Làn sóng đầu tư mới vào BĐS công nghiệp Việt Nam
T.S Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Công ty Savills Việt Nam cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tạo ra những cơ hội nhất định cho phân khúc BĐS công nghiệp, nhà xưởng tại Việt Nam, khi mà làn sóng NĐT đang nhắm đến Việt Nam như một nơi an toàn tránh khỏi vùng chiến tuyến thương mại.
Ông đánh giá như thế nào về sự tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc đến thị trường BĐS Việt Nam, cụ thể BĐS công nghiệp?
Ông Sử Ngọc Khương: Thực tế, đồng nhân dân tệ (NDT) đã suy yếu 30% nên các NĐT Trung Quốc đang hướng sang các kênh đầu tư khác. Nếu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiến thêm bước nữa thì BĐS Việt Nam sẽ có cơ hội.
Không những các NĐT Trung Quốc dịch chuyển nhà máy vào Việt Nam mà cả các NĐT nước ngoài đang đầu tư ở Trung Quốc cũng có thể thay đổi môi trường kinh doanh, đặt nhà máy ở Việt Nam để tránh khỏi vùng chiến tuyến thương mại Mỹ - Trung.
Thực ra, các NĐT có xu hướng dịch chuyển sang các nước như Úc, Canada, Việt Nam cũng là điểm đến lý tưởng vì là khu vực lân cận, tạm gọi là nơi xuất khẩu BĐS tại chỗ.
Lợi thế nào của Việt Nam khiến các NĐT nước ngoài hướng đến, thưa ông?
Ông Sử Ngọc Khương: Nếu so với các nước láng giềng của Trung Quốc như Lào, Campuchia thì Việt Nam có lợi thế rõ nét về mặt kinh tế và giao thương vận chuyển hàng hóa. Hơn 40 cảng nước sâu là lợi thế vùng kinh tế của Việt Nam cho BĐS công nghiệp hoạt động.
Tuy vậy, mặt yếu của thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam hiện nay là nguồn nhân lực đảm bảo trình độ để đáp ứng nhu cầu của các NĐT có xu hướng mở rộng đầu tư tại Việt Nam còn yếu kém. Hầu hết lao động cho khu công nghiệp hiện nay là tay nghề, trình độ thấp.
Với BĐS công nghiệp có 2 yếu tố khiến NĐT nước ngoài quan tâm là: sử dụng đất và lao động. Nếu muốn tạo ra giá trị tăng cao cho BĐS công nghiệp thì Việt Nam phải có đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu của NĐT và xu hướng hội nhập quốc tế.
Ông có nghĩ liệu nguồn lực mới cho thị trường BĐS công nghiệp sẽ kéo theo hiệu ứng dạng chuỗi từ BĐS công nghiệp, nhà xưởng sang BĐS dân cư khi mà nhu cầu nhà ở phục vụ chuyên gia sẽ gia tăng?
Ông Sử Ngọc Khương: Chắc chắn rồi. Thực tế đã chỉ ra, khi BĐS công nghiệp phát triển thì sẽ liên quan đến thị trường văn phòng giao dịch. Bản thân, tại Tp.HCM tỉ lệ lấp đầy văn phòng luôn ở mức 95%, giá rất cao. Như vậy, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung này sẽ phần nào khiến BĐS văn phòng gia tăng.
Còn riêng nhóm BĐS nhà ở và khách sạn phục vụ nhu cầu ở cho các chuyên gia nước ngoài thì theo tôi nhóm này chỉ là giá trị cộng thêm chứ không phải là nguồn lực chính điều tiết thị trường BĐS.
Theo dự đoán của ông khu vực nào sẽ bị ảnh hưởng rõ nét nhất từ sự phát triển BĐS công nghiệp?
Ông Sử Ngọc Khương: Đó là các khu vực vệ tinh Tp.HCM. Nếu Tp.HCM là lõi BĐS nói chung thì các tỉnh giáp ranh sẽ hưởng lợi rõ nét nhất về BĐS công nghiệp, nhà xưởng. Hạ tầng giao thông được đầu tư, cụ thể là tuyến đường vành đai 3 liên kết các vùng đang tạo ra lợi thế rõ nét để đưa thị trường BĐS công nghiệp phát triển.