Lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc áp thuế 'sở hữu' với mọi loại hình bất động sản
Phải chăng Trung Quốc đang "lấy của người giàu chia cho người nghèo" khi có quá nhiều đại gia tích lũy của cải từ đầu cơ nhà đất?
Theo hãng tin CNBC, Trung Quốc gần như sẽ ban hành thuế "sở hữu" bất động sản nhằm kiểm soát giới nhà giàu tích lũy của cải từ đầu cơ nhà đất.
Như chúng ta đã biết, Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế trên thế giới không đánh thuế "sở hữu" bất động sản. Trên thực tế, khái niệm về quyền sở hữu bất động sản tại Trung Quốc rất khác so với Mỹ. Về lý thuyết, Trung Quốc không có khái niệm sở hữu tư nhân bất động sản mà chỉ có quyền sử dụng đất. Thậm chí người nước ngoài muốn mua nhà ở đây cũng gặp khá nhiều khó khăn khi phải lao động hoặc học tập 1 năm trở lên mới được mua bất động sản.
Quay trở lại vấn đề thuế bất động sản, các chuyên gia đánh giá sự bùng nổ của thị trường cùng quá trình đô thị hóa nhanh kể từ cuộc cải cách năm 1998 đã khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhìn nhận lại vấn đề.
Hãng tin CNBC cho biết quyết tâm xây dựng một Trung Quốc thịnh vượng cho tất cả mọi người, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một trong những nguyên nhân thúc đẩy bộ luật trên.
Việc có quá nhiều người giàu nhanh nhờ cơn sốt đất cũng như bong bóng thị trường bất động sản quá nóng khiến nền kinh tế trở nên bất ổn đã khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng. Bên cạnh các hệ lụy từ sự phân hóa giàu nghèo như phong trào "nằm thẳng" (Tangping), mặc kệ sự đời là nỗi lo phá sản của hàng loạt ông lớn như Evergrande do sự bùng nổ quá nóng của thị trường.
Bởi vậy, việc đánh thuế nhằm tái phân phối lại tài sản từ giới nhà giàu bất động sản được cho là một bước đi cần thiết của Trung Quốc cho mục tiêu thịnh vượng chung.
Ngày 23/10/2021, Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc là Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc đã thông qua kế hoạch mới nhất để thúc đẩy "tiêu dùng nhà ở hợp lý". Bản kế hoạch này đã được xây dựng trong nhiều năm để hạn chế tình trạng đầu cơ bong bóng nhà ở Trung Quốc cũng như tái phân phối lại tài sản từ giới nhà giàu tích lũy của cải nhanh chóng từ bất động sản.
Cụ thể, đề án sẽ được thí điểm kéo dài 5 năm, qua đó đánh thuế lên "chủ sở hữu" của tất cả các loại hình bất động sản ngoại trừ một số trường hợp ở nông thôn.
Lấy của người giàu chia cho người nghèo?
Trên thực tế, Trung Quốc đã bàn thảo về vấn đề thuế bất động sản từ năm 2003 nhưng cho đến tận thời điểm hiện tại mới chỉ có Thượng Hải và Trùng Khánh là có áp dụng giới hạn các quy định này với "chủ sở hữu".
Sự hoành hành của các tập đoàn bất động sản như Evergrande đang đe doạ đến nền kinh tế Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế trưởng Larry Hu của Macquarie nhận định việc thí điểm này cũng không thực sự thành công trong việc tăng ngân sách địa phương. Theo đó thuế sở hữu bất động sản năm 2020 chỉ chiếm chưa đến 5% tổng thu ngân sách từ thuế của Thượng Hải và Trùng Khánh, đồng thời kém rất xa so với nguồn thu từ thuế khác.
Hiện mảng bất động sản và các lĩnh vực liên quan như xây dựng chiếm ít nhất 25% tổng GDP của Trung Quốc.
Hãng tin CNBC thì cho biết kể từ năm 1998 khi Trung Quốc chấp nhận mở cửa thị trường bất động sản, qua đó cho phép người dân mua lại những căn chung cư cũ đã tạo nên một làn sóng kinh doanh, tích lũy của cải mới trong xã hội. Tuy nhiên quyết định này cũng khiến một bộ phận người già có nhiều cơ hội mua nhà giá rẻ và đầu cơ hơn lớp trẻ ngày nay khi thị trường bất động sản đã quá nóng.
"Thuế bất động sản này không chỉ là sự tái phân phối tài sản giàu nghèo ở Trung Quốc mà còn là công cuộc tái phân phối tài sản của thế hệ cư dân già ở thành thị cho những vùng khác", chuyên gia Larry Hu nhận định.
Liệu có khả thi?
Báo cáo của Moody’s cho thấy bất động sản chiếm tới 80% tài sản của các hộ gia đình tại Trung Quốc, đồng thời chiếm đến 10% tổng thu nhập của người dân nước này. Có thể nói đây là một trong những yếu tố khiến người giàu càng giàu ở Trung Quốc, trong khi tầng lớp lao động trẻ chẳng còn mấy cơ hội.
Theo CNBC, việc ban hành thuế bất động sản lên "chủ sở hữu" sẽ buộc giới nhà giàu công khai những nguồn thu từ đất đai, đồng thời siết chặt hơn nữa hoạt động của các ông lớn trong ngành như Evergrande vốn đang ngập trong nợ.
"Quan điểm của các nhà lãnh đạo là tạo một môi trường sống hạnh phúc cho người dân với đầy đủ nhà ở, y tế, giáo dục...Để làm được điều đó thì chính phủ phải đảm bảo nhà là để ở chứ không phải chỉ đầu cơ. Do đó luật thuế bất động sản sẽ không bị phó mặc cho chính quyền địa phương như những bộ luật trước đây. Quyết định này sẽ được thực hiện đàng hoàng bởi chúng được ban hành từ tầng lớp lãnh đạo cao nhất", chủ tịch David Roche của Independent Strategy nhận định.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng Trung Quốc sẽ chưa thể triển khai nhanh chóng luật thuế mới này. Chuyên gia kinh tế Ting Lu của Nomura nhận định chính quyền Bắc Kinh sẽ rất cẩn thận với những hệ lụy từ thuế mới như việc bán tháo bất động sản gây xì hơi bong bóng thị trường, tạo nên cuộc khủng hoảng không mong muốn.
*Nguồn: CNBC
Doanh nghiệp và tiếp thị