Làm thế nào để kích cầu cho vay cá nhân hậu Covid-19 khi thu nhập người dân bị giảm sút?
TS. Cấn Văn Lực cho biết quan hệ tín dụng là quan hệ thị trường, cung cầu. Nếu người dân khó khăn cũng khó kích thích được đi vay, bởi vay còn phải tính đến trả.
- 20-05-2020Giao lưu trực tuyến: Làm gì để thúc đẩy cho vay cá nhân hậu Covid-19?
- 20-05-2020Lãi suất, tỷ giá USD/VND giảm mạnh trên liên ngân hàng
Chia sẻ tại buổi Toạ đàm về giải pháp thúc đẩy cho vay cá nhân hậu Covid-19 do chuyên trang Trí thức trẻ Báo Tổ quốc phối hợp với CafeF tổ chức sáng 20/5, TS. Cấn Văn Lực cho biết năm nay nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp đều tương đối thấp. Hết Q1/2020, dư nợ tín dụng đạt khoảng 8,3 triệu tỷ, tương đương 134% GDP, trong đó cho vay doanh nghiệp chiếm 55%, cho vay cá nhân chiếm đến 45%.
Dù vậy, nhu cầu vốn đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4, với tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 4 là 1,32% nhưng vẫn thấp hơn so với năm ngoái (4,56%). Đến tháng 5, theo số liệu do NHNN cập nhật cho thấy đã tăng tương đối tốt. Ông dự báo, tín dụng sẽ tăng trở lại, đến hết quý 2 sẽ đạt khoảng 3,5-4%, hết năm là 9-10% là phù hợp.
"Nếu tăng trưởng GDP năm nay phấn đấu đạt 4-5%, thì tín dụng khoảng 9-10%, gấp hơn 2 lần là tương đối phù hợp. Nếu tăng 9-10% mà người dân và doanh nghiệp vẫn kêu khó thì phải xem lại thực hư xảy ra với đối tượng nào. Bởi mức tăng 9-10% là mức cao gần nhất trong khu vực. Nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại và sẽ tăng lên trong thời gian tới, và tương đối lớn vì phát triển kinh tế xã hội của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với khu vực" - TS Cấn Văn Lực nhận định.
Liên quan đến vấn đề nhu cầu vốn của người dân hậu Covid-19 tăng so với quý đầu năm nhưng liệu có tăng so với cùng kỳ các năm trước được hay không, và làm sao để thúc đẩy nhu cầu vay tiêu dùng của dân? TS. Cấn Văn Lực cho biết quan hệ tín dụng là quan hệ thị trường, cung cầu. Nếu người dân khó khăn cũng khó kích thích được người ta đi vay.
Theo chuyên gia, đối với Việt Nam, điều quan trọng số 1 là kiểm soát tốt dịch bệnh, từ đó khôi phục dần các hoạt động xã hội và nhu cầu vay vốn sẽ tự bật tăng lên. Nếu dịch bệnh như tháng 4 vừa qua thì quả thật không ai muốn làm gì, không ai muốn đi vay, cũng không muốn trả nợ.
Ngoài việc giảm lãi suất, giảm phí, các TCTD cũng cần tiếp tục đơn giản hoá thủ tục, giải quyết nhanh hơn, gọn hơn, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc nhanh hơn. Ngân hàng số đang phát triển nhanh thời gian qua và cần phát huy, tận dụng.
Chính phủ cũng cần tiếp tục các biện pháp kích cầu, gói 62.000 tỷ cũng là kích cầu, khi trao cho mỗi gia đình 1-1,8 triệu đồng, từ đó sẽ kích cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cũng cần có thiện chí hợp tác từ phía đi vay thì các TCTD mới cho vay được. Người dân đi vay phải biết vay để làm gì, khả năng cân đối trả nợ như thế nào? Cá nhân đi vay không nên đi vay quá 50% thu nhập của mình, sẽ dẫn đến quá tải khi trả nợ. Ngoài ra chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy giáo dục tài chính, khi người dân hiểu biết hơn thì sẽ đến vay tín dụng trực tiếp nhiều hơn tín dụng đen, tránh được những rủi ro không đáng có.