Làm thế nào để người trẻ mua được nhà ở xã hội?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu "an cư lạc nghiệp", khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người; với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
- 22-03-2023Hai huyện ngoại thành Hà Nội chuẩn bị đấu giá gần 40 lô đất, giá khởi điểm cao nhất 10 tỷ đồng/lô
- 22-03-2023Hưng Thịnh Land hoàn tất đàm phán 2 lô trái phiếu tổng 900 tỷ đồng
- 22-03-2023“Đòn bẩy” giúp thị trường bất động sản “vực dậy” trong năm nay
Sáng 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0" kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố và cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, anh Nguyễn Văn Linh, Công ty xây lắp 1, Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam, trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương đặt câu hỏi về vấn đề hiện nay, thanh niên công nhân đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở, nhu cầu thuê nhà của thanh niên công nhân là rất lớn, nếu có nhà để mua thì thanh niên công nhân rất muốn được vay để mua nhà trả góp với lãi suất thấp.
Anh Linh mong Chính phủ quan tâm, chỉ đạo NHNN có những chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ ở các địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc không lãi suất để thanh niên công nhân có thể mua được nhà ở xã hội.
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định và lành mạnh. Sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Trong đó, những mục tiêu giải pháp đầu tư về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ rất quan tâm và cụ thể hóa thông qua các nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, theo Nghị quyết 33 và chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, phải khẩn trương sửa đổi và sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để Quốc hội thảo luận vào kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới. Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ 1/7/2024.
Trong thời gian trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một Nghị quyết thí điểm đầu tư phát triển nhà ở xã hội với nhiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, trong đó có những khó khăn liên quan đến vấn đề dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vấn đề liên quan ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra. Đây là một đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả.
Thứ ba, trong thời gian qua, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2% để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.
Cũng trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đối với các chính sách thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội có 2 gói hỗ trợ gồm gói 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ đồng giao Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Đây là những chính sách rất cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị cũng như công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới để vay vốn mua nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có nhà ở để họ yên tâm công tác và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, yêu cầu "an cư lạc nghiệp", khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người; với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm.
Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho các đối tượng chính sách, người có công.
Trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả "đầu vào" (tức những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà), hỗ trợ cả "đầu ra" (người mua, thuê, thuê mua nhà) để phát huy nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ, tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này.
Nhịp sống thị trường