Lãnh đạo ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank kiến nghị gì với NHNN?
Nhiên cứu điều chỉnh hệ số rủi ro và các chi phí an toàn vốn rủi ro theo Thông tư 41 đối với các lĩnh vực tín dụng xanh, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu,... là những đề xuất mà các lãnh đạo ngân hàng đưa ra tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng mới đây.
Ngày 24/7, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 24/7, lãnh đạo các tổ chức tín dụng đã có chia sẻ và đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện tại.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT ngân hàng VietinBank chia sẻ, đến ngày 30/6, tăng trưởng tín dụng của VietinBank đạt 6,7%, đến ngày 23/7 đạt 7%.
Đại diện VietinBank kiến nghị, NHNN sớm xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia đầu tư phát triển xanh bền vững. Đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh hệ số rủi ro và các chi phí an toàn vốn rủi ro theo Thông tư 41 đối với các lĩnh vực tín dụng xanh. Trên cơ sở đó tạo ra được cơ chế chi phí tài chính khuyến khích các ngân hàng có lãi suất hợp lý trong việc thúc đẩy cho vay lĩnh vực tín dụng xanh, phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV cho biết, 2024 là năm có dấu mốc quan trọng đối với ngành ngân hàng khi Luật các TCTD 2024 đã được Quốc hội thông qua và ban hành. Việc đưa các nội dung của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Các vấn đề thực tiễn và dự báo hoạt động ngân hàng của Luật là một thành công rất to lớn của ngành ngân hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, để Luật các TCTD 2024 phát huy hiệu quả trong thực tiễn, ông Tú kiến nghị, NHNN tiếp tục ban hành các thông tư hướng dẫn đối với các lĩnh vực mà Luật Các TCTD đã quy định nhưng chưa có hướng dẫn quy định cụ thể, ví như: hoạt động bảo hiểm, lưu trữ hồ sơ tín dụng. Hay tại Luật Các TCTD 2024 quy định người có liên quan rất rộng, điều này đang gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc kiểm soát những người có liên quan... Do đó, Chủ tịch BIDV đề nghị NHNN quan tâm khi xử lý yêu cầu cung cấp thông tin và quản lý các thông tin liên quan một cách phù hợp.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV ngân hàng Agribank cho biết, trong những năm qua, Agribank đã quyết liệt, nỗ lực thực hiện thành công 2 giai đoạn cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu (giai đoạn 2013-2015 và giai đoạn 2016-2020). Ngân hàng đã 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi, giúp Agribank thực hiện thành công Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, ông Phạm Đức Ấn đề nghị các bộ, ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về việc bán nợ theo giá thị trường theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng năm 2024 (thay thế Thông tư số 09/2015/TT-NHNN).
Chủ tịch HĐTV Agribank cũng đề nghị Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để Agribank đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, từ đó có điều kiện tăng năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động.