Làn sóng tuyệt vọng của dân văn phòng Trung Quốc: Người bỏ phố về quê trồng rau, kẻ ôm mộng đổi đời qua đêm nhờ đầu tư tiền ảo
Nhiều nhân viên văn phòng cảm thấy quá tải, chán nản cùng với sự kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất. Họ không còn cách nào khác là phải nỗ lực để cạnh tranh với đồng nghiệp nhưng đồng thời họ cũng biết rằng, dù có chăm chỉ ra sao thì cũng không thể trở nên giàu có, không thể thoát ra khỏi vị trí xã hội hiện tại hoặc đạt được sự tự do cần thiết về tài chính.
- 06-11-2021"Học trường top để làm gì, ngồi làm văn phòng cả năm không bằng buôn một miếng đất”
- 30-10-2021Có những người đang "bỏ trốn" khỏi nơi làm việc: Không muốn tăng ca, ghét kỷ luật văn phòng, từ chối cống hiến vì đã quá đủ rồi
- 20-10-2021Tâm lý như CEO Google: Cho nhân viên tuần 3 ngày lên văn phòng, 2 ngày ở nhà, vừa giữ được tình đồng nghiệp, vừa đỡ phải đi làm xa xôi
Đối với thế hệ thanh niên Trung Quốc, đặc biệt là những người có bằng đại học, được đào tạo chuyên môn cao, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng triển vọng nghề nghiệp của họ đang trở nên tối tăm hơn, khả năng dịch chuyển xã hội của họ bị thu hẹp và khoảng cách giàu nghèo của đất nước ngày càng có sự chênh lệch rõ rệt.
Cũng vì nguyên nhân này, thế hệ trẻ cảm thấy một áp lực vô hình đang đè nặng lên vai họ mỗi ngày, họ nhận ra rằng dù nỗ lực cách mấy trong công việc cũng không thể cải thiện được cuộc sống.
Trong những năm gần đây, chế độ làm việc 996 (từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần) tuy được xem là bất hợp pháp và đã được áp đặt sự điều chỉnh từ chính phủ nhưng thực tế cho thấy môi trường làm việc tại rất nhiều công ty lại mang tính cạnh tranh quá mức.
Nhiều nhân viên văn phòng cảm thấy quá tải, chán nản cùng với sự kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất. Họ không còn cách nào khác là phải nỗ lực để cạnh tranh với đồng nghiệp nhưng đồng thời họ cũng biết rằng, dù có chăm chỉ ra sao thì cũng không thể trở nên giàu có, không thể thoát ra khỏi vị trí xã hội hiện tại hoặc đạt được sự tự do cần thiết về tài chính.
Trong làn sóng tuyệt vọng về công việc, giới trẻ Trung Quốc có người chọn chấp nhận một cuộc sống “nằm thẳng” - hạ thấp mục tiêu, giảm thiểu khát vọng và sống cuộc đời lờ lững bình thường, cũng có những thanh niên trí thức chọn cách bỏ phố thị phồn hoa để tìm về sự an yên ở nông thôn, trở thành những người nông dân “chất lượng cao”. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi đã theo đuổi giấc mộng làm giàu cùng xu hướng đầu tư tiền điện tử - rủi ro cực cao nhưng có thể giúp họ đổi đời chỉ sau một đêm.
Trào lưu “nông dân mới”
Hu Siqin đã có một sự nghiệp đầy hứa hẹn ở Thượng Hải trong một công ty tầm cỡ. Công việc có mức lương cao mang lại cho cô cuộc sống khá dư dả, thoải mái tuy nhiên trong thâm tâm cô vẫn cảm thấy thiếu sót một điều gì đó.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, người phụ nữ 33 tuổi này đã quyết định bỏ phố về quê, từ bỏ cuộc đua khốc liệt và lối sống chỉ biết cắm đầu vào làm việc để tìm về niềm vui đơn giản nhẹ nhàng hơn khi trở thành một nông dân.
Hu nói: “Những người như chúng tôi không cảm thấy rằng cuộc sống tiện nghi và vật chất là đầy đủ. Trong sâu thẳm trong tôi vẫn cảm thấy không hài lòng. Vì vậy, tôi bắt đầu suy nghĩ, mục đích sống của tôi là gì? Tôi đang sống để làm gì?”.
Hàng triệu thanh niên Trung Quốc ngày nay cảm thấy nhàm chán với thời gian làm việc kéo dài của xã hội hiện đại nhưng mức lương lại quá ít ỏi. Bên cạnh đó, sự tắc nghẽn đô thị cùng chi phí sinh hoạt đắt đỏ trở thành “giọt nước tràn ly”, vì vậy họ đã chạy trốn để bắt đầu một cuộc sống mới.
Hu, người từng làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và chuỗi cung ứng tại các công ty hàng đầu nói rằng, cuộc sống của cô trước đó “trông có vẻ hạnh phúc đấy nhưng bên trong hoàn toàn trống rỗng”.
Vậy là cô cùng một người bạn cùng chí hướng đã thuê một mảnh đất trên hòn đảo ở Sùng Minh, ngoại ô Thượng Hải, cùng nhau gieo trồng các loại cây, làm nông nghiệp. Niềm vui sướng tột cùng khi Hu bật một củ khoai lang ra khỏi đất, đó là thứ trước đây cô chưa từng cảm nhận bao giờ.
Theo số liệu thống kê của chính phủ, có khoảng 20 triệu người Trung Quốc đã tham gia phong trào "nông dân mới", một số người trong số họ có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội khi họ đăng bài về lối sống nông dân chân chất của mình.
Đối với Liang Funa, 34 tuổi, quyết định bỏ phố về quê chính là để tận hưởng một cuộc sống khỏe mạnh, bình yên và bền vững hơn. Cựu giám đốc điều hành quảng cáo cảm thấy kiệt sức do thời gian làm việc quá nhiều và lối sống không lành mạnh.
“Thế hệ chúng tôi đang chịu áp lực rất lớn, và những người ở lại thành phố không thể thấy nhiều sự lựa chọn khác. Những người quanh họ luôn nói về việc mua nhà, mua xe, kết hôn sinh con, như thể đây là những thước đo thành công duy nhất của con người và không có con đường nào khác”, Liang nói.
Liang đã chuyển đến sống ở Sùng Minh vào 3 năm trước. Bên cạnh học cách làm một người nông dân chính hiệu, anh cũng làm thêm một số công việc trực tuyến để cải thiện thu nhập. Cuộc sống hiện tại của Liang không giàu có nhưng tương đối thoải mái. Và Liang đã nhận ra rằng có những thứ vật chất và hàng tiêu dùng thật sự đối với anh không cần thiết nữa. Liang nói, bằng cách ăn rau hữu cơ do chính mình trồng, anh ấy cảm thấy cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm nhu cầu đi khám bác sĩ.
Nhận ra lợi thế tiềm tàng của một làn sóng trí thức có trình độ, có sự hiểu biết về công nghệ lẫn kinh doanh sẽ có thể mang lại đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp vốn do người làm nông thống trị bao lâu nay, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những chính sách cũng như cam kết hỗ trợ tài chính để giúp đỡ những "nông dân mới" phát huy hết khả năng của mình.
Trào lưu đầu tư tiền điện tử, mộng làm giàu qua đêm
Bên cạnh những thanh niên sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vật chất hào nhoáng nơi thành thị để về quê làm nông thì một bộ phận người trẻ tuổi đã ôm mộng trở nên giàu có hơn bằng hình thức đầu tư tiền điện tử - xu hướng làm giàu đang làm mưa làm gió trên toàn thế giới trong những năm qua.
Trên Weibo, từ khóa “bitcoin” có lượt tìm kiếm cao ngất ngưởng với hàng trăm nghìn bài đăng và gần 12 tỷ lượt xem. Có thể thấy thế hệ trẻ tuổi hiện nay rất quan tâm đến hình thức đầu tư rủi ro cao nhưng mang về cho họ lợi nhuận khổng lồ - dĩ nhiên nếu như họ có đủ sự hiểu biết về thị trường cộng thêm may mắn.
Thâm Quyến là trung tâm công nghệ của Trung Quốc, với hàng triệu người làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, tài chính và internet. Người dân Thâm Quyến, đặc biệt là thế hệ gen Z đặc biệt quan tâm đến khái niệm toàn cầu hóa và các tài sản ảo.
Dưới sự ảnh hưởng từ các nhân vật nổi tiếng trên mạng, vòng bạn bè và hàng loạt câu chuyện thành công nhờ đầu tư tiền ảo trên mạng, ngày càng nhiều thanh niên trẻ tuổi đã hòa vào làn sóng đầu tư tiền điện tử như một cơ hội đổi đời.
“Thế hệ trẻ tại Trung Quốc đã quen thuộc với việc mua chứng khoán, cổ phiếu, vay trực tuyến qua điện thoại di động, vì vậy đối với việc mua bán tiền điện tử, họ nắm bắt rất nhanh chóng và dễ dàng”, giáo sư Simon Zhao của trường BNU-HKBU United International College (UIC) nhận xét. Ông cũng cho biết, thay vì tập trung đến các khoản đầu tư dài hạn, những thanh niên hiện nay thích việc đầu cơ và những cách kiếm tiền nhanh hơn.
“Thị trường đầu cơ có rủi ro rất cao, tuy nhiên lợi nhuận khủng đã khiến cho nó được nhiều thanh niên ưa chuộng”, giáo sư Zhao cho biết.
Đối với họ, chấp nhận rủi ro cao không chỉ là cách duy nhất để kiếm thêm được rất nhiều tiền để mua nhà, mua xe, có cuộc sống sung sướng hơn, mà còn là cơ hội giúp họ làm giàu và vươn lên trở thành tầng lớp trung lưu, thượng lưu.
Wendy (32 tuổi) và bạn trai Henry (29 tuổi) đang làm việc ở Thâm Quyến cho biết: “Bạn bè đồng nghiệp xung quanh tôi đều đang đầu tư vào tiền điện tử và chúng tôi cũng bị thu hút. Hồi tháng 4 năm nay, tôi gặp được một cô gái trạc tuổi mình. Cô ấy làm việc cho một công ty fintech và đã kiếm được hàng triệu đô la trong năm ngoái nhờ đầu tư vào tiền điện tử”.
Mặc dù các nhà chức trách Trung Quốc mới đây đã đưa ra hàng loạt chính sách để hạn chế thông tin cũng như giao dịch đầu tư tiền điện tử nhưng rất nhiều thanh niên nước này vẫn tiếp tục chia sẻ các giao dịch của họ trên mạng xã hội, có người cho biết họ đã kiếm được lợi nhuận gấp 75 lần số tiền đã bỏ ra.
So với việc hàng ngày đi làm công việc văn phòng có mức lương cơ bản, cộng thêm nhiều áp lực nặng nề từ môi trường làm việc cạnh tranh dữ dội, mờ mịt về tương lai thì việc bỏ ra một số tiền để đầu tư vào tiền điện tử đã mở ra cho nhiều người một con đường rõ ràng hơn, giúp họ hiện thực hóa ước mơ.
“Nếu không nắm bắt được cơ hội này, cả đời tôi chắc sẽ chẳng bao giờ mua nổi nhà ở Thâm Quyến”, Henry nói. “Nhiều người trẻ tuổi như tôi đều nghĩ vậy và tôi thường thấy mọi người vay tiền để đầu tư vào lĩnh vực này”.
Wendy tiết lộ, cô cùng bạn trai đã bỏ ra 80.000 tệ (khoảng 284 triệu đồng) để mua một số loại tiền điện tử và chỉ sau vài tuần, khối tài sản của họ đã tăng lên 100.000 tệ (khoảng 355 triệu đồng). Khi thị trường giảm mạnh, họ tiếp tục đầu tư thêm 30.000 tệ nữa (khoảng 106 triệu đồng). Wendy cho biết, cô đánh cược khi thị trường đang đi xuống vì tin rằng sớm muộn gì nó cũng sẽ tăng vọt trở lại như trước đây.
(Nguồn: SCMP)
Pháp luật và bạn đọc