MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Làm việc 9 tiếng/ngày thì không có hạnh phúc": Biến thành thiêu thân nơi công sở để rồi thân tàn ma dại trước khi chạm được tay vào thành công, có đáng không?

28-10-2019 - 14:24 PM | Sống

Với 2.000 tiếng/năm, Hy Lạp là quốc gia có số giờ lao động nhiều nhất châu Âu. Trong khi đó, dù chỉ làm việc 1.400 tiếng/năm, Đức lại có năng suất cao hơn tới 70%. Rõ ràng, làm việc nhiều không khiến cuộc sống tốt đẹp hơn như chúng ta vẫn tưởng.

Trong một phiên họp Quốc hội vào tuần trước, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra lời phát biểu khiến dư luận chú ý. Ông khẳng định: "Về mặt kinh tế, mong muốn của mọi người là có thu nhập, có việc làm và có nhà. Về gia đình, 95,4% mong muốn có gia đình hoà thuận, 73% con cháu ngoan và tiến bộ, 60% là sức khoẻ tốt. Nhưng cứ làm việc 9-10 tiếng một ngày thì không có gia đình hạnh phúc đâu".

Đây chính là mâu thuẫn đã tồn tại hàng chục năm qua trong xã hội, là bài toán cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà con người vẫn loay hoay đi tìm câu trả lời chưa biết khi nào mới xong.

***

Xem một đoạn quảng cáo siêu xe BMW trên TV, chúng ta thường nghĩ: "Thứ này sẽ khiến mình vui hơn". Giống như nhiều sản phẩm xa xỉ khác, xe hơi sẽ đem đến cảm giác thích thú và thỏa mãn cho chúng ta. Nhưng để đổi lấy những giây phút tận hưởng đó, chúng ta sẽ phải làm việc nhiều hơn, căng thẳng hơn để có thêm tiền. Chúng ta sẽ ít gặp gia đình đi, chẳng buồn chăm sóc vườn cây và hy sinh những buổi chiều tập bơi đầy thư giãn. Chúng ta phải từ bỏ mọi thói quen khiến mình vui vẻ trong hiện tại, để đạt được niềm vui mơ hồ trong tương lai.

Con người đang sống trong thế giới mà bận rộn đã trở thành một "nét văn hóa". Chúng ta đánh đồng "sự bận rộn" với "thành công", coi việc rảnh rỗi là một sự vô dụng, thậm chí là thất bại. Trên TV nhan nhản đủ loại quảng cáo về những tiện nghi mới, những phong cách mới, những sản phẩm mới hứa hẹn sẽ cải thiện cuộc sống của con người. Và thế là chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy nợ nần, hoặc lại tiếp tục lao đầu vào công việc để kiếm thêm tiền nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.

Làm việc 9 tiếng/ngày thì không có hạnh phúc: Biến thành thiêu thân nơi công sở để rồi thân tàn ma dại trước khi chạm được tay vào thành công, có đáng không? - Ảnh 1.

Ngày qua ngày, chúng ta đều làm việc từ 7h sáng đến 6h chiều mới lết ra khỏi văn phòng. Thậm chí có những nơi, chuyện nhân viên phải làm thêm giờ hay cống hiến cả vào cuối tuần cũng chẳng hề hiếm. Tất cả chỉ để đổi lấy những đồng lương mà chúng ta còn chẳng thể tiêu nổi, vì đã quá mệt mỏi và kiệt sức. Chúng ta tự nhủ rằng mình cố gắng làm việc để có giúp tài chính gia đình ổn định, để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và người thân. Để rồi khi cơ thể suy nhược và tinh thần kiệt quệ, chúng ta gục ngã trước khi chạm tay vào giấc mơ thành công do chính mình vẽ ra.

***

Một nhân viên thuộc công ty vận tải lớn tại Hàn Quốc từng thú nhận rằng, làm việc ít hơn 12 tiếng/ngày là việc rất khó. "Hầu như tất cả mọi người ở đất nước này đều phải chịu đựng điều kinh khủng giống nhau mỗi ngày. Tôi muốn được giải thoát. Chúng tôi muốn sống một cuộc đời đúng nghĩa".

Tuổi thọ trung bình của con người là 79 năm. Điều đó có nghĩa là nếu đang ở tuổi 45, chúng ta sẽ chỉ còn 12.410 ngày nữa để sống. Quãng thời gian đó trông thì dài nhưng thật ra lại rất ngắn ngủi. Liệu chúng ta có muốn phí hoài những tháng năm cuối cùng trong đời mình trong một thân thể yếu ớt và một tinh thần mệt mỏi không? Có lẽ là không.

Làm việc 9 tiếng/ngày thì không có hạnh phúc: Biến thành thiêu thân nơi công sở để rồi thân tàn ma dại trước khi chạm được tay vào thành công, có đáng không? - Ảnh 2.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, hiệu suất làm việc sẽ giảm đáng kể khi chúng ta làm quá 50 tiếng/tuần và chạm xuống đáy khi chúng ta làm quá 55 tiếng/tuần. Nếu chúng ta không dành trọn một ngày trong tuần để nghỉ, thành tích làm việc sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nữa.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng quy định giảm số giờ lao động mỗi tuần, đặc biệt là các nước Bắc Âu - nơi luôn dẫn đầu về chỉ số hạnh phúc toàn cầu. Tại Đan Mạch, người dân chỉ làm việc 37 tiếng/tuần và luôn ra về vào lúc 4-5h chiều. Bên cạnh đó, các chuyên gia về hạnh phúc, trong đó có Dan Buettner, cũng khuyên: "Nếu đi làm, hãy cố gắng duy trì ở mức 30-35 tiếng/tuần". Ông thậm chí còn đề xuất nên nghỉ 6 tuần/năm - con số tối thiểu để duy trì hạnh phúc.

***

Làm việc như thiêu thân không phải là cách khôn ngoan để giúp chúng ta trở nên giàu có và thành công. Bí quyết nằm ở chỗ: chúng ta phải làm việc thông minh hơn, chứ không phải lâu hơn. Điều này không chỉ giảm thiểu căng thẳng mà còn khiến chúng ta hài lòng hơn về công việc. Có rất nhiều cách cho phép chúng ta hoàn thành công việc hiệu quả hơn trong một khoảng thời gian ngắn. Nhờ đó, chúng ta sẽ không còn bị đè nén bởi áp lực kinh hoàng từ công việc nữa.

Làm việc 9 tiếng/ngày thì không có hạnh phúc: Biến thành thiêu thân nơi công sở để rồi thân tàn ma dại trước khi chạm được tay vào thành công, có đáng không? - Ảnh 3.

- Hãy nói với sếp nếu bạn cảm thấy phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong công việc.

- Xin sếp/khuyến khích nhân viên linh hoạt hơn về thời gian làm tại tại nhà.

- Tự đặt ra những mục tiêu nhỏ để hoàn thành các nhiệm vụ lớn. Đặt báo thức để nhắc nhở bản thân nghỉ ngơi đúng giờ. Nếu cảm thấy mệt mỏi, hãy tăng số giờ nghỉ ngơi lên.

- Ưu tiên làm những công việc khó và quan trọng trước, hoàn thành chúng từ sáng sớm khi cơ thể đang tràn trề năng lượng. Điều này sẽ giúp bạn dễ thở hơn trong khoảng thời gian còn lại của ngày.

- Chú ý tới những đầu việc mình cần làm, thay vì số giờ để thực hiện chúng.

- Ghi chép lại những việc mình đã hoàn thành để tạo động lực cho bản thân, cũng như nắm được quá trình thực hiện. Đừng gạch chúng ra khỏi danh sách của mình.


Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên