Làm thế nào để tránh bị gán nhãn thao túng tiền tệ?
Theo nguồn tin Reuters, mới đây Bộ Tài chính Mỹ đã xác quyết rằng VND đã bị định giá thấp hơn giá trị thật khoảng 4,7% trong năm 2019. Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc định giá thấp này là kết quả của “hành động của Chính phủ Việt Nam lên tỷ giá”.
- 29-06-2020Doanh nghiệp Việt loay hoay ứng phó rủi ro tỷ giá
- 10-04-2020Dự trữ ngoại hối đã tăng thêm 4 tỷ USD trong năm nay, lên mức cao kỷ lục mới 84 tỷ USD
- 02-01-2020Dự trữ ngoại hối năm 2020 có thể tăng lên 92 tỷ USD?
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Cũng vẫn theo Bộ Tài chính Mỹ, Việt Nam đã mua 22 tỷ USD gồm cả phần mua bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bộ Tài chính Mỹ tính toán rằng hành động này của Việt Nam đã làm cho tỷ giá VND, ở mức danh nghĩa là 23.224 đồng/USD năm 2019, thấp hơn khoảng 1.090 đồng so với tỷ giá hối đoái thực cân bằng (equilibrium real exchange rates).
Tỷ giá danh nghĩa, tỷ giá thực, tỷ giá thực cân bằng
Lưu ý lại về cáo buộc của Mỹ nói trên có liên quan đến 3 loại tỷ giá. Dường như đã có sự đánh đồng giữa 3 loại tỷ giá này. Bởi vậy, có nhiều người tỏ ra ngạc nhiên với lời cáo buộc này của Mỹ vì rõ ràng tỷ giá danh nghĩa VND của Việt Nam năm 2019 chỉ giảm (tức VND yếu đi) ở mức độ nhỏ là 0,11%, từ 23.189 đồng/USD vào ngày 30/12/2018 xuống 23.215 đồng/USD ngày 28/12/2019 (theo số liệu trên xe.com), thấp xa so với mức Mỹ cáo buộc là 4,7%.
Vì Mỹ cáo buộc rằng Việt Nam đã thao túng để cho tỷ giá danh nghĩa thấp hơn tỷ giá thực cân bằng nên ở đây ta cần hiểu qua về tỷ giá thực và tỷ giá thực cân bằng.
Tỷ giá thực là tỷ giá danh nghĩa được điều chỉnh theo chênh lệch giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước và quốc tế. Khi tỷ giá danh nghĩa mạnh lên (bản tệ lên giá danh nghĩa so với USD) hoặc lạm phát trong nước tăng lên thì tỷ giá thực sẽ mạnh lên, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ trong nước so với thế giới. Để tránh sự lên giá thực của bản tệ thì ngân hàng trung ương hoặc Chính phủ nước sở tại thường phản ứng bằng cách giảm tỷ giá danh nghĩa của bản tệ (phá giá bản tệ).
Tỷ giá thực cân bằng là tỷ giá thực ở mức dẫn đến đồng thời sự cân bằng đối nội và đối ngoại. Cân bằng đối nội đạt được khi nền kinh tế đạt trạng thái lao động toàn dụng và lạm phát thấp. Cân bằng đối ngoại là trạng thái bền vững trong trung hạn của cán cân thanh toán quốc gia. Tỷ giá thực cân bằng thường được sử dụng như là một tham chiếu để đánh giá tỷ giá thực là quá mạnh hay quá yếu.
Trở lại với tỷ giá thực của VND so với USD, do lạm phát của Việt Nam năm 2019 (2,8%) cao hơn lạm phát của Mỹ (2,3%) nên tiền đồng đã lên giá thực so với USD, làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam so với Mỹ.
Đây có lẽ là nguồn gốc của cáo buộc của Mỹ vì họ tin rằng, Việt Nam, như mọi quốc gia khác có cùng hoàn cảnh, không muốn thấy tỷ giá thực của bản tệ mạnh lên, đã can thiệp để tỷ giá thực này yếu đi bằng cách giảm tỷ giá danh nghĩa của VND so với USD.
Quả thật là tỷ giá danh nghĩa VND đã giảm nhẹ 0,11% trong năm 2019 như đã nói ở trên. Không chỉ vậy, Mỹ bằng cách nào đó đã tính toán rằng sự can thiệp của Việt Nam đã làm cho tỷ giá danh nghĩa của VND lẽ ra phải mạnh lên tới 23.224 – 1.090 = 22.134 đồng đổi 1 USD, là mức của tỷ giá thực cân bằng cần có cho VND trong năm 2019, chứ không dừng lại ở mức thực tế là 23.224 như cáo buộc.
Thao túng tiền tệ không liên quan đến chính sách tiền tệ
Cách can thiệp phổ biến vào tỷ giá danh nghĩa là Chính phủ/ngân hàng trung ương trực tiếp mua USD và bán ra bản tệ. Chính vì lý do này mà Mỹ và các tổ chức quốc tế mới đặt ra chỉ tiêu thể hiện thao túng tiền tệ gồm có mua vào ngoại tệ của nước sở tại. Theo như cáo buộc của Mỹ thì Việt Nam đã mua vào tới 22 tỷ USD trong năm 2019.
Đã có ý kiến "khuyên" NHNN "khôn khéo để thuyết phục Mỹ là chúng ta không có mua vào ngoại tệ trong 6/12 tháng gần nhất, đồng thời cố gắng giải thích mục đích mua vào ngoại tệ không phải để thao túng tiền tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu".
Đáng tiếc là việc mua vào USD của NHNN là một thực tế do chính NHNN công bố khá rộng rãi trên thị trường. Với bằng chứng rành rành như vậy thì không có thể "cãi" rằng chúng ta không có mua vào USD trong năm 2019. Việc giải thích rằng mục đích mua vào USD không phải là để thao túng tiền tệ xem ra chẳng có tác dụng.
Cũng từ cáo buộc trên của Mỹ mà một số ý kiến đã phê phán rằng những kêu gọi phá giá tiền tệ, để tiền VND trượt mạnh hơn so với USD, là thiếu thận trọng trong việc cân nhắc sự đáp trả của các quốc gia khác.
Cần lưu ý rằng Mỹ hay các đối tác khác nếu có cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ là dựa trên bằng chứng Việt Nam đã can thiệp trực tiếp làm cho VND yếu đi trên thị trường ngoại hối bằng cách mua vào USD và bán ra VND. Nhưng điều này không có nghĩa là các hành động chính sách của Việt Nam gián tiếp làm yếu VND sẽ là mục tiêu cáo buộc của Mỹ và nước ngoài.
Đã có một sự đồng thuận rộng rãi rằng hành động chính sách, gồm chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, tác động thuận lợi đến tỷ giá của bản tệ – làm cho xuất khẩu của quốc gia trở nên cạnh tranh hơn – thì bản thân nó không phải là bằng chứng về thao túng tiền tệ.
Hành động chính sách gián tiếp làm yếu bản tệ gồm chính sách tiền tệ nới lỏng của ngân hàng trung ương để giảm lãi suất trong nước, kích thích tăng trưởng và việc làm, và hành động nới lỏng định lượng theo đó ngân hàng trung ương mua trái phiếu của doanh nghiệp hay Chính phủ (cho vay trực tiếp ra nền kinh tế) v.v... đều là những hành động can thiệp gián tiếp vào tỷ giá được phép mà không châm ngòi cho những cáo buộc thao túng tiền tệ như đang chứng kiến hiện nay.
Như vậy, NHNN vẫn hoàn toàn có quyền tự chủ, độc lập trong việc điều hành chính sách tiền tệ của mình, hoàn toàn có quyền, chẳng hạn như, tăng cung tiền để hạ lãi suất trong nước, nếu muốn, là cái mà rốt cuộc sẽ gián tiếp làm yếu VND để bảo vệ/nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ Việt Nam trong nước và quốc tế mà không sợ bị ai buộc tội là thao túng tiền tệ cả. Tương tự, NHNN nếu đến một thời điểm nào đó cần thiết thì vẫn hoàn toàn có quyền nới lỏng định lượng như nhiều nước đã làm để vực lại nền kinh tế và làm yếu VND để phục hồi/củng cố xuất khẩu mà không phải bận tâm đến nguy cơ bị cáo buộc thao túng tiền tệ.
Điều cần tránh để không bị dán nhãn "thao túng tiền tệ" chỉ là NHNN sẽ không được cho thấy có bằng chứng là đã và đang mua vào USD như trong quá khứ mà thôi.
Ở thời điểm hiện tại thì việc dừng mua USD của NHNN có thể là cần thiết vì Việt Nam đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ và quỹ dự trữ ngoại tệ đã đủ lớn (trên mức tối thiểu cần có là 3 tháng nhập khẩu). Tuy nhiên, trong tương lai, NHNN vẫn có thể nối lại việc mua USD trong một chính sách tổng thể làm yếu VND để kích thích xuất khẩu nếu thặng dư thương mại với Mỹ giảm đi hoặc đảo chiều, và dự trữ ngoại hối tụt giảm tương đối so với nhập khẩu v.v... mà không sợ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ.