MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên trong gần 60 năm, kinh tế châu Á suy giảm

15-09-2020 - 15:25 PM | Tài chính quốc tế

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, nền kinh tế đang bị Covid-19 tàn phá của khu vực sẽ lần đầu tiên sụt giảm kể từ đầu những năm 1960.

ADB cũng cho rằng, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi trở lại, hết năm 2021, châu Á vẫn chưa thể trở về mức trước dịch.

Cụ thể, GDP khu vực sẽ giảm 0,7% trong năm 2020, giảm mạnh so với dự báo mức tăng 0,1% được chính ADB đưa ra hồi tháng 6. Yasuyuki Sawada, nhà kinh tế trưởng của ADB, cho biết đây sẽ là lần đầu tiên kinh tế châu Á sụt giảm kể từ năm 1962 đến nay.

Theo Sawada, những mối đe dọa kinh tế do đại dịch Covid-19 vẫn còn nghiêm trọng, các đợt bùng phát tiếp theo tiếp tục gây áp lực lên các nền kinh tế, vốn chịu thiệt hại bởi dịch bệnh. Suy thoái ở các nước đang phát triển tại châu Á lan rộng hơn các cuộc suy thoái trước đó, với ¾ số nền kinh tế có xu hướng sụt giảm trong năm nay.

Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng Trung Quốc sẽ đi ngược xu hướng này và dự báo tăng trưởng 1,8% trong năm nay, không thay đổi so với mức dự báo của tháng 6. Thành tựu của Trung Quốc tới từ việc ngăn chặn thành công dịch bệnh để tạo bàn đạp cho tăng trưởng. Năn 2021, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 7,7%, tăng so với mức 7,4% được dự báo trước đó.

Lần đầu tiên trong gần 60 năm, kinh tế châu Á suy giảm - Ảnh 1.

Dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2020 (màu đen) và 2021 (màu hồng) của ADB qua từng tháng.

Tại Ấn Độ, nơi các đợt cách ly phong tỏa tác động lên mọi mặt của đời sống, GDP năm nay sẽ giảm 9%, nhiều hơn so với mức dự báo giảm 4% mà ADB đưa ra hồi tháng 6. Philippines và Thái Lan cũng sẽ bị sụt giảm mạnh, lần lượt là 7,3% và 8%.

Tuy nhiên, ông Sawada cho rằng các biện pháp kích thích quy mô lớn đã giúp hạn chế thiệt hại của đại dịch và tạo cơ sở cho sự phục hồi. Cùng với đó, các khu vực đang phát triển ở châu Á, không bao gồm các nước như Nhật Bản, Australia và New Zealand, được dự báo sẽ phục hồi 6,8% vào năm 2021. Một phần con số này đạt được bởi năm 2020 quá tệ. Ngay cả khi đạt được con số tăng trưởng này, GDP cả năng cũng chưa thể đạt đến mức trước dịch, ngụ ý rằng sự phục hồi chỉ là "một phần" và "không đầy đủ".

Theo ông Sawada, việc ngăn chặn đại dịch "dường như được chuyển thành hiệu suất tăng trưởng" và đại dịch kéo dài vẫn là nguy cơ lớn nhất cho sự sụt giảm trong năm nay và năm tới. Bên cạnh đó, còn có những mối đe dọa tới từ Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, xung đột công nghệ và lỗ hổng tài chính trong bối cảnh đại dịch vẫn ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng.

"Các chính sách tập trung vào bảo vệ mạng sống và sinh kế, đảm bảo mọi người có thể trở lại làm việc an toàn, tái khởi động lại các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là rất quan trọng để đảm bảo sự phục hồi bền vững cho khu vưc", ông Sawada nhận định.

Tính tới thời điểm hiện tại, thế giới có hơn 29,2 triệu người mắc Covid-19 với 926.716 ca tử vong. Châu Á có số người mắc là 6,55 triệu người và 115,911 trường hợp tử vong. Hiện tại, Ấn Độ là ổ dịch lớn nhất châu Á và lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tại nhiều nước Đông Nam Á, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp với số ca mắc mới mỗi ngày tăng cao. Thậm chí, một số nền kinh tế buộc phải tái phong tỏa các thành phố quan trọng để ngăn dịch bệnh lây lan.

Tham khảo: Bloomberg

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên