Làm việc từ xa an toàn và hiệu quả với điện toán đám mây
Làm việc từ xa không còn mới mẻ, nhưng việc xây dựng mô hình này thành một môi trường "công sở" hiệu quả, tương tác tích cực và an toàn, bảo mật lại đòi hỏi các doanh nghiệp có sự tiên phong về công nghệ cũng như cách thức đầu tư bài bản.
Thực tế cho thấy, việc sớm tiếp cận và có một hoạch định bài bản cho mô hình làm việc từ xa là yếu tố vô cùng quan trọng để mang lại kết quả như doanh nghiệp kỳ vọng. Đây là điều đã được URC Việt Nam - một trong những doanh nghiệp có định hướng "tiên phong về công nghệ" – thực hiện và thành công. Ông Hoàng Tuấn Quỳnh - Giám đốc CNTT URC Việt Nam đã chia sẻ về những kinh nghiệm triển khai mô hình này.
Đại dịch Covid-19 mang đến nhiều biến động cho toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, khi vừa phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch, hạn chế tiếp xúc, vừa duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh và hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng. Vậy URC đã đối phó cùng vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Trong số các biện pháp tổng thể mà URC đưa ra, thì vấn đề công nghệ được đặt ra như một yếu tố mang tính chiến lược, mà cụ thể hơn là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, chuyển dịch toàn bộ hệ thống quản trị thông tin lên môi trường cloud. Việc này được lên kế hoạch và kiến trúc ở mức tập đoàn, sau đó triển khai tới từng công ty thành viên một cách linh hoạt tuỳ theo độ sẵn sàng. Mục đích là nhằm tăng cường kiểm soát an ninh, tối ưu việc sử dụng tài nguyên hệ thống cũng như hợp nhất về báo cáo thông tin tổng hợp… Qua đó, mang lại cái nhìn toàn diện về nguồn lực và hỗ trợ ban lãnh đạo đưa ra các quyết định cho việc kinh doanh và phục vụ khách hàng.
Ông Hoàng Tuấn Quỳnh - Giám đốc CNTT URC Việt Nam
Trong quá trình này, công ty đã gặp phải những khó khăn nào, thưa ông?
Thực tế, hệ thống mà khi đó chúng tôi đang vận hành cũng đã khá tốt, đáp ứng các nhu cầu chính. Nhưng với việc nắm bắt xu hướng công nghệ và nhu cầu phát triển trong tương lai, ngay khi có ngân sách thay thế thiết bị định kỳ, chúng tôi quyết định tiến hành chuyển đổi số hạ tầng. Với chúng tôi, việc này bản chất là làm gì đó mới từ đầu, chuyển đổi từ một hệ thống tốt sang một hệ thống tốt hơn. Và URC đã chọn triển khai kiến trúc Cisco SASE (Secure Access Service Edge – Truy cập an toàn với dịch vụ lớp biên).
Vì sao URC chọn kiến trúc này, thưa ông?
Theo Nghiên cứu Kết quả An ninh mạng công bố gần đây của Cisco, 92% số cán bộ/chuyên viên CNTT Việt Nam tham gia khảo sát cho biết công ty họ đang đầu tư vào kiến trúc SASE và đang đạt được những kết quả tích cực. Có thể thấy, đó là một kiến trúc mang tính xu thế.
Khi URC quyết định đầu tư triển khai dự án SASE này, yếu tố mang tính động lực lớn nhất là sự thấu hiểu và ủng hộ của các cấp lãnh đạo về việc hiện đại hoá công nghệ và chuyển đổi số toàn diện, để mang lại môi trường làm việc CNTT an toàn và hiệu quả hơn. Một lợi thế khác là URC có hệ thống hiện hữu hoạt động tốt (để có thể thoải mái triển khai hệ thống mới mà không làm ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh), có ngân sách sẵn sàng, có sự nỗ lực của các thành viên trong đội dự án (URC và các đối tác) về nghiên cứu và tiếp cận công nghệ mới.
Sau khi triển khai Cisco SASE, những kết quả URC đã đạt được là gì? Điều này có ý nghĩa thế nào với các chiến lược sắp tới của URC?
Dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, là thiết lập hệ thống lõi của Cisco SASE và tích hợp với các dịch vụ đám mây khác để lưu trữ và xử lý dữ liệu. Tiếp theo, chúng tôi sẽ triển khai kết nối với các hệ thống mở rộng để hoàn thành việc chuyển đổi hoàn toàn cơ sở hạ tầng CNTT lên kiến trúc SASE. Việc thực hiện SASE thành công bước đầu (tại URC Việt Nam) có ý nghĩa lớn, khẳng định sự phù hợp của công nghệ này để xem xét việc triển khai rộng lớn trong tập đoàn, tiến tới có hệ thống hạ tầng điện toán đám mây đồng nhất, bảo mật và tối ưu hiệu quả sử dụng nguồn lực xử lý.
Đặc thù của một đơn vị vừa sản xuất, vừa kinh doanh đặt ra những yêu cầu gì về bảo mật đối với hệ thống CNTT phục vụ môi trường làm việc từ xa, thưa ông?
URC Việt Nam vừa có nhân viên làm việc trực tiếp tại nhà máy sản xuất, vừa có nhân viên văn phòng và nhân viên kinh doanh làm việc di động trên thị trường - nên đặt yêu cầu cao về kết nối và cung cấp các công cụ CNTT phù hợp để mọi người có thể tương tác hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Hệ thống SASE và các hệ thống tích hợp khác đã đáp ứng tốt các yêu cầu như vậy. Trong đó, quan điểm tiếp cận "Zero Trust" (thiết lập sự tin tưởng trong mọi yêu cầu truy cập, bất kể yêu cầu đó đến từ đâu) là vô cùng quan trọng.