Lãnh đạo tập đoàn than: TKV không còn độc quyền nhập khẩu than
Tính đến hết tháng Chín, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than, tăng hơn 173% so với cùng kỳ năm 2015 và cũng tăng rất mạnh so với con số dự báo của Bộ Công Thương đưa ra từ đầu năm.
- 24-10-2016Bộ Tài chính đề nghị tăng kế hoạch xuất khẩu than lên 3-4 triệu/tấn năm
- 20-10-2016Lần đầu tiên kể từ 2012, giá than chạm mức 100 USD/tấn
- 14-10-2016Tăng trưởng đột biến, thị trường than vẫn gây hoài nghi
Tại buổi tọa đàm "Nhập khẩu than và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 24/10, tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn dẫn tới chênh lệch giá thành giữa than trong nước và nhập khẩu.
Cụ thể, theo ông Thọ, nhiều mỏ và hầm lò hiện nay, phải xuống độ sâu hơn 300m so với mặt biển mới có thể khai thác được than. Trong khi đó, thuế phí đánh trên than của Việt Nam đang cao hơn từ 5-7% so với nhiều nước trong khu vực.
Chưa kể giá than thế giới sụt giảm quá mạnh theo giá dầu những tháng đầu năm cũng khiến mức chênh lệnh giữa than trong nước và than thế giới tăng lên.
"Ngoài việc quản trị của ngành than thì tất cả chi phí và điều kiện khai thác là yếu tố làm tăng giá than trong nước," ông Thọ cho hay.
Về phía Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn phân tích, điều kiện khai thác than cộng với trình độ cơ giới hóa tại nhiều dây chuyền sản xuất còn thấp là yếu tố đẩy giá thành than trong nước lên cao.
Từ thực tế của ngành, ông Biên lý giải, trong khi Indonesia chỉ cần bóc dỡ 3 triệu khối đất là thu được 1 tấn than thì nhiều đơn vị của TKV phải bóc tới 11 khối đất, tức là gấp gần 4 lần.
"Chưa kể điều kiện khai thác ngày càng khó khăn và kém hiệu quả kinh tế hơn, nhưng TKV vẫn được giao nhiệm vụ mở rộng quy mô và tăng sản lượng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia," ông Biên nói.
TKV không còn độc quyền nhập khẩu than
Năm 2013 Việt Nam nhập 2,27 triệu tấn; năm 2014, sản lượng than nhập khẩu đạt gần 3,1 triệu tấn, tăng 36,3% so với năm 2013. Đến năm 2015, lượng than nhập khẩu đã vọt lên đến gần 7 triệu tấn, tăng tới 124,8% so với năm 2014.
Trong khi đó, theo Quy hoạch ngành than, đến năm 2017 Việt Nam mới nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn nhưng thực tế chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016 than nhập đã lên tới gần 10 triệu tấn, gấp đôi mức quy hoạch.
Mặc dù lượng than nhập khẩu ồ ạt như vậy, nhưng theo lãnh đạo Tổng cục năng lượng, điều đó chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi hiện nay, giá than nhập khẩu đã có xu hướng nhích lên, tiệm cận với giá trong nước, do vậy, nhiều hộ sản xuất đã quay lại mua và sử dụng than trong nước.
Bên cạnh đó, theo đại diện ngành than thì hiện nay TKV không còn độc quyền trong việc nhập khẩu và cung cấp than cho các hộ sản xuất và tiêu dùng.
Tuy nhiên, để có thể đảm bảo sự phát triển của ngành than, đại diện TKV cũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét giảm thuế phí cho ngành, điều đó sẽ giúp TKV giải quyết tồn khó, hoạt động có lãi để tiếp tục đầu tư mở rộng và nâng cao năng suất lao động./.
Vietnam+