MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lầm tưởng của Mỹ về Trung Quốc và lý do khiến đàm phán thương mại đổ bể

30-05-2019 - 20:08 PM | Tài chính quốc tế

Trên hành trình đi tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc dài đằng đẵng và chẳng hề dễ dàng, Mỹ chợt nhận ra sự thay đổi sâu sắc ở đất nước phía bên kia bàn đàm phán: nhận định về Trung Quốc mà Mỹ luôn cho là đúng trong suốt gần 50 năm trở lại đây giờ đã trở thành sai hoàn toàn.

Kể từ những năm 1970, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế, nhiều đời Tổng thống Mỹ đã luôn tâm niệm rằng Trung Quốc muốn nền kinh tế của họ giống với phương Tây và sau đó là trở thành 1 thành viên đầy đủ của hệ thống kinh tế quốc tế của Thế giới thứ nhất – cụm từ ám chỉ các quốc gia có ít rủi ro chính trị, đi theo mô hình nhà nước pháp quyền, có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ổn định và chất lượng cuộc sống ở mức cao. Vấn đề chỉ đơn giản là Trung Quốc sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi như thế nào.

Nhưng theo các chuyên gia phân tích từ Âu đến Á mà tờ Wall Street Journal phỏng vấn, những gì diễn ra khi hai bên cùng ngồi vào bàn đàm phán để đi đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại đã kéo dài suốt 1 năm qua cho thấy quan điểm này không còn đúng nước. Sau khi nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc để vươn lên vị trí số 2 thế giới và khả năng vươn tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng, Trung Quốc dường như không còn cảm thấy họ bắt buộc phải áp dụng một cách máy móc những quy tắc vốn được chấp nhận rộng rãi trong hệ thống tài chính và thương mại mà phương Tây đang dẫn dắt.

Thay vào đó, Trung Quốc đã và đang phát triển một hệ thống thay thế, một mô hình mà nước này cho là sẽ bền vững hơn và ưu việt hơn.

"Trung Quốc không cho là họ đang phá vỡ hệ thống cũ mà thay vào đó họ coi mình là người kiến tạo 1 hệ thống mới", giáo sư Keyu Jin của Trường kinh doanh London và cũng là người chuyên nghiên cứu về Trung Quốc nhận định. "Trung Quốc nhận thấy cái gọi là mô hình dân chủ tự do và hệ thống tài chính của phương Tây không hấp dẫn, không đủ sức thuyết phục họ và thậm chí còn đang trên đà đổ vỡ".

Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc, dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ đang được Trung Quốc triển khai bằng cách mạnh tay rót tiền vào một loạt quốc gia trải dài từ khu vực Đông Nam Á đến Ấn Độ Dương và Đông Phi, là bằng chứng rõ ràng nhất. Siêu dự án này có thể tạo ra một khối kinh tế hoàn toàn mới chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.

Theo giáo sư Jin, Trung Quốc và các quốc gia có liên quan đến dự án Vành đai con đường "sẽ sớm lớn hơn phần còn lại của thế giới". Khi điều đó trở thành sự thực, câu hỏi là Trung Quốc sẽ hội nhập với thế giới hay các quốc gia sẽ nhập vào một hệ thống mới được dẫn dắt bởi Trung Quốc?

Tất nhiên còn có rất nhiều nguyên nhân khác, nhưng hiện thực mới mẻ này giúp giải thích tại sao nội các của ông Trump gặp nhiều khó khăn đến vậy khi cố gắng đạt được 1 thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

Các nhà đàm phán Mỹ cố gắng buộc Trung Quốc phải thay đổi cả hệ thống, đặc biệt là giảm sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước và giảm việc Chính phủ "tịch thu" công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, những yếu tố này không còn là đặc trưng tạm thời của mô hình kinh tế Trung Quốc mà đã trở thành trụ cột của mô hình kinh tế mới. Trung Quốc dường như chỉ muốn tạm thời thay đổi xu hướng mua bán hàng hóa dịch vụ giữa hai nước để làm Mỹ hài lòng thay vì thực sự thay đổi mãi mãi hệ thống mà họ coi là tương lai của đất nước.

Điều này cũng không có nghĩa là hai bên không thể đạt được thỏa thuận trong ngắn hạn. Cách đây 1 tháng thị trường vẫn lạc quan tin rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc sau khi có những dấu hiệu tốt đẹp từ cả hai phía. Tuy nhiên, theo như Michael Pillsbury, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và hiện là cố vấn cho Tổng thống Trump, miêu tả thì hiện nay đàm phán thương mại đang rơi vào giai đoạn nguội lạnh.

Cả hai phía đều lo sợ về những hệ lụy đối với không chỉ kinh tế Mỹ Trung mà với cả toàn thế giới nếu như không thể đạt được thỏa thuận. Đoàn đàm phán của Trung Quốc cũng có nhiều nhà cải cách muốn tự do hóa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với niềm tin là các cải cách mang hơi hướng thị trường sẽ giúp tăng cường sức mạnh của nền kinh tế trong dài hạn. Tuy nhiên, kể cả có 1 thỏa thuận thương mại xuất hiện trong vài tháng tới, đó chỉ là thời gian nghỉ giải lao trong cuộc đấu kéo dài và khó có thể tránh khỏi giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thu Hương

WSJ

Trở lên trên