Làn sóng mới, kinh doanh tỷ USD bằng tài sản người khác
Kinh tế chia sẻ là một phần tất yếu của nền kinh tế số, giúp thị trường cạnh tranh hơn, loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm, người tiêu dùng hưởng lợi.
- 07-09-2019Tài xế GrabBike kiến nghị doanh thu trên 150 triệu đồng mới nộp thuế
- 07-09-2019Vụ kiện Grab, Uber, cuộc chiến cũ - mới cho sự đổi thay
- 22-08-2019Grab khẳng định đã đóng thuế gần 1.000 tỷ đồng
Làn sóng "ăn theo" Grab, Uber
Mô hình “ kinh tế chia sẻ ” xuất hiện như làn gió mới mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho người tiêu dùng mà cả các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ là các tổ chức hay doanh nghiệp lớn cũng như các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ lẻ và các đơn vị cung cấp hạ tầng công nghệ, cũng được lợi.
Theo thống kê, hiện nay, cứ 4 người dân Việt Nam thì có 1 người đang sử dụng ít nhất một dịch vụ của Grab mỗi tháng. Việc sử dụng Grab cũng giúp tiết kiệm thời gian di chuyển của hành khách đến 51% so với việc sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng. Hiệu suất sử dụng xe Grab đạt đến hơn 70%, điều này có nghĩa là cứ mỗi 10 giờ các đối tác tài xế Grab chạy trên đường thì có hơn 7 giờ được tận dụng để kiếm thêm thu nhập.
Sự rút lui của Uber đã kích hoạt cuộc đua ứng dụng công nghệ đặt xe và các doanh nghiệp công nghệ và vận tải nội địa đã đồng loạt “xuống đường” nắm bắt thời cơ như Go-Việt, Be, Fast-Go.
Công nghệ đã làm thay đổi nhiều thành phần kinh tế
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam rầm rộ đầu tư vào ứng dụng gọi xe công nghệ như Aber, VATO, Mai Linh Bike, MLV, Go-ixe, Xelo,... Gần đây nhất, Viettel tung ứng dụng MyGo ra thị trường ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước ở mảng gọi xe và các dịch vụ vận chuyển khác, bao gồm cả xe tải.
Không riêng lĩnh vực vận chuyển mà giao nhận đồ ăn cũng trở nên tấp nập. Theo kết quả nghiên cứu mới được GCOMM công bố, 6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến được biết đến nhiều nhất ở thị trường Việt Nam gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp. Đây là các dịch vụ phát triển thêm (như tại Grab) và các nhân tố mới gia nhập thị trường, khiến cuộc đua về dịch vụ giao nhân đồ ăn trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.
Tương tự, rất nhiều ứng dụng công nghệ kết nối cung - cầu xuất hiện trong các ngành du lịch, cho thuê nhà, bán lẻ, y tế, giáo dục, tín dụng ngân hàng,... Airbnb kết nối người cần thuê nhà với những người có phòng trống cần cho thuê thông qua ứng dụng di động. Triip.me sử dụng nguồn lực của cộng đồng để thiết kế các tour du lịch trên toàn thế giới.
Các trang đặt phòng khách sạn rất phổ biến ở Việt Nam như Booking, Mytour, Agoda, Traveloka,... dần trở thành địa chỉ tìm kiếm và đặt phòng của du khách nội địa mỗi khi đi du lịch. Các khách sạn đăng ký thông tin vào những trang web đó để tăng thêm cơ hội tiếp cận khách hàng. Khách du lịch thì có nhiều sự lựa chọn với mức giá phù hợp hơn rất nhiều.
Ngoài ra, một số dịch vụ khác cũng hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ tiếp tục mở ra ở Việt Nam, gồm du lịch; dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng; dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngân hàng.
Với sự tác động mạnh mẽ của mô hình này, các chuyên gia cho rằng loại hình kinh tế chia sẻ không chỉ là hiện tượng nhất thời mà sẽ trở thành một môi trường kinh doanh toàn cầu.
Một khảo sát của Công ty Nielsen cho thấy, kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo đó, cứ 4 người Việt Nam được hỏi thì có 3 người cho biết, họ thích ý tưởng về mô hình kinh doanh này; 76% cho biết sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ,...
Xu hướng tất yếu
Với sự bùng nổ của công nghệ, kinh tế chia sẻ là một phần tất yếu của nền kinh tế số. Có thể thấy ngay những giá trị khó có thể phủ nhận mà nền tảng kinh tế chia sẻ mang lại, tạo nên một thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng; đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập.
Ở góc độ người tiêu dùng, họ sẽ được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ đa dạng hơn, chất lượng cao hơn và giá rẻ. Trong khi đó, các cá thể cũng có thể tham gia kinh doanh, tận dụng cơ hội kiếm tiền từ công nghệ như lái xe Grab, Uber hay cho thuê nhà Airbnb.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần xác định kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu.
Nhiều bước ngoặt từ kinh tế chia sẻ |
Tại Hội thảo về cơ hội và thách thức đối với mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, Bộ KH-ĐT, cho rằng, bản chất của kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, tận dụng lợi thế của công nghệ số, qua đó tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số. So với mô hình kinh tế truyền thống, kinh tế chia sẻ là trung tâm với ứng dụng công nghệ số.
Kinh tế chia sẻ tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới cho Việt Nam dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập, tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường, giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số và thúc đẩy cải cách thể chế nhằm phát triển nền kinh tế số và tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0.
Chuyên gia Rebecca Bryant cho biết, Việt Nam đang có cơ hội và lợi thế để phát triển kinh tế chia sẻ trong mọi lĩnh vực, đó là nhờ sự phát triển nhanh của Internet và CNTT, đặc biệt là công nghệ sản xuất các thiết bị phần cứng và điện thoại di động thông minh tại Việt Nam. Có tới 76% người Việt Nam được hỏi sẵn sàng tận dụng các sản phẩm và dịch vụ chia sẻ, cao hơn rất nhiều so với con số 66% đối với người tiêu dùng toàn cầu.
Có thể nói, kinh tế chia sẻ được kỳ vọng sẽ là một trong những chìa khóa để tận dụng, phát huy những thành tựu cách mạng khoa học, công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững của Việt Nam.
Mặc dù vậy, kinh tế chia sẻ tác động thay đổi phương thức kinh doanh của doanh nghiệp, đòi hỏi quản lý nhà nước cũng thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo bình đẳng trong quản lý các nguồn thu, ưu đãi cho doanh nghiệp.
Vietnamnet