Lạnh giá cùng chi phí vận chuyển đắt đỏ đẩy giá khí gas tăng hơn 1000% chỉ trong 7 tháng qua, lên 29 USD/mmBtu
Thời tiết băng giá trên khắp châu Á và châu Âu đang khiến giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao kỷ lục và đẩy chi phí vận chuyển nhiên liệu trên toàn cầu tăng theo do người mua phải chật vật tìm nguồn cung giữa bối cảnh dự trữ khí gas dần cạn kiệt và thiếu hụt tàu vận chuyển.
- 13-01-2021Giá khí đốt tăng gấp 4 lần chỉ trong vòng hơn 1 tháng, lên cao nhất 7 năm
- 02-01-2021Thị trường ngày 2/1: Giá khí gas đạt ‘đỉnh’ 6 năm, khô đậu tương cao kỷ lục mọi thời đại
Nhu cầu LNG những năm gần đây liên tục tăng khi các khách hàng, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, dần từ bỏ những nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm để chuyển sang nguồn nguyên liệu sạch hơn. Thương mại LNG trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục chưa từng có kể từ 2015. Nhu cầu LNG của thế giới tăng khoảng 10%/năm trong giai đoạn 2017 – 2019, chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Một số nguồn tin cho rằng, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than đá Australia cũng góp phần đẩy giá tăng lên vì khách hàng Trung Quốc buộc phải tìm kiếm những nhà cung cấp khác.
Mặc dù vậy, giá vẫn tương đối thấp cho đến cuối năm 2019.
Nhưng khi thời tiết bất ngờ lạnh một cách bất thường và việc vận chuyển gặp khó khăn vì bị tắc nghẽn bởi dịch Covid-19 khiến giá tăng vọt.
Giá LNG giao ngay tại Châu Á đã tăng hơn 1.000% kể từ khi chạm mức thấp kỷ lục hồi tháng 5/2020, là dưới 2 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt lượng Anh), là thời gian các thị trường phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã đạt mức cao nhất 6 tuần trong ngày 12/1/2021, trong khi chi phí vận chuyển LNG từ Mỹ đến Châu Á đạt mức cao nhất mọi thời đại, một phần do tắc nghẽn ở kênh đào Panama, nơi tàu bè từ Vịnh Mỹ đến Thái Bình Dương phải đi qua.
Giá LNG ở Châu Á tăng mạnh cũng kéo theo giá khí tự nhiên ở nhiều nơi khác tăng theo. Giá LNG của Châu Âu giao dịch tại trung tâm TTF (tham chiếu cho thị trường Châu Âu) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm qua do khách hàng Châu Á mua mạnh và lượng mua đầu cơ ngay tại TTF cũng tăng lên. Theo đó, giá LNG tại TTF hôm 12/1 đạt 28,55 EUR/megawatt giờ, tương đương khoảng 7,8 USD/mmBtu, cao nhất kể từ quý 4/2018.
Cước phí thuê tàu chở dầu trung bình ngày trên tuyến Vịnh Mỹ Nhật Bản đã tăng lên 253.270 USD trong ngày 12/1, cao nhất kể từ khi Baltic Exchange bắt đầu công bố dữ liệu này (năm 2019). Cuối năm 2020, cước phí đó chỉ là 174.000 USD/ngày. Cước tàu chở LNG từ Vịnh Mỹ đến Châu Âu trong tuần đầu tháng 1/2021 cũng tăng lên mức kỷ lục cao là 320.000 USD/ngày.
Điều đó cũng tác động tới thị trường khí đốt Mỹ, nơi giá LNG không ngừng tăng trong những ngày qua, và dự báo sẽ còn tăng tiếp trong những ngày tới.
S&P Global Platts' Japan-Korea-Marker (JKM) – giá tham chiếu LNG thanh toán ngay tại Châu Á – đã tăng lên 28,221 USD/mmBtu đối với hợp đồng kỳ hạn tháng 2/2021. Các thương nhân trong lĩnh vực này cho biết, ít nhất đã có 1 công ty Nhật Bản trả giá cho 1 lô khí gas giao vào cuối tháng 1/2021 lên tới hơn 30 USD/mmBtu.
Giá LNG tại Châu Á đạt kỷ lục cao do thời tiết quá lạnh
Hôm 12/1, nhà giao dịch hàng hóa Trafigura đã mua của Total Gas và Power Asia 1 chuyến LNG có khối lượng 3,2 nghìn tỷ TBu (đơn vị nhiệt lượng Anh) kỳ hạn giao giữa tháng 4/2021 với giá 39,3 USD/mmBtu, theo dữ liệu của Platts. Theo tính toán của Reuters, lô hàng này trị giá gần 130 triệu USD, cao hơn khoảng 11% so với một lượng dầu mỏ tương đương khoảng 2 triệu thùng.
Các chuyên gia nhìn chung cho rằng, đây đang là thời điểm giá LNG đạt "đỉnh" của mùa Đông này, bởi khi thời tiết ấm lên và nguồn cung dần trở lại bình thường thì thị trường sẽ bớt căng thẳng.
Nhiệt độ ở Tokyo, Bắc Kinh, Seoul và Thượng Hải dự báo sẽ ấm lên trong vài tuần tới.
Nguồn cung dự báo cũng sắp tăng lên vì Shell đã nối lại việc chở khí đốt từ cơ sở nổi Prelude ở Australia, sau giai đoạn gần 1 năm cơ sở này ngừng hoạt động. Nguồn cung LNG từ Qatar, Nga và Mỹ cũng đang gia tăng, theo dữ liệu của Eikon.
Thêm một dấu hiệu nữa cho thấy giá khí gas có thể sắp quay đầu giảm, là cước phí cho tàu chở LNG từ Vịnh Mỹ đến Châu Âu tuần này đã giảm nhẹ từ mức cao kỷ lục, hiện là 310.691 USD/ngày (giảm khoảng 9,5 USD so với tuần trước).
Tuy nhiên, Goldman Sachs nhận định, những rắc rối về nguồn cung sẽ còn khiến thị trường LNG dễ bị tổn thowng cho đến hết quý I/2021.
Tham khảo: Refinitiv, Spglobal