Lạng Sơn xuất nhập khẩu nông sản qua cửa khẩu nhộn nhịp trở lại
Xe nông sản xếp hàng chờ nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh.
Kể từ khi Trung Quốc chính thức mở cửa biên giới ngày 8/1/2023, hàng nông sản xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
- 16-02-2023Để thu nhập bình quân (PPP) tăng gấp đôi lên 10.000 USD, Thái Lan cần 14 năm, Indonesia cần 13 năm, Việt Nam cần mấy năm?
- 14-02-2023Đối tác thương mại duy nhất của Việt Nam có kim ngạch xuất nhập khẩu trên 10 tỷ USD trong tháng 1/2023
- 13-02-2023Một thành phố trực thuộc TW đặt mục tiêu GRDP bình quân trên 29.000 USD
Hiện Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa qua 5 cửa khẩu gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam và Ga Đồng Đăng với khoảng 1.000 lượt xe xuất nhập khẩu mỗi ngày. Do nhu cầu về rau và trái cây của Việt Nam từ phía Trung Quốc là rất lớn nên thời điểm sau Tết nguyên đán giá một số mặt hàng trái cây như sầu riêng, thanh long, xoài, mít…đã tăng nhẹ. Cùng với đó, tình trạng ùn ứ xe nông sản qua các cửa khẩu cũng không xảy ra.
Chỉ mất chưa đến 30 phút làm thủ tục, xe hàng chở 50 tấn mít và xoài của doanh nghiệp tư nhân Hà Trung Đức đã thông quan nhanh chóng qua của khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn mang hàng cho đối tác phía Trung Quốc. Theo anh Hà Trung Đức, mọi năm vào thời điểm này thường xảy ra ùn tắc do nhiều nông sản khác như thanh long, dưa hấu, sầu riêng ồ ạt đưa lên cửa khẩu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay khu vực xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh tương đối thoáng đãng, các xe chở nông sản không phải chen chúc chờ đợi nên chất lượng trái cây khi giao cho đối tác vẫn giữ được mẫu mã tươi, ngon.
Xe nông sản xếp hàng chờ xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh.
“Từ lúc xe vào trong bãi đến khi xe đi nếu nhanh là 30 phút đến 1h, nếu chậm thì tùy số lượng xe vào bãi có thể lâu hơn. Có 24 tấn mít, 26 tấn xoài lấy ở vựa trong Nam. Hôm nay có cả xe tồn lại và xe ở ngoài vào thì cũng lâu, còn thủ tục vẫn thế” - anh Hà Trung Đức nói.
Ở chiều ngược lại, những xe hàng nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc về Việt Nam cũng tương đối thuận lợi. Nhập khẩu hơn 64 tấn hành tây về Việt Nam tiêu thụ, bà Phạm Thị Sơn, một doanh nghiệp tư nhân ở Bắc Ninh cho biết: “Để đưa nông sản vào được thị trường Việt Nam, phía đối tác Trung Quốc phải cung cấp cho doanh nghiệp đầy đủ giấy kiểm dịch thực vật, nơi sản xuất, đóng gói mới có thể làm thủ tục thông quan”.
Theo bà Phạm Thị Sơn, những xe chở rau củ phần lớn không có thiết bị làm lạnh nên việc thông quan nhanh chóng sẽ giúp rau củ không bị thối, hỏng: “Trong quá trình đi thông quan nhanh lắm, ngày nào đi về ngày đấy. Đông nhất là mùa dưa hấu, mùa xoài, xe xuất rất nhiều. Còn nhập thì trung bình, không mấy khi bị tắc nghẽn. Xe xuất khẩu do phía Trung Quốc không nhận mới tắc nghẽn, xe nhập hàng thì bất cứ lúc nào về cho nhập ngay”.
Theo thống kê của Cục Hải quan Lạng Sơn, từ đầu năm đến nay đã có trên 1.360 lô hàng hoa quả các loại với gần 220.000 tấn đã được xuất khẩu qua 5 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, hơn 1 tháng rưỡi qua, quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt gần 23.000 tấn với giá bán tăng khá so với trước đây (giá hiện tại từ 80.000-100.000 đồng/kg, trong khi giá cuối năm 2022 khoảng 70.000 đồng/kg). Riêng tại cửa khẩu Tân Thanh, Hải quan cửa khẩu Tân Thanh đã làm thủ tục xuất khẩu cho trên 800 lô hàng hoa quả, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, mặc dù hoạt động xuất khẩu nông sản đã cơ bản được khôi phục trở lại song việc xuất nhập cảnh của con người vẫn bị nước bạn kiểm soát chặt chẽ dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí khi vận chuyển sang Trung Quốc.
“Từ 8/1/2023 đến nay, phía Trung Quốc đã nới lỏng công tác phòng chống Covid-19, tuy nhiên hoạt động xuất nhập cảnh đối với con người vẫn chưa được thông thương bình thường. Do đó, các phương tiên khi chở hàng sang Trung Quốc phải về ngay trong ngày. Vì vậy xe chở hàng sang chưa trả hàng được ngay đã phải cắt đầu kéo về Việt Nam, điều này gây khó khăn cũng như chi phí với các chủ hàng” - ông Phùng Văn Ba nói.
Nhân viên hải quan kiểm tra thông tin xe nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh.
Để các loại hoa quả xuất khẩu được thông quan thuận lợi nhất trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tài, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... và nhất là xóa bỏ quan điểm Trung Quốc là thị trường dễ tính.
“Muốn vào được thị trường Trung Quốc bây giờ thì phải xem ai là người xuất hàng, hàng hóa ấy có mã vùng trồng hay không, có đáp ứng được vệ sinh an toàn thực phẩm về nhãn, mác hay không và ai là người bên Trung Quốc nhập... Bây giờ không phải như ngày xưa nữa mà cứ kéo hàng lên là có thể xuất hàng dễ dàng sang Trung Quốc” - ông Nguyễn Anh Tài nói.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới, những tháng tiếp theo hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tại Lạng Sơn dự báo sẽ tiếp tục gia tăng đáng kể, đặc biệt khi những nông sản chủ lực của Việt Nam sắp bước vào chính vụ. Ngoài cách thức truyền thống là đưa hàng lên cửa khẩu để xuất sang Trung Quốc qua đường bộ, cơ quan chức năng địa phương khuyến cáo doanh nghiệp có thẻ vận chuyển hàng bằng đường sắt để tránh ùn ứ trong những giai đoạn cao điểm./.
VOV