MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, hoạt động đấu giá cổ phần trên HoSE thu về dưới 1.000 tỷ đồng

Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, hoạt động đấu giá cổ phần trên HoSE thu về dưới 1.000 tỷ đồng

Tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần trong 2022 chỉ đạt 939 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Theo báo cáo thường niên 2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần trong năm qua chỉ đạt 939 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ năm 2013. Đây cũng là lần đầu tiên con số này xuống dưới 1.000 tỷ sau gần một thập kỷ.

Trong năm qua, HoSE đã tổ chức 9 đợt đấu giá, trong đó có 1 đợt cổ phần hóa, 3 đợt thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước và 5 đợt chào bán theo giấy phép của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Theo HoSE, thị trường chứng khoán năm 2022 chịu ảnh hưởng bởi các vấn đề trong và ngoài nước đã tác động đến hoạt động đấu giá.

Lần đầu tiên sau gần một thập kỷ, hoạt động đấu giá cổ phần trên HoSE thu về dưới 1.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Kể từ sau giai đoạn 2016-2018, hoạt động đấu giá cổ phần trên HoSE đã liên tục sụt giảm cả về số lượng và giá trị. Những năm gần đây, các thương vụ đấu giá thường không để lại nhiều dấu ấn, “bom tấn” có khả năng tạo ra hiệu ứng đáng kể lên thị trường chứng khoán cũng gần như không xuất hiện.

Điều này trái ngược hoàn toàn so với giai đoạn bùng nổ 2016-2018 với những thương vụ bán vốn đình đám, điển hình như thương vụ IPO của Vinhomes thu về 1,35 tỷ USD hay thương vụ bán vốn kỷ lục tại Sabeco giúp Nhà nước thu về hơn 5 tỷ USD…

Cùng với đó, hàng loạt tên tuổi đình đám cũng đổ bộ lên sàn chứng khoán như Petrolimex (PLX), PV Power (POW), PV Oil (OIL), Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), DAP – Vinachem (DDV), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), EVNGENCO 3 (PGV), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet Air (VJC), VPBank (VPB),…

Trước đó, trong giai đoạn 2006-2008, các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa “ồ ạt’ của các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực xương sống của nền kinh tế như Bảo Việt (BVH), Đạm Phú Mỹ (DPM), Vietcombank (VCB)… cũng đã tạo nên một con sóng thần trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Những hoạt động này thời gian gần đây đã trở nên ảm đạm hơn nhiều ngay cả khi thị trường chứng khoán giao dịch đặc biệt sôi động trong giai đoạn 2020-2021. Tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài sang những tháng đầu năm 2023 khi mới chỉ có duy nhất thương vụ Petrolimex thoái vốn PGBank (PGB) thông qua đấu giá với giá trị gần 2.600 tỷ đồng. Việc thiếu vắng những thương vụ đấu giá cổ phần “bom tấn” phần nào khiến thị trường chứng khoán trầm lắng rõ rệt.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên