Lãnh đạo ACB hé lộ kế hoạch chia cổ tức tiền mặt và mục tiêu lợi nhuận năm 2023
Ngân hàng ACB mới đây đã có cuộc họp với các chuyên gia phân tích, trong đó hé lộ về kế hoạch hoạt động kinh doanh trong năm 2023.
- 10-02-2023"Biết thế gửi tiết kiệm"
- 10-02-2023Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 2,78 tỷ USD?
- 09-02-2023Lãi vay mua nhà tăng cao, nhiều người ngậm ngùi tìm nhà thuê
Theo cập nhật của Công ty chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV), tại cuộc họp này, lãnh đạo ACB cho biết tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ bám sát mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 14-15%. Tăng trưởng huy động thấp hơn và sát với tín dụng, ước đạt 10%. Lợi nhuận trước thuế kế hoạch cho năm 2023 là trên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu cụ thể phải chờ Đại hội đồng cổ đông vào tháng 4 tới.
Đáng chú ý, ACB đang có kế hoạch trả cổ tức với tỷ lệ tương tự 2021 là 25% nhưng tỷ lệ bằng tiền và bằng cổ phiếu chưa được xác định và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh, năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ACB tăng 42,6% đạt 17.114 tỷ đồng, vượt 13,5% kế hoạch năm. Các chỉ số khả năng sinh lời ấn tượng, ROE đạt 26,5% và ROA 2,4%.
Thu thuần từ hoạt động dịch vụ 2022 của ngân hàng đạt 3.526 tỷ, tăng 21,8%. Trong đó, thu từ bancassurance đạt 1.954 tỷ, tăng 31%; thu từ dịch vụ thẻ đạt 663 tỷ (tăng 86%); thu từ dịch vụ thanh toán quốc tế tăng 36%, đạt 358 tỷ; thu từ dịch vụ chứng khoán và các dịch vụ tài khoản lần lượt giảm 34% và 36%.
ACB cho biết, hoạt động bán chéo sản phẩm bảo hiểm của ngân hàng bị ảnh hưởng một phần bởi các chính sách của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tuy nhiên không đáng lo ngại. Kỳ vọng mảng kinh doanh này tiếp tục tăng trưởng trên 30% hằng năm.
Chất lượng tài sản ACB vẫn thuộc top đầu ngành, trong đó, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 là 0,74%. Dự phòng bao phủ nợ xấu 155%. Ngân hàng có tỷ lệ cho vay bán lẻ (cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa) là 93%, tương đương cuối năm 2021. Khả năng trả nợ của khách hàng đã quay trở lại và giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản nợ tái cơ cấu lên tới 19,1 nghìn tỷ nên ACB vẫn sẽ thu hồi được tiếp nợ tái cơ cấu. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng theo Basel II đạt 12.8%.
Về dư nợ các khoản vay bất động sản là khoảng 99,3 nghìn tỷ, chiếm 24% tổng danh mục cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay cá nhân mua nhà (chiếm 82% tổng danh mục cho vay liên quan bất động sản). Cho vay mua nhà dự án là khoảng 2.000 tỷ. ACB dự kiến vẫn sẽ cho vay bất động sản với khẩu vị rủi ro chặt chẽ.
Tổng nguồn vốn huy động của ACB tăng 13,2% trong năm 2022. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi khách hàng ở mức khả quan 9%. Tỷ lệ CASA giảm 3,2 điểm % xuống 22,3%, tuy nhiên vẫn thuộc Top 5 và là một trong số ít các ngân hàng có CASA giảm chậm.
Lý giải việc CASA giảm, lãnh đạo ACB cho biết do ngân hàng phải tăng trưởng huy động tiền gửi có kỳ hạn để cân đối nguồn vốn. Dự báo xu hướng CASA của ngân hàng sẽ giảm trong 6 tháng đầu năm 2023 và phục hồi từ quý 3. Ngân hàng đặt mục tiêu CASA tiếp tục thuộc Top 5 toàn ngành, đạt trên 26%.
Ban lãnh đạo ACB cho biết hầu hết các khoản vay hiện giờ của ngân hàng chỉ có lãi suất cố định trong 3 tháng đầu và tái định lại liên tục để phù hợp với tốc độ tăng của lãi suất huy động. Ngoài ra, ACB cho biết lãi huy động của ngân hàng đang ở mức phù hợp với nhu cầu và đủ cạnh tranh nên sẽ không tăng. Kỳ vọng NIM 2023 giữ ổn định do lãi suất vẫn sẽ cao trong nửa đầu năm.
Nhịp sống thị trường