Lãnh đạo tỉnh Thái Bình nói vụ Đường "Nhuệ": Đang tiếp tục mở rộng điều tra, không có vùng cấm
Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình nêu rõ, đối với vụ án Đường "Nhuệ", đến nay đã truy tố 3 vụ án, 12 bị can, đang điều tra 1 vụ án, 1 bị can và tiếp tục mở rộng điều tra.
- 22-07-2020Vợ Đường Nhuệ thao túng đấu giá đất: Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá khai bị đe dọa bắt cóc con gái
- 21-07-2020Đường Nhuệ nghe lệnh vợ, ép nạn nhân từ bỏ trúng đấu giá đất ở Thái Bình
- 15-07-2020Từ vụ đánh phụ xe khách, công an khám nhà Đường Nhuệ thu tài liệu thu 500.000 cho 1 ca hỏa táng
Sáng 23/7, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm.
Phát biểu tại điểm cầu Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 138 tỉnh Thái Bình cho biết, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm một số lĩnh vực gia tăng.
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tăng 125%, chống người thi hành công vụ tăng 50%. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã có chuyển biến tích cực, đã điều tra khám phá 454 vụ, bắt 1.453 bị can...
Nổi bật nhất trong 6 tháng đầu năm, theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình là điều tra xử lý vụ án liên quan đến vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ" ). Theo đó, sau khi vụ án được khởi tố điều tra, dư luận rất quan tâm.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng thông tin, thực hiện chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ đạo 138 quốc gia (Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình) và Bộ trưởng Công an, Thái Bình đã kiên quyết xử lý triệt để, không có vùng cấm.
Đến nay, vụ án Đường Nhuệ đã khởi tố 3 vụ án, 12 bị can và phục hồi điều tra 1 vụ án, 1 bị can. Đến hiện nay đã truy tố 3 vụ án, 12 bị can và đang điều tra 1 vụ án, 1 bị can. Hiện nay vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
"Qua việc điều tra, xử lý vụ án Đường Nhuệ được dư luận đánh giá rất cao, niềm tin đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm được nâng cao", lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình nói.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, thông qua vụ án này, tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm.
Trước hết là cần phải tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của BCĐ 138, các thành viên của BCĐ được phân công gắn trách nhiệm cụ thể. Những lĩnh vực xảy ra vi phạm gắn với trách nhiệm của thành viên.
Tiếp tục nâng cao phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt là vai trò của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.
Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác điều tra, nắm bắt tình hình, đặc biệt là xử lý tin tố giác tội phạm ban đầu.
Thông qua vụ án, phải chấn chỉnh rà soát để khắc phục những sơ hở thiếu sót trong công tác, ví dụ như quản lý địa bàn, quản lý nhà nước trong quản lý đất đai, đấu giá tài sản... Cùng với đó là sự phối hợp trong đấu tranh tội phạm giữa Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án.
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng kiến nghị, việc lắp đặt hệ thống camera giám sát có tác dụng trong phát hiện tội phạm, đề nghị quan tâm bố trí kinh phí để lắp đặt hệ thống đồng bộ.
Bên cạnh đó, phần lớn các băng nhóm tội phạm hoạt động đan xen, liên kết nhiều lĩnh vực như núp bóng doanh nghiệp, do đó đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh thành tăng cường trao đổi thông tin để nắm phối hợp.
Vẫn theo lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, tội phạm hiện nay diễn ra trên môi trường mạng ngày càng phức tạp xong không xử lý dứt điểm và đây là vấn đề hết sức lo ngại, tiềm ẩn nguy cơ tội phạm lợi dụng gây án nghiêm trọng.
Do đó, Thái Bình đề nghị BCĐ 138 chỉ đạo tăng cường hợp nữa công tác quản lý nhà nước trên môi trường không gian mạng, hạn chế thấp nhất những sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm.
Tổ Quốc