MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng F0 tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản để ‘lướt sóng’

28-12-2021 - 08:59 AM | Bất động sản

Làn sóng F0 tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản để ‘lướt sóng’

Bên cạnh những nhà đầu tư lão luyện tham gia thị trường bất động sản đã lâu, những tháng cận Tết Nguyên đán, thị trường tiếp tục đón nhận làn sóng đổ bộ của nhà đầu tư F0 với mong muốn “lướt sóng” ăn chênh.

F0 hồ hởi "lướt sóng"

Vài tháng gần đây, anh Nguyễn Quang Hạnh - chủ một cửa hàng ẩm thực tại Hà Nội, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn. Cùng đó, hàng ngày đọc thông tin trên mạng xã hội và chứng kiến bạn bè của anh giàu lên từ bất động sản. Anh Hạnh cũng quyết tâm tìm hiểu, tham gia thị trường với hy vọng “lướt sóng” thành công bù lại những ngày tháng cửa hàng anh phải nghỉ dịch, không có thu nhập.

“Kinh doanh trong 2 năm nay gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ Covid-19, đặc biệt là năm nay gần như tôi không kiếm được đồng nào. Thấy thị trường bất động năm nay quá nóng nên tôi quyết định tham gia, gần Tết rồi nên cũng muốn kiếm được tiền tiêu Tết”, anh Hạnh cười nói.

Làn sóng F0 tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản để ‘lướt sóng’  - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư F0 tiếp tục tham gia thị trường.

Mới đây, anh Hạnh mua một lô đất rộng 100m2 tại Việt Yên, Bắc Giang với mức giá 2,8 tỷ đồng, tức 28 triệu đồng/m2. Chỉ sau gần 2 tuần, đến nay mảnh đất của anh đã được bán lại mới mức giá 3,2 tỷ đồng, lãi 400 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền.

Tương tự anh Quang Hạnh, anh Trần Văn Hà - chủ một công ty du lịch tại Hà Nội, cũng bắt đầu bước chân vào thị trường bất động sản tìm kiếm cơ hội. Do một mình chưa có kinh nghiệm và không đủ lực nên anh đã rủ thêm một người bạn cùng tham gia góp vốn.

Sau khi góp được hơn 3 tỷ đồng, anh và người bạn đã chốt mua một mảnh đất tại Mê Linh có diện tích 110m2 với mức giá 29 triệu đồng/m2, tổng gần 3,2 tỷ đồng. Sau hơn 1 tuần, mảnh đất của anh đã được sang tay cho một nhà đầu tư khác với mức giá 33 triệu đồng/m2, tổng là hơn 3,6 tỷ đồng, lãi hơn 400 triệu đồng so với thời điểm xuống tiền.

Cẩn trọng “gãy sóng”

Thực tế, khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhiều ngành kinh doanh vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề thì thị trường ghi nhận xu hướng chuyển dịch sang bất động sản. Điều này kéo theo không ít nhà đầu tư F0 chưa có nhiều kinh nghiệm tham gia thị trường nhằm tận dụng cơ hội khi thị trường đang “sôi động”.

Làn sóng nhà đầu tư tham gia vào thị trường bất động sản không phải mới mà đã thể hiện rõ nét trong những năm qua, nhất là đầu năm 2021. Thường nhóm này dù ít kinh nghiệm nhưng có tâm lý muốn kiếm được khoản lợi nhuận trong thời gian ngắn, do đó, khi thị trường đã sôi động và có sự tham gia của nhóm F0 sẽ càng trở nên “nóng” hơn.

Khi được hỏi vấn đề đầu tư đất nền trong giai đoạn này, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế nói: “Đã đầu tư là có rủi ro. Không có hoạt động đầu tư nào không có rủi ro cả. Chính vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu và kiểm soát, chứ không phải vì rủi ro mà không đầu tư. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư là nên biết mình - biết người. Biết mình là phải xác định mình thuộc nhóm nhà đầu tư nào: e ngại rủi ro, trung dung hay thích mạo hiểm”.

Theo TS. Lực, đối với tiêu chí đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng, ông vẫn khuyên nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ pháp lý có ổn không, quy hoạch, hạ tầng - an ninh - cảnh quan như thế nào, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh thì môi trường sống và cảnh quan cũng rất quan trọng. Một yếu tố nữa là chủ đầu tư, những chủ đầu tư đứng đắn, làm ăn nghiêm túc sẽ đỡ rủi ro hơn rất nhiều.

Làn sóng F0 tiếp tục đổ bộ thị trường bất động sản để ‘lướt sóng’  - Ảnh 2.

Đất nền là khoản đầu tư trung và dài hạn.

Thanh khoản bất động sản rất quan trọng, tiếp theo là cách sử dụng đòn bẩy tài chính. Cuối cùng, đầu tư bất động sản nói chung và đất nền nói riêng là khoản đầu tư trung và dài hạn, đầu tư lướt sóng sẽ rủi ro trong năm 2022.

Còn theo TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, nhận định, sóng thì luôn có điểm thấp và điểm cao, hoặc điểm tiệm cận dưới và điểm tiệm cận trên.

"Đối với thị trường bất động sản Việt Nam, sau những đợt khủng hoảng về tài chính, kinh tế, dịch bệnh thì dường như sức nén về đầu tư sẽ được bung ra rất nhiều. Như chúng ta thấy, hiện tại dịch bệnh và các khu vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ rất khó khăn, do vậy dòng tiền sẽ chảy vào khu vực chứng khoán. Trong khi đó, khu vực chứng khoán và bất động sản được xem là bình thông nhau", ông Khương nói.

Theo ông Khương, bất động sản vẫn là kênh đầu tư có nhiều cơ hội, bởi chứng khoán không phải ai đầu tư cũng thắng.

"Đón sóng không dễ và không phải ai đầu tư cũng thành công", ông Khương nhấn mạnh.

Tuấn Minh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên