Lào Cai chi 4.200 tỷ đồng xây cảng hàng không Sapa
Tại văn bản trình Thủ tướng xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Sapa, UBND tỉnh Lào Cai dự kiến tổng số vốn là 4.200 tỷ đồng.
- 21-04-2020Gấp rút triển khai xây sân bay Long Thành
- 16-04-2020Đại gia nào đứng sau kế hoạch xây sân bay 1 tỷ USD trên đảo ở Vũng Tàu?
- 15-04-2020Chốt địa điểm xây sân bay 1 tỷ USD, liệu nơi này có sốt đất?
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường ký trình Thủ tướng ngày 4/5 nêu rõ: Cảng hàng không Sa Pa được xây dựng tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đạt tiêu chuẩn là Cảng hàng không cấp 4C (theo phân cấp của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO) và sân bay quân sự cấp II đạt công suất 1,5 triệu hành khách/năm.
Phối cảnh Dự án Cảng hàng không Sapa.
Theo UBND tỉnh Lào Cai, dự án cảng hàng không Sapa sẽ được đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 1,5 triệu hành khách/năm; xây dựng đường giao thông kết nối cảng hàng không với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có quy mô 2 làn xe.
Số tiền 4.200 tỷ đồng đầu tư dự án sẽ được huy động từ vốn ngân sách địa phương, vốn chủ sở hữu và vốn vay tín dụng. Trong đó, vốn ngân sách địa phương gần 1.200 tỷ đồng.
Phần kinh phí Nhà nước tham gia trong dự án theo hình thức vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án. Hỗ trợ cho các hạng mục giải phóng mặt bằng, đường trục vào cảng, tháp không lưu và một phần san tạo mặt bằng (bao gồm cả phần xây lắp và các chi phí liên quan).
Dự án cảng hàng không Sapa sẽ được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Dự án có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) 11,02 %, tỷ suất lợi ích - chi phí (B/C): 1.033, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 11,7%. Thời gian hợp đồng dự án: 50 năm. Trong đó, thời gian xây dựng dự kiến 4 năm. Thời gian vận hành, khai thác và thu phí hoàn vốn là 46 năm.
Doanh nghiệp dự án thực hiện việc quản lý, kinh doanh công trình phù hợp với các quy định của pháp luật và theo các điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng dự án.
Sau khi hết thời gian kinh doanh công trình theo quy định, Nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo các điều kiện quy định tại hợp đồng dự án và các quy định khác.
Dự án Cảng Hàng không Sapa từng gây tranh cãi về mức tổng đầu tư. Tháng 12/2019, Cục Hàng không Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND tỉnh Lào Cai công bố điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Sa Pa đến năm 2030. Điều chỉnh quy hoạch được công bố tại quyết định số 2108/QĐ-BGTVT ngày 7/11/2019.
Theo quy hoạch điều chỉnh, Cảng Hàng không Sa Pa được xây dựng theo tiêu chuẩn sân bay 4C với công suất 3 triệu hành khách/năm; khai thác loại máy bay code C hoặc tương đương với 9 vị trí đỗ máy bay.
Tổng mức đầu tư toàn bộ các công trình của cảng hàng không Sa Pa cũng được điều chỉnh từ 5.903 tỷ đồng lên 7.110 tỷ đồng.
VTC News