Lần đầu sau 14 năm: Ngành mì ăn liền Thái Lan xin chính phủ cho tăng giá
Tại Thái Lan, mì ăn liền là một trong số 18 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu chỉ được phép tăng giá nếu có sự chấp thuận của chính phủ.
Báo The Guardian (Anh) đưa tin, 5 nhà sản xuất mì ăn liền của Thái Lan đang thúc giục chính phủ cho phép họ tăng giá bán lần đầu tiên trong 14 năm để bù đắp cho chi phí nguyên liệu tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine và khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng đến nhiều nơi trên toàn thế giới.
Theo đó, cuộc xung đột ở Đông Âu và các đợt hạn hán - lũ lụt trong thời gian qua đã khiến giá lúa mì, năng lượng và chi phí vận tải tăng vọt, ảnh hưởng tới giá mì trên toàn châu Á.
Thái Lan là quốc gia áp dụng biện pháp kiểm soát giá đối với một số mặt hàng thiết yếu nhằm giảm thiểu áp lực đối với người tiêu dùng, trong đó bao gồm mì gói.
Tuy nhiên, 5 công ty sản xuất mì ăn liền ở Thái Lan bao gồm Thai Preserved Food, Nissin Food Thailand, Thai President Foods, Wan Thai Foods Industry và Chokchaipibul đã cảnh báo rằng họ sẽ gặp khó khăn nếu tiếp tục áp dụng giá bán mì gói hiện tại. Đây là 5 công ty sản xuất các thương hiệu mì nổi tiếng của Thái Lan bao gồm Mama, Wai Wai, Yum Yum, Nissin và Suesat.
Trong một lá thư chung được đệ trình lên chính phủ Thái Lan đầu tuần này, 5 nhà sản xuất đã đề nghị tăng giá bán từ 6 baht (khoảng 4.000 VNĐ) lên 8 baht (hơn 5.000 VNĐ). Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần tăng giá bán lẻ mì ăn liền đầu tiên tại Thái Lan kể từ năm 2008.
Thai Food Products Factory, công ty sở hữu nhãn hiệu mì Wai Wai cho biết một số sản phẩm đang kinh doanh thua lỗ, và họ dự định sẽ giảm doanh số bán hàng tại Thái Lan để chuyển sang thị trường nước ngoài nếu chính phủ không chấp thuận tăng giá bán.
Tại Thái Lan, mì ăn liền là một trong số 18 sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu chỉ được phép tăng giá nếu có sự chấp thuận của Cục Thương mại Nội địa thuộc Bộ Thương mại của nước này.
17 mặt hàng và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu còn lại bao gồm: trứng và thịt, thực phẩm đóng hộp, gạo đóng bao, sốt gia vị, dầu thực vật, đồ uống có ga, sữa và các sản phẩm từ sữa, thiết bị điện, các sản phẩm tẩy rửa, phân bón, thuốc diệt côn trùng, thức ăn cho động vật, sắt, xi măng, giấy, thuốc và thiết bị y tế, và dịch vụ của các cửa hàng bán buôn và bán lẻ.
The Guardian cho biết chính phủ Thái Lan đang xem xét lời đề nghị của các công ty sản xuất mì ăn liền, tuy nhiên Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit bình luận với truyền thông Thái Lan rằng việc tăng giá mì lên 8 baht là quá cao, và điều này có thể sẽ gây áp lực quá lớn đối với người tiêu dùng.
Cục Thương mại Nội địa sẽ đưa ra quyết định, theo ông Laksanawisit.
Giá mì ăn liền đã tăng ở các nơi khác tại châu Á, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc, trong bối cảnh một số dự báo cho thấy giá lúa mì ở Trung Quốc có thể tăng 30% trong năm nay.
Theo The Guardian, Nation Thailand
Tổ quốc