MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãng phí do tư duy riêng rẽ

11-11-2016 - 10:00 AM | Xã hội

Đây là đánh giá của đại biểu Đặng Xuân Phương (Đắk Lắk) khi thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), ngày 10-11.

“Tôi cho rằng chính sách đầu tư công của nước ta đang bị chi phối rất lớn bởi tư duy quản lý riêng rẽ của từng ngành, lĩnh vực” - đại biểu Đặng Xuân Phương nêu thực tế.

Khai thác không hiệu quả

Theo đại biểu này, mỗi khi có một đạo luật hay pháp lệnh chuyên ngành mới ban hành hoặc có một chương trình, mục tiêu, một chương trình hỗ trợ phát triển ngành nghề được Chính phủ ban hành thì lại xuất hiện thêm nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản và các công trình chuyên dụng của từng ngành.

Đại biểu Phương cho biết cử tri ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) phản ảnh việc xây dựng các trung tâm dạy nghề cấp huyện xong nhưng khai thác không hiệu quả.

Đại biểu này cũng nêu ngay tại các xã nông thôn mới, nhà văn hóa đóng cửa nằm sát ngay bên cạnh hội trường của xã.

“Điều này dẫn đến lãng phí không nhỏ, nếu cơ cấu lại nguồn kinh phí đầu tư thì có thể tập trung xây dựng được những cơ sở cung cấp dịch vụ công đa năng, đa dụng” - đại biểu Đặng Xuân Phương nói.

Đại biểu Phương cho biết kinh nghiệm ở một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc cho thấy họ hướng tới mô hình cung ứng dịch vụ công đa năng, đa dụng trong các công sở.

Các dịch vụ công như trợ giúp pháp lý, tư vấn việc làm, xúc tiến du lịch, dạy nghề và các dịch vụ công khác có thể kết hợp trong cùng một trụ sở hoặc kết hợp luôn trong đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thư viện, phòng tập thể thao... ở cấp xã hay cấp huyện.

Với tư duy quản lý ngành manh mún như hiện nay, nếu không đổi mới được sẽ tiếp diễn tình trạng đầu tư xây dựng các công trình đơn điệu, nghèo nàn về nội dung.

“Thư viện, nhà văn hóa vẫn sẽ đóng cửa ngay sau giờ hành chính, trong khi sau đó mới là thời gian mọi người có thể được nghỉ ngơi thư giãn hưởng thụ. Trẻ em không có nơi đọc sách, giao lưu với nhau chắc chắn sẽ phải tìm thú vui trong các trò chơi game và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác.

Tôi đề nghị quy định rõ chính sách ưu tiên đầu tư cho các cơ sở dịch vụ là tài sản công được quản lý, sử dụng một cách đa dạng, đa mục tiêu để khắc phục tình trạng lãng phí” - đại biểu Phương nói.

Cũng đề cập việc xây trụ sở, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng dự thảo đưa ra hai mô hình là trụ sở làm việc độc lập và khu hành chính tập trung.

Nhưng theo ông, nên thiết kế lại và hướng ưu tiên vào mô hình khu hành chính tập trung nhằm tăng cường hiệu quả trong đầu tư, hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún như hiện nay.

Phải minh bạch

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đánh giá việc dự thảo quy định các hình thức công khai tài sản công, gồm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, niêm yết công khai, công bố tại các kỳ họp... là chưa đảm bảo việc giám sát thường xuyên của người dân.

“Tôi đề nghị công khai trên chính tài sản công đó. Gồm các thông tin cơ bản như cơ quan quản lý tài sản công, đối tượng được giao sử dụng tài sản công. Mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng...” - ông Cảnh nêu.

Theo ông Cảnh, đối với đất đai, trụ sở sẽ gắn biển hiệu. Đối với phương tiện, thiết bị thì dán nhãn. Quy định như vậy người dân sẽ dễ dàng theo dõi, đánh giá lại việc sử dụng xe công lãng phí là do sử dụng không đúng tiêu chuẩn hay do sử dụng chưa đúng mục đích.

Một vấn đề khác đang được dư luận rất quan tâm là khoán xe và khoán nhà, được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đánh giá dự thảo luật mới chỉ dừng ở mức nêu vấn đề. Còn nhiều khía cạnh liên quan đến cơ chế khoán xe chưa được dự thảo luật giải quyết một cách thấu đáo.

Cụ thể, về cơ chế, dự thảo luật chưa quy định rõ khoán xe là áp dụng bắt buộc hay chỉ mang tính tự nguyện.

Theo bà Mai, việc khoán xe chỉ nên áp dụng ở cơ chế tự nguyện, không bắt buộc, vì xe là phương tiện, là điều kiện làm việc.

Về mức khoán, dự thảo luật cũng chưa làm rõ cách tính mức khoán hiện tại, việc áp dụng thí điểm ở mỗi cơ quan là khác nhau. “Bộ Tài chính thực hiện tính theo kilômet, nhưng một số các cơ quan dân cử thì thực hiện theo khoán gọn hằng tháng” - đại biểu Mai nói.

Riêng đối với nhà công vụ, bà Mai đề nghị cân nhắc thận trọng khi áp dụng thành một chủ trương lớn, đồng thời nếu khoán nhà công vụ thì ngân sách nhà nước hằng năm sẽ phải chi trả một khoản không nhỏ.

Theo Viễn Sự

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên