Làn sóng các công ty tài chính rời bỏ Hồng Kông trỗi dậy
Số lượng doanh nghiệp nước ngoài đặt văn phòng tại Hồng Kông đã giảm lần đầu tiên sau 11 năm, với mức giảm đáng kể được ghi nhận ở các công ty tài chính, vì lo ngại về bất ổn xã hội và quyền tự chủ chính trị tại đây đã buộc các doanh nghiệp tìm tới những trung tâm Châu Á khác.
Tuần trước, công ty quản lý đầu tư Barings của Mỹ cho biết sẽ đặt văn phòng tại Singapore làm trụ sở cho hoạt động ở Đông Nam Á.
Sự ra đi của các doanh nghiệp này đánh dấu sự thụt lùi của Hồng Kông, điểm đến ưa thích bấy lâu nay của các công ty toàn cầu muốn đặt trụ sở tại châu Á nhờ thuế suất thấp, lực lượng lao động nói tiếng Anh, và khuôn khổ "một quốc gia, hai hệ thống" – cho phép Hồng Kông quyền tự trị cao sau khi trở về với Trung Quốc.
Bất ổn gần đây về tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc, gồm cả luật an ninh quốc gia gây tranh cãi được ban hành hồi đầu năm, đã khiến nhiều công ty nước ngoài xem xét lại lợi ích của việc đặt chi nhánh tại Hồng Kông.
Theo Nikkei, Barings không phải công ty tài chính duy nhất tìm kiếm địa điểm đặt chi nhánh mới. Deutsche Bank cũng bắt đầu bổ nhiệm một Giám đốc điều hành cho hoạt động tại châu Á của ngân hàng ở Singapore thay vì Hồng Kông hồi tháng 8.
Số lượng các công ty quốc tế, gồm cả những công ty có trụ sở chính tại Trung Quốc đại lục, có văn phòng tại Hồng Kông đã giảm 0,2% so với một năm trước đó xuống 9.025 vào tháng 6, theo một cuộc khảo sát hàng năm được công bố gần đây của chính quyền Hồng Kông, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009. Mức giảm lên 2,8% khi loại trừ các công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục.
Trong số 9.025, số công ty đặt trụ sở để hoạt động trong khu vực tại Hồng Kông giảm 2,4% xuống 1.504, và những công ty có văn phòng giảm 0,4% xuống còn 2.479. Tổng số nhân viên tại các công ty quốc tế cũng giảm 10.000 người xuống còn 483.000.
"Cuộc di cư" của các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt nghiêm trọng ở lĩnh vực tài chính, với 52 ngân hàng và công ty tài chính và 24 công ty bảo hiểm rời Hồng Kông. Vanguard Group, Motley Fool và những công ty khác cũng đã tuyên bố rời Hồng Kông kể từ tháng 6.
Barings cho biết họ có gần 100 chuyên gia tại đây và văn phòng ở Hồng Kông sẽ tiếp tục là văn phòng lớn nhất của công ty ở châu Á. Tuy nhiên, công ty dự kiến sẽ chuyển một số hoạt động sang văn phòng mới ở Singapore.
Số doanh nghiệp quốc tế tại Hồng Kông. Nguồn: Nikkei.
Doanh nghiệp Trung Quốc đại lục chiếm phần lớn nhất trong số các công ty quốc tế vẫn trụ lại Hồng Kông, và tăng 10,4% lên 1.986 công ty, theo dữ liệu của chính thức. Tuy nhiên, mức tăng này không thể bù đắp cho sự sụt giảm của các công ty Nhật Bản, Mỹ và Anh. Số lượng công ty Nhật Bản, Mỹ và Anh vẫn đặt trụ sở hoặc văn phòng ở Hồng Kông lần lượt là 1.398, 1.283 và 665.
Khi được hỏi về kế hoạch ba năm tiếp theo ở Hồng Kông, 15% công ty cho biết sẽ mở rộng hoạt động, 4% chia sẻ sẽ giảm quy mô hoặc rời đi hoàn toàn, và 56% nói rằng họ sẽ không làm gì cả.
Niềm tin vào sự độc lập tư pháp và ổn định chính trị của Hồng Kông đã giảm sút so với cuộc khảo sát trước đó.
Tác động của luật an ninh quốc gia đối với cơ quan tư pháp Hồng Kông là mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 8 của Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông, 39% số công ty được hỏi cho biết sẽ cân nhắc chuyển vốn, tài sản hoặc hoạt động kinh doanh ra khỏi thành phố vào thời điểm nào đó trong tương lai.
Trong khi đó, số lượng các công ty Trung Quốc đại lục ở Hồng Kông đã tăng gấp đôi trong 6 năm.
Tháng 10, công ty China Resources Group thuộc sở hữu nhà nước đã khởi động chiến dịch tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên ở Hồng Kông.
Chính phủ Hồng Kông cũng đang kêu gọi các công ty Trung Quốc đại lục hồi sinh nền kinh tế vốn bị kìm hãm bởi các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng và đại dịch COVID-19. Tháng trước, Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam đã công bố trợ cấp cho các công ty Trung Quốc thuê người Hồng Kông ở đại lục.