Làn sóng dịch chuyển ở "công xưởng thế giới": Công nhân Trung Quốc bỏ việc chuyển sang làm lễ tân, lái xe taxi hoặc đi làm môi giới bất động sản
Theo kết quả điều tra FTCR, nhiều công nhân Trung Quốc từ bỏ ngành sản xuất do các nhà máy cắt giảm nhân sự.
- 20-06-2018Tổng thống Trump làm căng với Trung Quốc, Dow Jones mất gần 300 điểm
- 19-06-2018Lý do giải thích vì sao Trung Quốc ở "cửa trên" trong cuộc chiến thương mại đang nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới
- 18-06-2018Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu, thị trường tái chế toàn cầu 'lao đao'
Đằng sau những dây chuyền sản xuất tại Tấn Giang là cuộc sống của hàng vạn công nhân. Sau khi rời bỏ các nhà máy sản xuất giày thể thao tại Phúc Kiến, nhiều người đã tìm được công việc mới trong ngành dịch vụ đang tăng trưởng nhanh hoặc trong thị trường nhà đất "rực lửa".
Theo một điều tra trên 155 công nhân chuyển việc của Nikkei, sự chuyển dịch trong một nền kinh tế vốn chủ đạo là sản xuất và đầu tư tại Trung Quốc không cần thiết phải là một trò chơi được mất.
Tại những vùng công nghiệp nặng chủ đạo, hàng triệu công nhân trong các công ty nhà nước và các khu vực sản lượng dư thừa bị sa thải. Điều này đem đến nhiều thách thức về phúc lợi xã hội cho chính quyền trung ương. Tuy nhiên, một số khu vực, bao gồm các thành phố cấp thấp hơn như Tấn Giang, được lợi từ xu hướng phát triển này. Điều này đem đến nhiều cơ hội mới giúp phần lớn các công nhân tham gia điều tra thay đổi công việc.
Đỉnh điểm là vào năm 2011, 7.300 nhà máy tại Tấn Giang đã tuyển dụng 550.000 công nhân, sản xuất một phần năm sản lượng giày dép toàn cầu cho các hãng lớn như Adidas. Tuy nhiên, những nhà máy này phải vật lộn với tình trạng chi phí tăng và cạnh tranh từ các thị trường mới nổi khác, ví dụ, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đã tăng 44,4% vào năm ngoái.
Theo dữ liệu của chính phủ, số lượng công nhân trong các nhà máy trong các thành phố thuộc tỉnh Phúc Kiến tại bờ biển đông nam Trung Quốc đã giảm 22% từ năm 2012 tới 2016. Trong khi đó, số lượng công nhân trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng 26%. Dịch vụ trở thành khu vực tuyển dụng nhân công mới lớn nhất Trung Quốc trong năm 2011, chiếm 45% tổng nhân lực.
Trên Thị trường Nhân tài Trung Quốc, sàn giao dịch lao động lớn nhất Tấn Giang, các quảng cáo tuyển dụng từ các công ty sản xuất giày dép đã giảm 35% so với năm ngoái.
Ding Jian, giám đốc tại công ty Jingjiang Hengliang Trading, cho biết: "Không có tương lai trong ngành sản xuất." Trong sáu năm trở lại đây, nhân lực trong công ty ông đã giảm từ 1.500 xuống còn 400 người.
Đối tượng điều tra của Nikkei là các công nhân trong nhà máy sản xuất giày tại Tấn Giang đã bỏ việc trong vòng ba năm qua. Kết quả điều tra chỉ ra vai trò của ngành dịch vụ trong việc thu hút nhân lực từ ngành sản xuất. Trong tổng số người tham gia điều tra, 98% cho biết họ từng làm việc toàn thời gian trong ngành sản xuất, và 93,4% đã tìm được công việc mới trong vòng sáu tháng sau khi bỏ việc.
Phần lớn người tham gia cho biết họ được nhiều hơn mất so với khi còn làm việc tại nhà máy giày. 32,3% số người tham gia kiếm được nhiều hơn 6.000 nhân dân tệ (937 USD) mỗi tháng, và chỉ có 14,2% cho biết họ kiếm được mức lương tương đương khi làm việc trong các nhà máy giày.
Trong số những người tham gia điều tra, một nửa số người đã tham gia ngành dịch vụ, nhiều người làm phục vụ, lễ tân hoặc tài xế. Nhiều người khác tự khởi nghiệp. Vào năm 2016, sau 20 năm làm việc tại dây chuyền sản xuất Tấn Giang, Zeng Jiancheng đã mở một nhà hàng lẩu với lợi nhuận 30.000 nhân dân tệ một tháng, tương đương với sáu tháng lương khi ông còn làm việc tại nhà máy.
Tiêu dùng ngày càng tăng tại Tấn Giang khi sản xuất dần nhường chỗ cho dịch vụ. Theo công ty tư vấn Linkshop, tới cuối năm nay, 20 trung tâm mua sắm mới sẽ mở cửa tại Tấn Giang. Khoảng 300.000 hộ chiếu được cấp mới cho cư dân Tấn Giang vào năm ngoái. Theo cơ quan an ninh địa phương, Tấn Giang là thành phố cấp thị có số lượng hộ chiếu cấp mới nhiều nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Mức lương hiện tại của Hu Caihua, hiện đang làm việc cho dịch vụ gọi xe Didi, thấp hơn khi anh còn làm việc trong nhà máy. Anh bỏ việc tại nhà máy hai năm trước sau khi kinh doanh chững lại và mức lương giảm xuống 4.500 nhân dân tệ mỗi tháng. Tuy nhiên, do cạnh tranh trong lĩnh vực gọi xe tăng lên, Hu dự đoán thu nhập của mình sẽ tiếp tục giảm khi Didi tính phí tài xế cao hơn.
Những người công nhân còn tìm việc trong thị trường nhà đất. Năm ngoái, thị trường nhà đất tại Tấn Giang tăng 95% khi người mua từ Tuyền Châu và Hạ Môn chuyển sang. Li Mingkang, 33 tuổi, bị sa thải khỏi nhà máy giày vào năm 2015 và làm việc cho một nhà thầu địa phương. Trong vòng hai năm, anh tự thành lập công ty và kiếm được 300.000 nhân dân tệ mỗi năm, gấp bốn lần mức lương cũ. Tuân thủ theo chính sách của Bắc Kinh, chính quyền địa phương hạn chế mỗi người ngoại tỉnh chỉ được sở hữu một tài sản. Do vậy, Li lo ngại rằng nếu hạn chế tiếp tục tăng lên, công việc kinh doanh của anh sẽ bị thiệt hại.
Trong số những người tham gia điều tra, 61,3% quyết định tiếp tục ở lại Tấn Giang thay vì về quê. Mặc dù ngành sản xuất giày không còn như trước, nhưng các nhà máy khác đang rất nhộn nhịp, một phần tư số lượng ô trên thế giới được sản xuất tại Tấn Giang. Theo điều tra của Nikkei, 32% công nhân quyết định ở lại Tấn Giang và tiếp tục làm trong ngành sản xuất so với 14% quyết định rời đi.
Tuy nhiên, cũng có nhiều công nhân ngoại tỉnh đã về quê. Trung tâm Phát triển Đô thị Trung Quốc dự tính số lượng người ngoại tỉnh ở Tấn Giang đã giảm từ 1,3 triệu vào năm 2010 xuống còn 1 triệu. Mặc dù chính quyền địa phương đã điều chỉnh việc cung cấp dịch vụ, nhưng công nhân ngoại tỉnh thường không được hưởng nhiều dịch vụ như y tế hay giáo dục nếu không có hộ khẩu.
Zhang Bin rời nhà máy Tấn Giang và làm việc tại một trạm xăng tại quê nhà Shangrao với mức lương 3.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Vợ của anh kiếm được 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Như vậy, tổng thu nhập hộ gia đình của anh chỉ tương đương một nửa so với khi còn ở Tấn Giang. Dù vậy, họ vẫn quyết định về quê bởi Bin không có hộ khẩu để xin cho con học tại trường học của Tấn Giang.
Kết quả điều tra còn cho thấy 10,5% những người công nhân về quê đều chuyển sang làm nông nghiệp, tận dụng thời cơ nhu cầu thực phẩm hữu cơ ngày càng tăng tại các thành phố lớn. 5,3% công nhân bắt đầu bán hàng trực tuyến trên Taobao hoặc WeChat. Fu Yuanli, 28 tuổi, rời Tấn Giang hai năm trước và chuyển tới Kiềm Giang, tỉnh Hà Bắc. Cô bắt đầu bán tất và nội y sản xuất tại Tấn Giang trên WeChat và hiện kiếm được 100.000 nhân dân tệ mỗi năm, cao gấp đôi lương khi còn làm tại nhà máy.
Với 63,9% người tham gia điều tra cho biết họ không có kĩ năng cần thiết để đảm bảo công việc lương tốt và ổn định, nhu cầu tái đào tạo tăng lên. 61,3% công nhân cho biết họ dự đính tham gia các khoá đào tạo trong vòng 12 tháng tới; 47,7% đã tham gia trong vòng một năm qua. Khoá học phổ biến nhất gồm xây dựng, quản lí, IT và vận hành máy móc.
Zhang Junli đã qua tái đào tạo trong lĩnh vực làm đẹp. Nhờ công việc làm móng tay móng chân tám giờ mỗi ngày, chị kiếm được gấp rưỡi so với khi còn làm việc trong nhà máy giày 12 tiếng mỗi ngày.