MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng vốn FDI đổ bộ, thay đổi để đón 'đại bàng'

Trong nhiều thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần thì thông tin tích cực về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được báo chí phản ánh rõ.

8 tháng năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài "rót" gần 16,8 tỷ USD vào Việt Nam

Báo điện tử Quân đội nhân dân đã cập nhật số liệu về đầu tư nước ngoài 8 tháng đầu năm nay. Theo đó, thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD.

Tuy vốn đầu tư đăng ký mới này giảm (bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021) nhưng cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD.

Có thể thấy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới như: Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota… vì các tập đoàn này liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam sau một thời gian đầu tư và hoạt động hiệu quả.

Làn sóng vốn FDI đổ bộ, thay đổi để đón đại bàng - Ảnh 1.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn. Ảnh minh họa.

Không những vậy, mới đây còn có thông tin về việc Apple có kế hoạch sản xuất đồng hồ thông minh Apple Watch và máy tính MacBook ở Việt Nam. Tờ Nikkei Asia là tờ báo đầu tiên đưa thông tin này và gọi đây là bước tiến có lợi cho Việt Nam.

Một trong hai đối tác sẽ hỗ trợ Apple bắt đầu sản xuất thử nghiệm Apple Watch tại nhà máy đặt ở miền Bắc Việt Nam là Luxshare. Đáng chú ý, theo báo Tuổi trẻ trích lời lãnh đạo của ngân hàng Kasikorn Kbank Thái Lan cũng cho biết, họ nhận thấy một xu hướng các khách hàng của họ, không chỉ là khách hàng Thái Lan, mà cả khách hàng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng di dời hoạt động kinh doanh và Việt Nam là một trong những điểm đến nổi bật.

Vốn FDI đổ bộ vào Việt Nam

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài hiện đang rất tích cực. Thậm chí, theo như đánh giá của báo Sài gòn giải phóng thì dòng vốn này đang đổ bộ vào Việt Nam. Minh chứng là chỉ tính từ tháng 6 cho tới nay đã có hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần, đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ như tập đoàn Aeon Mall cho biết, từ nay đến 2025 sẽ nâng số lượng chuỗi hệ thống bán lẻ lên 100 siêu thị, 16 trung tâm mua sắm.

Khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1 - 2 năm tới là 55,3%.

Dù dòng vốn đổ vào ồ ạt như vậy nhưng bài viết cũng nêu rõ TP Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương thu hút FDI một cách chọn lọc, theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây cũng là chủ trương ở tầm quốc gia, hay nói cách khác là không thu hút đầu tư bằng mọi giá.

Làn sóng vốn FDI đổ bộ, thay đổi để đón đại bàng - Ảnh 2.

Bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện đang rất tích cực. Ảnh minh họa.

Có thể nói là hiện nay Việt Nam có nhiều cơ hội đến đón làn sóng FDI quy mô lớn đang tiến vào Việt Nam. Đó là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, có các lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa và gần đây chúng ta cũng quyết tâm đầu tư lớn cho hệ thống hạ tầng giao thông. Đây là điểm cộng lớn trong con mắt nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo báo Đầu tư đánh giá, dòng vốn đầu tư không tự dưng đến mà phụ thuộc rất lớn vào phản ứng chính sách, vào sự sẵn sàng chuẩn bị của Việt Nam, bao gồm cả đất đai, nguồn nhân lực, hạ tầng… hay việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Còn rất nhiều việc phải làm để thực sự đón sóng FDI .

Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, do đó việc có được những dòng vốn của các tập đoàn lớn đến Việt Nam, nếu biết tận dụng sẽ tạo ra được một cú huých lớn cho sự bật lên của nền kinh tế.

Do đó, theo các chuyên gia, cần đưa ra các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng miền. Đặc biệt cần đưa ra các chính sách thay thế dần các chính sách thu hút đầu tư hiện nay khai thác lợi thế cạnh tranh truyền thống đang dần không còn phù hợp với lợi thế hiện nay. Bên cạnh đó, cần tạo sự kết nối lan tỏa, hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước.

Theo Ban Thời sự

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên