Lãnh đạo HĐND tỉnh Gia Lai bị tố 'can thiệp' án trăm tỷ sẽ bị xử lý thế nào ?
Tỉnh uỷ Gia Lai đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh này để bỏ phiếu liên quan đến việc xử lý ông Đặng Phan Chung (Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai) liên quan đến dấu hiệu "can thiệp" án trăm tỷ đồng.
Chiều 10/7, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, Tỉnh uỷ Gia Lai đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh này để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền vào chiều cùng ngày. Hội nghị này để bỏ phiếu xử lý đối với ông Đặng Phan Chung (Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Gia Lai) liên quan đến dấu hiệu "can thiệp" vụ án doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi (địa chỉ ở TP Pleiku, Gia Lai) yêu cầu một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai phải bồi thường khoảng 117 tỷ đồng.
Cũng theo nguồn tin, tỉ lệ bỏ phiếu xử lý đối với ông Chung cụ thể như sau: Không kỷ luật 1/45, khiển trách 17/45, cảnh cáo 19/45, cách chức vụ Uỷ viên Ban thường vụ 1/45, cách chức Uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ 5/45, cách tất cả chức vụ trong Đảng 2/45.
"Đây là việc lấy phiếu mang tính tham khảo, còn phương án xử lý tiếp theo ra sao sẽ được quyết định sau", một Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai nói.
Trước đó, đầu tháng 6/2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện kiểm tra việc giải quyết đơn tố cáo và xem xét việc thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đối với ông Đặng Phan Chung. Bởi vì thời điểm ông Chung bị doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã vào cuộc giải quyết và “đa số thống nhất không kỷ luật”.
Báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết chỉ ra những sai phạm của ông Chung khi có dấu hiệu liên quan đến việc can thiệp án trăm tỷ đồng. Cụ thể, việc này xảy ra từ năm 2015, khi doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi ký hợp đồng thế chấp 20 nghìn tấn sắn lát khô cho một ngân hàng chi nhánh ở Gia Lai để vay vốn kinh doanh. Tháng 3/2016, kho hàng bị cháy toàn bộ, thiệt hại trong kho ước tính hơn 105 tỷ đồng.
Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi nhiều lần yêu cầu phía ngân hàng phối hợp giải quyết hoặc bồi thường thiệt hại nhưng không được nên đã khởi kiện vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản” khoảng 117 tỷ đồng (hàng hoá, nhà kho, tiền lãi) ra Toà án nhân dân thành phố Pleiku. Ngày 3/4/2018, TAND TP Pleiku xét xử sơ thẩm vụ án trên (buộc phía ngân hàng bồi thường cho Doanh nghiệp tư nhân Phú Lợi hơn 115 tỷ đồng), không chấp nhận án sơ thẩm, phía ngân hàng đã kháng cáo.
Ngày 18/5/2018, ông Chung ký văn bản số 537 gửi lãnh đạo TAND tỉnh Gia Lai về việc yêu cầu cung cấp hồ sơ, đề nghị “Uỷ ban Thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo TAND TP Pleiku báo cáo về quan điểm giải quyết vụ án, yêu cầu ông Ngô Thanh Quảng (thẩm phán, chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm trong vụ án trên tại TAND TP Pleiku) viết bản giải trình”.
Cũng trong khoảng thời gian này, ông Chung còn ký công văn số 546 gửi lãnh đạo Viện KSND tỉnh Gia Lai với nội dung yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ án trên để “phục vụ việc giải trình”.
Từ đây, cục diện bản án thay đổi hoàn toàn. Tới ngày 29/8/2018, tại trụ sở TAND tỉnh Gia Lai công khai xét xử phúc thẩm vụ án trên, tuyên huỷ án sơ thẩm ngày 3/4/2018 của TAND TP Pleiku, chuyển hồ sơ cho TAND TP Pleiku giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Ngô Thanh Quảng (nguyên thẩm phán TAND TP Pleiku, chủ toạ phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án trên) khẳng định rằng, việc ông Chung gửi văn bản (số 537) là can thiệp rõ ràng; động cơ việc yêu cầu báo cáo đó không trong sáng. Điều này có nghĩa yêu cầu toà án báo cáo đường lối giải quyết vụ án trước khi xét xử là can thiệp thô bạo.
Cùng quan điểm với ông Quảng, một vị lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai thẳng thắn nói, ông Chung yêu cầu thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai và lãnh đạo TAND TP Pleiku “báo cáo quan điểm” xử lý một vụ án trước khi đưa ra xử phúc thẩm chẳng khác gì “chạy án”.
Tiền Phong