Lần đầu đến Việt Nam, máy bay “made in Trung Quốc” bịt kín 1 thứ
Tại triển lãm diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam), chiếc máy bay của Trung Quốc bị bịt kín 1 thứ. Đó là gì?
Hôm nay (27/2), Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) lần đầu cho khách Việt Nam tham quan từ buồng lái tới khoang hành khách máy bay tại triển lãm ở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh).
Khoảng 15h chiều nay (27/2), COMAC trình diễn máy bay trên bầu trời Quảng Ninh. Khách tham quan có thể được trải nghiệm máy bay "made in Trung Quốc" và ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao.
Theo báo Quảng Ninh, từ ngày 26 – 29/2, Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC Air) sẽ tiến hành tổ chức triển lãm và trình diễn máy bay thương mại ở Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Đây cũng chính là lần đầu tiên Comac Airshow được tổ chức tại Việt Nam.
Việt Nam chính là điểm đến thứ hai ở nước ngoài của máy bay C919, sau Singapore.
COMAC phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh để tổ chức chương trình giới thiệu 2 chiếc máy bay do Trung Quốc sản xuất.
Tại sự kiện, ông Đàm Vạn Canh, Chủ tịch Tập đoàn COMAC, chia sẻ việc hai chiếc máy bay của Trung Quốc đến Vân Đồn chính là bước tiến quan trọng để quốc tế hóa máy bay thương mại do quốc gia này tự sản xuất.
Theo COMAC, tập đoàn này đã nhận được hơn 1.000 đơn đặt hàng C919 từ các hãng hàng không và cho thuê máy bay. Trong đó, China Eastern Airlines là hãng đặt nhiều nhất, với hơn 100 chiếc máy bay. Trên thực tế, COMAC đã giao máy bay C919 đầu tiên cho China Eastern Airlines để vận hành những đường bay thương mại nội địa ở Trung Quốc từ giữa năm 2023. Sau đó, hãng hàng không này cũng nhận thêm 3 chiếc C919 để sử dụng cho chặng Bắc Kinh – Thượng Hải từ đầu năm 2024.
Bộ phận được bịt kín của C919 là gì?
Máy bay C919 có cấu hình buồng lái khá giống với mẫu A320 của Airbus. Đặc biệt, phần lớn thiết bị ở phần đầu và trong buồng lái của chiếc máy bay này đến từ Mỹ và châu Âu.
Bên cạnh đó, C919 cũng có một số bộ phận khác được các doanh nghiệp ở Mỹ sản xuất như bánh và phanh, hộp đen, vỏ nhôm thân máy bay. C919 sử dụng động cơ CFM International LEAP từ nhà sản xuất Mỹ và Pháp. Tuy nhiên, tại triển lãm tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn sáng nay, theo ảnh của VnEconomy, COMAC bịt kín hai động cơ của chiếc C919.
Trong khi đó, ARJ21 là chiếc máy bay sử dụng hai động cơ GE CF34-10A của Mỹ và các thiết bị bay, hạ cánh của Liebherr (Đức).
Trong hai chiếc máy bay của COMAC trưng bày tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, chỉ có động cơ của C919 là bị bịt kín. Tại một số triển lãm hãng không khác, các mẫu máy bay mới ra mắt cũng thường được nhà sản xuất che động cơ như thế này.
Trước đó, ngày 20/2, tại Singapore, chiếc máy bay C919 của COMAC cũng được che phần động cơ trong quá trình triển lãm.
Trong năm 2024, Trung Quốc sẽ tiến hành quảng bá mẫu máy bay này trên khắp thế giới, đồng thời theo đuổi chứng nhận từ Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA). C919 là mẫu máy bay thương mại thân hẹp đầu tiên do Trung Quốc sản xuất để cạnh tranh với mẫu Airbus 737 MAX và Boeing A320 thông dụng trên toàn cầu.
Trong khi đó, mẫu máy bay ARJ21 đã được Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc cấp giấy chứng nhận vào cuối năm 2014.
Ngày 27/2, COMAC cũng đưa ra thông báo rằng sẽ đưa 2 mẫu máy bay C919 và ARJ21 đến 5 quốc gia Đông Nam Á trong 2 tuần tới để quảng bá. Theo đó, 5 quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia. COMAC kỳ vọng rằng chuỗi sự kiện quảng bá này sẽ đặt nền móng cho hoạt động thương mại quốc tế trong tương lai.
Trước đó, đúng 11h50' và 12h40' ngày 26/2, hai chiếc máy bay C919 và ARJ21 của COMAC Air đã hạ cánh tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, chính thức bắt đầu chuỗi sự kiện triển lãm và trình diễn Comac Airshow.
C919 và ARJ21 là hai loại máy bay thương mại đang được COMAC Air phát triển mạnh mẽ. Trong số đó, máy bay chở khách cỡ lớn C919 có 158 – 192 chỗ ngồi. Ngày 25/8/2023, máy bay này đã thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên. Tính đến nay, tổng cộng có 4 chiếc máy bay C919 đã được đưa vào vận hành và vận chuyển an toàn hơn 110.000 lượt hành khách.
Trong khi đó, ARJ21 là máy bay phản lực hai động cơ có 78 – 97 chỗ ngồi và đã được đưa vào khai thác kể từ năm 2016. Đến nay, đã có tổng cộng 127 chiếc máy bay được đưa vào sử dụng và vận chuyển an toàn hơn 11 triệu lượt hành khách.
Bài viết tham khảo nguồn: COMAC, Reuters
Đời sống và Pháp luật