MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm việc với Gen Y - kinh nghiệm xương máu từ Gojek

01-07-2021 - 10:00 AM | Sống

Làm việc với Gen Y - kinh nghiệm xương máu từ Gojek

Với 90% là Gen Y, trong 3 năm đội ngũ nhân sự Gojek kết nối được 200 nghìn đối tác tài xế và hàng chục nghìn nhà hàng tại Việt Nam. Họ đã phát huy sức mạnh của Gen Y như thế nào?

35% dân số Việt Nam thuộc về Gen Y, hay còn gọi là Thế hệ Millennials, những người sinh ra trong thập niên 1980 và 1990 và lớn lên cùng mạng xã hội. Để nắm bắt được lực lượng lao động chủ đạo của hiện tại và tương lai này, mọi tổ chức đều cần hiểu rõ đặc điểm và cách làm việc với Gen Y.

Theo startup gọi xe công nghệ và đặt đồ ăn trực tuyến Gojek, Gen Y có nhu cầu rất cao về công nghệ. Tâm lý phổ biến của họ là "lúc nào cũng phải tiện", họ phải tiếp cận được các công cụ làm việc từ mọi nơi, mọi lúc. Do đó, mọi tài liệu của Gojek đều được lưu trên đám mây và chia sẻ dưới dạng văn bản trực tuyến. Bất kỳ người nào được trao quyền đều có thể đọc, sửa, góp ý từ thiết bị di động hoặc máy tính xách tay. Slack, Asana, Trello... là các công cụ hợp tác phổ biến được sử dụng hàng ngày tại Gojek.

Không giống như các thế hệ trước, Gen Y có nhu cầu "trộn lẫn" giữa công việc và đời sống cá nhân. Họ muốn có sự linh hoạt trong giờ giấc làm việc, muốn nhiều ngày nghỉ hơn, không muốn "trói cẳng" tại bàn làm việc. Họ sẵn sàng làm việc đến khuya để sáng hôm sau được đi muộn. Hiểu được tâm lý này, vào đầu năm 2021, Ban lãnh đạo Gojek đã công bố tặng thêm cho mỗi nhân viên 9 ngày nghỉ hưởng nguyên lương, bên cạnh phép năm và các ngày lễ tết, để "cân bằng giữa công việc và cuộc sống một cách lành mạnh hơn". Hồi tháng 5 năm ngoái, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Gojek cũng cho toàn bộ nhân viên nghỉ một ngày nguyên lương để "giải tỏa căng thẳng do làm việc tại nhà".

Gen Y muốn làm chủ các vấn đề và giải pháp. Họ sẵn sàng từ chối hệ thống phân chia cấp bậc theo truyền thống, và đòi hỏi hệ thống phân cấp quản lý "phẳng" với phương thức làm việc hợp tác hơn. Các Millennials muốn biết rằng họ đang làm tốt công việc và liên tục tiến bộ, do đó họ đòi hỏi các đồng nghiệp và nhà quản lý phải đưa ra ý kiến phản hồi liên tục. Chính vì vậy, để nhân viên không ngại đưa ra các ý kiến đóng góp, Gojek thường xuyên áp dụng hình thức "Cuộc họp yên lặng" (Silent meeting), không chỉ để nâng cao hiệu quả các buổi họp, mà còn tạo điều kiện cho mọi người - bất kể chuyên môn, vai trò và thứ bậc trong công ty - có thể nêu ý kiến, dưới dạng bình luận vào văn bản trực tuyến.

Gojek cũng thu hút các Millennials với sứ mệnh rất rõ ràng, đó là: Tốc độ, Đổi mới-Sáng tạo, và Tác động xã hội. Sứ mệnh đó là tiền đề để tập đoàn Gojek chuyển mình từ một trung tâm hỗ trợ các tài xế xe ôm tại Indonesia vào năm 2010 trở thành một siêu kỳ lân, siêu ứng dụng, hai lần lọt vào danh sách "Top 50 những công ty làm thay đổi thế giới" của tạp chí Fortune, và mang lại cơ hội thu nhập cho hàng triệu đối tác tài xế và nhà cung cấp dịch vụ ở khu vực Đông Nam Á. Sứ mệnh này có xu hướng phù hợp với lựa chọn của Gen Y, với quan điểm "môi trường làm việc lý tưởng là nơi được định hướng bằng sứ mệnh và tạo điều kiện hợp tác". Họ trông đợi lãnh đạo và đồng nghiệp truyền cảm hứng cho họ làm những việc vĩ đại, và thường biến đồng nghiệp thành bạn bè. Văn phòng làm việc của Gojek được thiết kế giống một "sân chơi" hơn là một công sở, với màu sắc rực rỡ, khu căng tin rộng có cả sân khấu, bàn bóng bàn và bi lắc. Điều thú vị nữa là văn phòng thời đại mới không có vách ngăn hay chỗ ngồi cố định, để mọi người có thể dễ dàng trao đổi ý tưởng với nhau.

Làm việc với Gen Y - kinh nghiệm xương máu từ Gojek - Ảnh 1.

Những gam màu rực rỡ tại văn phòng Gojek tạo ra năng lượng làm việc tích cực. (Hình chụp trước dịch Covid-19)

Nói về kinh nghiệm quản lý Gen Y, anh Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc 8x của Gojek Việt Nam, chia sẻ: "Chúng tôi không quản lý họ, mà chúng tôi cho họ công cụ để quản lý bản thân. Gojek đưa ra các thử thách để nhân viên không ngừng đổi mới và tạo ra tác động tích cực, và đầu tư rất nhiều vào công nghệ để tạo ra môi trường làm việc tốt hơn, kèm theo là trải nghiệm nhân viên tốt hơn."

Anh Đức cho biết thêm: "Mặc dù Gen Y chiếm đa số lực lượng lao động, chúng tôi cũng khuyến khích sự đa dạng về thế hệ trong đội ngũ, để mọi người có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Suy cho cùng, văn hoá công ty mới là quan trọng để thu hút và giữ chân nhân sự. Chúng tôi luôn nỗ lực để xây dựng một văn hoá nơi mọi người đều cảm thấy được trân trọng và được tạo điều kiện tốt nhất để mang lại giá trị cho bản thân, cho công ty, và xã hội."

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên