MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói gì về khả năng giảm tiếp các loại lãi suất?

31-03-2023 - 15:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Chiều 31/3, lãnh đạo NHNN cho biết, cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm, dẫn đến hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng mặc dù thanh khoản dư thừa lớn thời gian qua. Số dư tiền gửi của các NHTM tại NHNN là rất lớn, kéo dài từ tháng 2 đến nay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói gì về khả năng giảm tiếp các loại lãi suất? - Ảnh 1.

Trụ sở NHNN. Ảnh: Minh Vy

Tại họp báo của Ngân hàng Nhà nước chiều 31/3, ông Nguyễn Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thị trường quốc tế đang có những biến động, dẫn đến nhiều Ngân hàng Trung ương (NHTW) lớn đảo chiều chính sách nhanh chóng.

Vừa qua, một số ngân hàng Mỹ rơi vào khủng hoảng và phải đóng cửa, tiếp đến một số ngân hàng lớn tại châu Âu cũng lâm vào khó khăn. Giới chức Mỹ và châu Âu đã có giải pháp xử lý nhanh chóng để ổn định lại thị trường nên sự lan toả khủng hoảng đã được kiểm soát. Ông Quang khẳng định, những vụ sụp đổ ngân hàng ở nước ngoài không có tác động trọng yếu tới thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách tiền tệ của nhiều NHTW lớn có ảnh hưởng phần nào tới Việt Nam. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jeromy Powell từng có quan điểm cứng rắn với chính sách thắt chặt tiền tệ nhưng sau sự sụp đổi của SVB thì FED đã thay đổi quan điểm, chỉ tăng 0,25% lãi suất trong đợt gần nhất.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói gì về khả năng giảm tiếp các loại lãi suất? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ. Ảnh: Minh Vy

Trước cuộc họp của FED (ngày 23/3), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động đi trước, giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3. Điều này thể hiện sự tự tin của Chính phủ và NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc giảm lãi suất điều hành cũng là cơ sở để định hướn giảm lãi suất cho vay trên thị trường. Đến nay đã có 24 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay.

Theo số liệu do Tổng Cục Thống kê công bố, lạm phát của chúng ta trong tháng 3 giảm so với tháng trước, nhiều khả năng sẽ kiểm soát được dưới mức 4,5% như mục tiêu đã được Quốc hội đặt ra. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Ông Quang cho biết nhìn vào cơ cấu tăng trưởng GDP, hầu hết lĩnh vực trọng điểm có sự suy giảm, như xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng, khai khoảng giảm,….Đây là lý do dẫn đến cầu tín dụng thấp, tăng trưởng tín dụng không cao trong những tháng đầu năm. “Cầu tín dụng nền kinh tế suy giảm, dẫn đến hệ thống ngân hàng khó đẩy tín dụng cao mặc dù thanh khoản dư thừa lớn. Số dư tiền gửi tại NHNN là rất lớn, kéo dài từ tháng 2 đến nay. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng giảm xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 1,2%. Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên cầu tín dụng đang rất khó khăn khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra”, ông nói.

Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ nhấn mạnh lại, thời gian qua, NHNN luôn điều hành chỉ đạo hệ thống tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Trong bối cảnh kinh tế khá thuận lợi, lạm phát được kiểm soát như đã nói ở trên, các NHTW lớn như FED giảm tốc thắt chặt tiền tệ sẽ là điều kiện thuận lợi cho NHNN xem xét, có thể tiến tới giảm tiếp các mặt bằng lãi suất điều hành, kể cả mặt bằng lãi suất ngân hàng thương mại, như trần lãi suất huy động, trần lãi suất cho vay thời gian tới, khi điều kiện thị trường chín muồi.

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên