ mua vàng trang sức của khách hàng với giá thấp hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, chênh lệch giá mua vào bán ra vàng trang sức của các cửa hàng vàng bao giờ cũng lớn hơn vàng miếng, vì thế lợi nhuận từ việc kinh doanh vàng trang sức luôn là miếng bánh béo bở của các thương hiệu và ng trong nước, trong khi lợi nhuận từ vàng miếng lại khá "mỏng".