MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để yên tâm nghỉ hưu lúc 40 tuổi?

04-10-2016 - 07:33 AM | Tài chính quốc tế

Nghỉ hưu từ khi 40 tuổi, bạn sẽ có rất nhiều thứ phải bận tâm để kế hoạch của mình không bị xáo trộn: những tình huống khẩn cấp về tài chính, thuế, lạm phát, khủng hoảng tài chính và thậm chí cả việc bạn sẽ sống thọ hơn mình tưởng.

Trong các lời khuyên về lập kế hoạch tài chính cho thời kỳ nghỉ hưu, quy tắc 4% là quy tắc được nhắc đến nhiều nhất. Theo đó, những người nghỉ hưu chỉ nên dùng 4% số tiền đã tích lũy được và định dùng trong suốt quãng đời còn lại (sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát) để có đủ tiền chi tiêu cho phần đời còn lại.

Tuy nhiên, gần đây quy tắc 4% đã gặp phải nhiều hoài nghi. Giới chuyên gia cảnh báo bạn phải tiết kiệm nhiều hơn để đối phó với những tình huống bất ngờ như lợi nhuận của các khoản đầu tư sụt giảm hay tuổi thọ của con người ngày càng tăng lên. “Nếu 40 tuổi đã nghỉ hưu với vài triệu USD trong tay, bạn sẽ có quá nhiều thứ phải bận tâm: những tình huống khẩn cấp về tài chính, thuế, lạm phát, khủng hoảng tài chính và thậm chí cả việc bạn sẽ sống thọ hơn mình tưởng”, Robert Karrn, chuyên gia đến từ Karrn Couzens & Associates, nói.

Evan Inglis, chuyên viên tính toán bảo hiểm của quỹ Nuveen, đã đưa ra một quy tắc thay thế: hãy lấy số tuổi của bạn chia cho 20 (các cặp vợ chồng nên lấy tuổi của người trẻ hơn) để tìm ra tỷ lệ chi tiêu an toàn nhất. Như vậy nếu nghỉ hưu lúc 40 tuổi bạn chỉ nên tiêu 2%, tức nếu tiết kiệm được 1 triệu USD thì chỉ nên tiêu 20.000 USD trong năm đầu tiên.

Vậy thì như thế nào mới là hợp lý? Những chia sẻ của 3 người đã nghỉ hưu từ năm 40 tuổi sẽ đem đến cho chúng ta một số bài học.

Người cha ở nhà nội trợ

Joe Udo nghỉ hưu từ năm 2012, khi mới 38 tuổi và đã có 16 năm làm kỹ sư phần cứng tại Intel. Vợ anh làm việc trong ngành nhân sự. Cặp vợ chồng đã có 2 năm thử nghiệm việc chỉ sống dựa vào lương của vợ và ghi chép chi li số tiền tiết kiệm được.

Các nhân viên tư vấn tài chính cá nhân thường nói rằng bạn nên tiết kiệm đủ để thay thế 80% thu nhập trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên Udo nói rằng gia đình anh vẫn có thể sống thoải mái với số tiền ít hơn thế. Họ tiêu khoảng 50.000 USD mỗi năm – từ lương của người vợ, tiền cổ tức từ cổ phiếu, tiền cho thuê nhà và Udo cũng kiếm được tiền từ blog nơi anh chia sẻ kinh nghiệm nghỉ hưu của mình.

Vợ của Udo cũng lên kế hoạch đến năm 2020 sẽ nghỉ hưu hay thậm chí là sớm hơn. Trong thời gian này hai vợ chồng đầu tư 400 USD mỗi tháng mở tài khoản tiết kiệm dành cho con trai đi học đại học.

Udo dự định sẽ tằn tiện cho đến khi 55 tuổi, lúc con trai tốt nghiệp cấp 3 và sau đó hai người có thể thoải mái đi du lịch. Tuy nhiên họ sẽ không để số tiền chi tiêu vượt quá con số 4%. Đến năm 65 tuổi Udo sẽ bắt đầu được hưởng an sinh xã hội.

“Hiện nay không có quá nhiều áp lực bởi mọi thứ đều diễn biến tốt”. Udo muốn ám chỉ để thị trường chứng khoán đang tăng điểm mạnh mẽ. Anh đang chờ đợi thời cơ để mua thêm cổ phiếu.

Udo nói rằng không phải tất cả mọi người đều có thể nghỉ hưu sớm. “Tuy nhiên nếu bạn quyết tâm thì hoàn toàn có thể làm được”. Theo anh, hầu hết mọi người đều thiếu tính kỷ luật. Khi có một khoản phải chi đột ngột phát sinh, hai vợ chồng có thể điều chỉnh (ví dụ như làm thêm) để bù đắp. “Dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, tôi cũng hoàn toàn không muốn quay lại làm việc fulltime”.

Chuyện của người kế toán

Trước khi Sydney Lagier nghỉ hưu năm 2008 (năm 44 tuổi), bà lập một bảng tính cho cả hai vợ chồng để tính toán họ cần bao nhiêu tiền để sống đến 100 tuổi. Kể từ đó đến nay, đều đặn mỗi quý ông bà đều đánh giá lại các khoản thu và chi của mình.

8 năm đã trôi qua và mọi thứ đang đi đúng kế hoạch, ngoại trừ khủng hoảng tài chính 2008. “Sau khi trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong cuộc đời thì bây giờ tôi tự tin mình có thể ứng phó với bất kỳ cơn bão nào”, người phụ nữ đang sống ở California nói.

Mỗi năm vợ chồng bà chỉ chi tiêu 3% số tiền đang có và theo tính toán thì sẽ có đủ tiền tiêu đến năm 102 tuổi. Ông bà cố gắng giữ trong tay lượng tiền mặt đủ để tiêu trong 2,3 năm và do đó bước qua khủng hoảng mà không phải bán cổ phiếu. Số tiền hiện có gấp 21 lần các khoản chi thường xuyên trong 1 năm giúp họ cảm thấy an tâm. Thậm chí trong tình huống xấu nhất thì ông bà sẽ dễ dàng cắt giảm 40% các khoản chi thường xuyên vì đó là số tiền chi cho các hoạt động giải trí, quần áo, các kỳ nghỉ và đi ăn nhà hàng.

Đã có một thời gian bà Lagier thử làm việc bán thời gian nhưng không cảm thấy thích thú. Bà còn phải làm rất nhiều việc: đi học piano, luyện tập thể thao và viết sách về nghỉ hưu. Chồng bà thì đang đi học guitar và hai vợ chồng thường xuyên tới San Francisco để nghe nhạc sống.

Kỹ sư giao thông

Justin McCurry là kỹ sư ngành giao thông vận tải. Năm nay 36 tuổi, anh đã không làm việc toàn thời gian từ 3 năm nay. Vợ của anh cũng bỏ công việc back-office tại ngân hàng Credit Suisse từ tháng 2. Mỗi năm họ tiêu khoảng 3% của số tài sản 1,5 triệu USD.

Cuộc sống của họ ở Raleigh khá dễ chịu nhưng không phải là không có vấp váp. Hai vợ chồng chỉ đi ăn ngoài 1 lần mỗi tháng, sống trong ngôi nhà giản đơn ở vùng ngoại ô, đi chiếc xe hơi thường là cũ nhất trong bãi đỗ xe của công ty và thích săn hàng giảm giá.

Căn nhà có hai chiếc tivi độ phân giải cao, mỗi người có 1 chiếc smartphone và 3 đứa con đều có máy tính bảng để dùng. McCurry quan niệm đó là những vật dụng cần thiết cho cuộc sống và có thể dùng máy second hand cũng được.

Anh kiếm được 1.000 – 2.000 USD mỗi tháng từ blog viết về độc lập tài chính. Phần thu nhập còn lại đến từ danh mục đầu tư có gần 100% là cổ phiếu. Cổ phiếu là loại tài sản đầu tư mang lại lợi suất cao hơn nhưng cũng biến động mạnh hơn so với một danh mục có thêm cả trái phiếu. McCurry đã có một bài học quý giá khi mất 70.000 USD chỉ trong 1 ngày tháng 6, sau sự kiện Brexit.

Mùa hè vừa qua, cả nhà đã tới Canada bằng xe minivan. Đó là cuộc phiêu lưu dài mà họ sẽ không bao giờ có được nếu làm một công việc toàn thời gian.

Lời khuyên của McCurry dành cho những ai muốn nghỉ hưu sớm là vẫn nên linh hoạt khi quyết định chi tiêu dù tuân theo kỷ luật là điều cần thiết.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên