Làm văn phòng điều hòa mát rượi lương vẫn thấp hơn bạn bè ở quê: Dân công sở nghĩ gì?
Làm dân văn phòng luôn có những hạnh phúc riêng của mình.
- 13-09-2022Ngoài 30 tuổi mà còn giữ 5 kiểu tư duy này thì sẽ mãi không thể giàu
- 04-09-2022Doanh nhân 78 tuổi vẫn làm việc và bài học về thành công, hạnh phúc
- 01-09-2022Thay đổi cuộc đời với "thuyết cọng rơm": Làm việc cùng ai là điều quan trọng nhất để thành công
“Đi làm văn phòng nghe oai đấy, ngày ngồi điều hòa mát lạnh, quần áo là lượt nhưng đến cuối tháng thì nhận lương ít ỏi”, một dân văn phòng đã trải lòng như thế trên một nhóm kín về chuyện công sở và nhận được hàng trăm nghìn lượt tương tác.
Nhưng sự thật có phải vậy không? Nếu vậy, tại sao nhiều bạn trẻ vẫn bám trụ lại thành phố để làm văn phòng dù lương thấp hơn đứa bạn chọn về quê lập nghiệp? Chắc hẳn cũng có nhiều người thắc mắc về chuyện này lắm!
3 nhân vật dưới đây đã cùng tham gia giãi bày câu chuyện làm văn phòng sướng khổ thế nào, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của họ nhé!
.1. Nguyễn Trang (22 tuổi, Thanh Hóa, Chuyên viên tài chính).
2. Nam Nguyễn (26 tuổi, nhân viên công ty công nghệ tại Sài Gòn).
3. Thư Châu (31 tuổi, nhân viên văn phòng).
Bạn bè làm ông bà chủ - mình vẫn lương ba cọc ba đồng: Ngưỡng mộ nhưng không tự ti!
Nguyễn Trang (22 tuổi, Thanh Hóa) đang vừa học vừa làm. Hiện tại, Trang là sinh viên năm 3 chuyên ngành Sư phạm Toán học. Cô bạn đã đi làm từ năm 2019, và đã ký hợp đồng chính thức với công ty, hưởng mức lương theo doanh số.
“Ngoài làm sale tài chính toàn thời gian, mình còn đi dạy thêm môn toán ở các Trung tâm, và gia sư cho 1 số bạn trung học. Mức lương tính ra so với bạn bè bằng tuổi ở mức trung bình, không quá cao cũng không quá thấp. Và nguồn thu chính hiện tại đến từ công việc văn phòng. Do vừa học vừa làm, tính chất công việc lại hưởng lương theo doanh số, do đó có những tháng lương thưởng rất cao, và ngược lại. Tính ra thì cũng đủ để mình chi tiêu thoải mái.
Nguyễn Trang (22 tuổi, Thanh Hóa)
Tuy vậy, mình có xuất phát điểm muộn hơn các bạn cùng trang lứa, vì mình muốn chuyển đổi ngành học sau 1 thời gian trải nghiệm. Thế nên, bây giờ khi bạn bè đã tốt nghiệp gần hết, bắt đầu có những dự án kinh doanh hoặc đầu tư riêng, thì mình vẫn vừa học vừa làm.
Trở lại với 1 số bạn bè cấp ba của mình, khi vừa mới tốt nghiệp THPT xong, có bạn lựa chọn việc kinh doanh riêng và thời điểm này đã có thu nhập ổn định. Chằng hạn như anh bạn lớp bên, không lựa chọn học lên cao, nhưng bây giờ đã có 1 cửa hàng bán điện thoại “xịn” nhất phố và 1 quán nhậu bình dân, thu nhập cũng vào mức cao hơn bạn bè. Hay cô bạn cùng xã, chọn đi nước ngoài làm việc, lương bây giờ cũng hơn 20 triệu/tuần. Tính ra, với mức lương văn phòng hiện tại thì cũng không bằng các bạn được.
Trước hết, mình cảm thấy mừng và ngưỡng mộ họ. Bởi vì kiếm tiền chưa bao giờ là điều đơn giản. Song, mình có lựa chọn và sở thích của bản thân, mình cảm thấy nếu không tiếp tục học sẽ vô cùng lãng phí – đấy cũng là một trong những lý do mình chọn chuyên ngành hiện tại, và theo đuổi công việc mà mọi người hay bảo nhau “ngồi máy lạnh cả ngày”.
Với những bạn bè thành công sớm, làm bà chủ nọ, ông chủ kia, lương tháng mấy chục triệu, mình cũng không cảm thấy quá “ngợp” gì cả. Đứng trước những người thành công sớm, thì bị “họ hàng”, “bạn bè” so sánh là điều hiển nhiên và bình thường. Đó cũng là tấm gương để mình không ngừng cố gắng, để mọi người biết sự so sánh ấy hoàn toàn khập khiễng và không chính xác.
Đối với mình, mỗi người có một “múi giờ” khác nhau, mỗi người sẽ thành công ở một thời điểm khác nhau. Chỉ cần bạn không ngừng cố gắng, không bao giờ dừng lại, thì chắc chắn sớm muộn gì cũng sẽ đến đích thôi.”
Khi kinh doanh nợ 1 tỷ, thấy làm văn phòng lương 5 triệu/tháng cũng là hạnh phúc
“Mình đã có rất nhiều trải nghiệm trong đời, và hầu hết đều gắn với cái nghề mà rất dễ bị quy chụp là “nhàm chán”, “lương thấp”... Vâng, chính là “dân văn phòng” mà người ta hay gọi.
Mình có thời gian làm việc ở thành phố khá lâu kể từ khi còn đi học, khoảng 2 năm gì đó. Vì áp lực bạn bè, dù ở quê cũng kinh doanh đủ thứ, ông này bà kia, và đủ các câu chuyện khởi nghiệp thành công lọt đến tai mình. Nghe xong cũng tự hỏi: “Mình ăn học tử tế mà ra làm lương vài triệu bạc thế này, có phí hay không?”.
Nam Nguyễn (26 tuổi)
Thế là cũng nhen nhóm cái ý nghĩ về quê lập nghiệp. Cũng tham khảo thị trường, đối thủ ở quê, tìm hiểu và nghiên cứu dữ lắm. Và mình chọn 2018 - là năm mình bỏ hết tất cả ở thành phố, về quê mở quán cafe vì bao hoài bão “làm ông chủ” thôi thúc. Nói vậy thôi, chứ mình cũng đam mê cafe thật nên mới dám bỏ.
Tổng số vốn ban đầu cũng vay mượn thêm ba mẹ, khoảng gần 1 tỷ để mở quán và bắt đầu hoạt động kinh doanh nửa năm sau đó. Nhưng đời đâu có như mơ, kinh doanh được gần 1 năm chưa có lãi, thì đùng cái dịch Covid-19 kéo đến, khởi nghiệp không có lối thoát.
Vâng, trong đó có cả mình. Bao nhiêu công sức và hy vọng gần như dập tắt thời điểm đó. Mình áp lực chuyện tiền bạc, cuộc sống, nghi ngờ bản thân và đủ thứ khi đó khiến mình nhận ra: Khi chưa đủ vững về tài chính và kiến thức, thì đừng thấy người ta làm “chủ” mà ham.
Nhưng bản tính không thích cuộc sống êm đềm, mình thích cuộc sống năng động và cạnh tranh. Nên sau khi thất bại ở quê, mình cũng xin phép “ghi nợ” với bố mẹ, lại lao lên Sài Gòn xin làm văn phòng kiếm lại vốn. Lương 5 triệu thì đã sao, cứ cố gắng phấn đấu thì chục triệu, trăm triệu văn phòng cũng có (đây là đặc tính ngành mình đang làm). Nhưng cũng từ đó thấy nể nang mấy ông bạn cùng tuổi mình, dù ở quê nhưng cũng không ngừng học hỏi và cố gắng, chẳng bệ đỡ từ ai mà vẫn khá thành công.
Văn phòng có cái giá của văn phòng. Khi làm bất cứ điều gì, mình cũng luôn cố gắng đẩy giới hạn của bạn thân lên cao, cứ liên tục như thế, thì ai rồi cũng sẽ chạm được đến “ngưỡng thành công” mà bạn muốn. Còn làm dân văn phòng mà chấp nhận yên bình một chỗ, thì không phải là mình” - Nam Nguyễn chia sẻ câu chuyện của mình.
Chuyện tiền bạc, chỉ cần mình thấy đủ là đủ!
Thư Châu (31 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng có những giãi bày rất thực tế:
“Năm 2012, mình vào làm cho ngân hàng thuộc 1 trong 4 ông lớn ngành ngân hàng (Big4 mà mọi người hay gọi) ở Hà Nội. Thời điểm đó, ngành ngân hàng đang rất “hot”, lương cao, thưởng nhiều. Nhưng sau 1 năm đi làm, mình nhận ra mình không phù hợp với cái nghề này: dù quần áo là lượt, ngồi văn phòng mát mẻ cả ngày, công việc được mọi người đánh giá cao... thì mình cũng không chịu được vì áp lực KPI đè nặng, cường độ công việc cao.
Ảnh minh họa
Lý do đó khiến mình bỏ việc ở Hà Nội, trở về quê làm trong một Sở của tỉnh với mức lương vài triệu đồng. Nhận tháng lương đầu tiên cũng có đôi chút hụt hẫng, nhưng khi đó mỗi ngày đi làm với mình là một ngày vui, vì được làm việc cùng những con số, bảng biểu, và đây vừa là sở thích, vừa là sở trường.
Không như trước đây, làm ngân hàng sáng đi, tối có khi 7-8h mới về, công việc được lập trình sẵn giống như robot vậy. Dù sau 10 năm tăng lương, thăng chức, công việc văn phòng hiện tại cũng không cao bằng lương ngân hàng. Đôi khi cũng nghe họ hàng nói: “Ăn học đàng hoàng bao nhiêu năm, giờ gần 30 tuổi lương vẫn bèo bọt vài đồng, không bằng bạn này, bạn kia ở quê nhưng kiếm chơi chơi vài tỷ một năm”, nghe cũng chạnh lòng nhưng mình hạnh phúc với chính cuộc sống hiện tại.
Và mình cảm thấy, việc so sánh giữa mình và “đứa bạn” nào đó rất khập khiễng. Thứ xã hội đánh giá bây giờ đâu chỉ nằm ở mức lương tháng bao nhiêu, túi tiền bạn có bao nhiêu mà còn nhiều hơn thế nữa: Hạnh phúc? Trải nghiệm? Đam mê?
Mà dù xã hội có quan tâm, đó cũng không phải điều mình hướng đến. Chuyện tiền bạc, chỉ cần mình thấy đủ thì bao nhiêu cũng đủ!
Dù làm gì cũng sẽ có 2 mặt, nhưng việc làm tốt công việc của chính mình và không ngừng vươn lên trong cuộc sống là mục đích mà rất nhiều người theo đuổi. Làm dân văn phòng cũng luôn có hạnh phúc của riêng họ, chẳng hạn như đạt được thành tích tốt, thành quả trong công việc, hoặc tăng lương, thăng chức và được tôn trọng.
Phụ nữ Việt Nam