Làn sóng người nghỉ hưu quay lại làm việc gia tăng ở Trung Quốc
Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc coi lao động ở tuổi nghỉ hưu là điều cần thiết khi hệ thống lương hưu đang gặp khó khăn.
- 23-03-20242 cổ phiếu tăng 710% và 185% trong 4 năm, có khả năng sắp chia tách: Nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc ‘món hời đáng giá’ này
- 23-03-2024Vừa ‘vượt Nhật Bản’ để đứng thứ 3 thế giới, nền kinh tế này lại đối mặt nguy cơ có thể rơi vào suy thoái trong quý I/2024
- 22-03-2024Cảnh báo mới về dân số thế giới
Theo tờ Al Jazeera, khi ông Hao Pengfei nghỉ hưu vào năm ngoái, ông cảm thấy mọi thứ không giống như những gì ông từng mong đợi khi còn trẻ.
“Tôi từng nghĩ rằng nghỉ hưu sẽ là thời gian để thư giãn và làm những điều mình thích chứ không phải là thời điểm căng thẳng và lo lắng”, ông Hao sống tại thành phố Nam Kinh, phía đông Trung Quốc, chia sẻ.
Ông Hao từng làm quản lý cho một công ty sản xuất nhà nước cho đến khi ông bước sang tuổi 60 vào năm ngoái. Mặc dù vẫn muốn tiếp tục làm việc, nhưng theo chính sách của công ty, ông phải nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng ông Hao nghỉ hưu không lâu. Do các khoản thanh toán thế chấp, sửa sang nhà cửa và viện phí vượt quá số tiền lương hưu hàng tháng, ông đã sớm quay trở lại thị trường việc làm.
Hiện tại, ông đang làm kế toán bán thời gian cho một chủ nhà hàng vào ban ngày và làm nhân viên bảo vệ khách sạn vào ban đêm.
“Vợ tôi cũng cố gắng tìm giải pháp mới để giảm bớt chi tiêu gia đình”, ông chia sẻ và cho biết vợ ông đã không làm việc được kể từ khi bà bị chấn thương lưng gần 20 năm trước.
Theo truyền thống, nhiều người cao tuổi Trung Quốc sẽ chuyển đến sống cùng con cái sau khi nghỉ hưu, nhưng ông Hao không coi đó là một lựa chọn.
“Con trai chúng tôi sống trong một căn hộ chật chội ở Thượng Hải cùng vợ và hai con gái. Ở đó không có phòng cho chúng tôi, dù sao vợ chồng tôi vẫn sống ở Nam Kinh”, ông nói.
Con trai ông và gia đình đã tới thăm bố mẹ vài ngày trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán hồi tháng 2.
Đối với nhiều người Trung Quốc, kỳ nghỉ tết là thời điểm họ thường phải chi tiêu nhiều cho đi lại, mua thực phẩm và quà tặng. Nhưng ông Hao và gia đình đã cố gắng giảm chi tiêu ở mức tối thiểu.
Dù chiều chuộng cháu gái, nhưng vợ chồng ông vẫn muốn tiết kiệm tiền trong năm nay với hy vọng một ngày nào đó có thể yên tâm nghỉ hưu.
Theo cuộc khảo sát do trang web tuyển dụng Trung Quốc 51job.com thực hiện năm 2022, trên 2/3 người cao tuổi Trung Quốc có ý định quay trở lại làm việc sau khi nghỉ hưu.
Trong khi một số phương tiện truyền thông cho rằng làn sóng trở lại của những người về hưu là điều tích cực đối với nền kinh tế Trung Quốc đang thiếu nhân lực trong một số lĩnh vực nhất định, thì ông Hao lại có cảm nhận khác.
“Tôi nghĩ rằng điều này cho thấy hệ thống lương hưu của chúng ta hiện không thể mang lại một cuộc sống tươm tất. Điều này không báo trước điều gì tốt đẹp cho tương lai”, ông chia sẻ.
Ông Yang Jiang, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết xu hướng người về hưu quay trở lại làm việc phản ánh hệ thống lương hưu đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Một số người bị giảm thu nhập đáng kể khi nghỉ hưu, điều này buộc họ phải quay lại làm việc”, ông Yang lập luận.
Hệ thống lương hưu của Trung Quốc ban đầu hoàn toàn do nhà nước quản lý nhằm hỗ trợ trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi. Khi Trung Quốc bước vào quá trình đô thị hóa, mối quan hệ gia đình suy yếu và dân số già tăng lên, bảo hiểm hưu trí được mở rộng bao phủ khoảng 1,05 tỷ người - gần như toàn bộ dân số. Mặc dù vậy, vẫn có chênh lệch lớn.
Trong khi những người lao động làm công ăn lương ở thành thị đã nghỉ hưu như ông Hao nhận được lương hưu cơ bản trung bình hàng tháng khoảng 470 USD, thì người lao động ở nông thôn và nhập cư chỉ có thể nhận được 25 USD.
Làm việc tại một công trường xây dựng chỉ cách nhà ông Hao ở Nam Kinh vài dãy nhà, ông Gu Chengji, 63 tuổi, nằm trong số những người nhận được rất ít lương hưu từ hệ thống nếu ông nghỉ hưu vào ngày mai.
Là một trong gần 300 triệu lao động nhập cư của Trung Quốc, ông Gu đăng ký thường trú tại ngôi làng nông thôn nơi ông sinh ra. ĐIều này khiến ông không đủ điều kiện nhận các phúc lợi an sinh xã hội hào phóng hơn ở thành phố mà ông đã sống và làm việc trong phần lớn cuộc đời.
Gu tin rằng ông sẽ phải làm việc ít nhất 10 năm nữa mới có đủ tiền nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông sợ rằng cơ thể của ông sẽ không thể lăn lộn làm việc thêm một thập kỷ vất vả trên các công trường xây dựng.
“Tôi đã làm việc chăm chỉ ở một công ty trong nhiều năm. Họ biết tôi là một công nhân giỏi nên giờ họ đã để tôi làm một số công việc dễ dàng hơn. Nhưng công việc này vẫn vất vả và có nhiều đêm tôi không thể ngủ được vì đau lưng và đầu gối”, ông chia sẻ.
Tình trạng di cư của hàng triệu công nhân, như ông Gu, đến các thành phố lớn của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm những khoảng trống trong hệ thống lương hưu. Điều này đã tước đi những lao động cần thiết để tài trợ cho các chế độ lương hưu ở khu vực nông thôn.
Ngoài ra, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc cũng làm tăng thêm tình trạng thiếu vốn vì nhiều chính quyền cấp tỉnh phải phụ thuộc vào việc bán đất để bù đắp nguồn thu.
Hơn nữa, dân số ngày càng giảm của Trung Quốc cũng khiến cuộc khủng hoảng lương hưu thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Năm ngoái, số người Trung Quốc từ 60 tuổi trở lên đạt mức cao nhất mọi thời đại - gần 300 triệu người. Trong 10 năm tới, dự kiến sẽ có thêm khoảng 300 triệu người Trung Quốc đến tuổi nghỉ hưu chính thức – 60 tuổi đối với nam giới và 55 tuổi đối với nữ giới. Trong khi đó, ngày càng có ít người tham gia lực lượng lao động.
Dân số Trung Quốc đã giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2023, khi tỷ lệ sinh của nước này đạt mức thấp kỷ lục 6,39 ca sinh/1.000 người.
Theo một nghiên cứu năm 2019 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, quỹ hưu trí chính của đất nước cho người lao động thành thị đang trên đà cạn kiệt vào năm 2035.
Ông Allan Von Mehren, nhà kinh tế Trung Quốc tại Ngân hàng Danske, nói: “Có những thách thức lớn và điều này yêu cầu cải cách lương hưu”.
Và đã có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang đưa ra những cải cách đó, như kế hoạch nhằm tăng tuổi nghỉ hưu theo từng giai đoạn của Bắc Kinh.
Ông Von Mehren cho biết: “Trung Quốc vẫn còn những nguồn lực chưa được khai thác về trình độ giáo dục tổng thể cũng như năng suất. Những nguồn lực này có thể được khai thác để hỗ trợ bù đắp những thách thức trong tương lai”.
Bà Sun Mengjie, kế toán của nhà cung cấp sản phẩm y tế ở thành phố Quảng Châu, lo ngại bà sẽ không thể phụ thuộc nhiều vào nhà nước hoặc các tổ chức khác trong những thập kỷ tới. Vì vậy, bà muốn tiết kiệm càng nhiều tiền càng tốt khi có thể.
Ông Hao cũng hy vọng Trung Quốc có thể giúp cho hệ thống lương hưu trở nên khả thi về mặt tài chính.
“Nếu không, tôi lo lắng rằng khi các cháu gái của tôi lớn lên, Trung Quốc sẽ không phải là nơi tốt đẹp để già đi”, ông nói.
Báo Tin Tức