Lao đao vì giá lợn giảm nhưng bia mới là mảng kinh doanh gây thất vọng nhất của Masan trong nửa đầu năm
Doanh thu thuần của Masan Brewery giảm xuống còn 36 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2017 so với mức 543 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.
- 28-07-2017Chịu tác động nặng từ giá heo giảm, lãi ròng quý 2 của Masan Group (MSN) giảm tới 72% so với cùng kỳ
- 01-02-2016Singha đã chuyển 650 triệu USD vào Masan, nhưng chỉ 50 triệu USD 'chảy' vào sản xuất
- 29-12-2015Singha chỉ đầu tư vào mảng bia của Masan 50 triệu USD
CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2017 với kết quả không mấy tích cực.
Doanh thu thuần trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của Masan giảm 13,4% trong 6 tháng đầu năm xuống 5.496 tỷ đồng do những nỗ lực nhằm thúc đẩy tỷ lệ hàng bán đến người tiêu dùng và giảm hàng tồn kho tại nhà phân phối. Những ngành hàng bị ảnh hưởng chủ yếu bởi quyết định này bao gồm gia vị, thực phẩm tiện lợi, bia và cà phê hoà tan.
Trong đó, bia là mảng kinh doanh có mức sụt giảm đáng kể nhất. Theo số liệu từ Masan Brewery, doanh thu thuần của đơn vị giảm xuống còn 36 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, giảm 93,4% so với mức 543 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016. Chiết khấu bán hàng trong 6 tháng đầu năm tăng lên 160 tỷ đồng so với 51 tỷ đồng cùng kỳ, do quyết định cắt giảm mức tồn kho hiện tại.
Masan Brewery là công ty con của Masan hoạt động chính trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Masan đã mua lại Masan Brewery năm 2013 và tung ra thương hiệu Sư Tử Trắng nhắm tới phân khúc bia trung cấp. Masan Brewery cùng với Masan Consumer (MCH) là 2 nhánh kinh doanh của Masan Consumer Holdings.
Năm 2016, hãng bia Thái Lan Singha đã rót 600 triệu USD để đầu tư vào Masan Consumer Holdings và rót trực tiếp 50 triệu USD mua 33% cổ phần của Masan Brewery, qua đó định giá công ty bia của Masan ở mức 150 triệu USD.
Masan đã định hình thị trường chính cho Masan Brewery là tập trung vào Khu vực đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh phía Nam, thị trường vốn được chiếm lĩnh bởi các sản phẩm của Sabeco.
Xuất hiện trên thị trường từ tháng 09/2013, Thương hiệu Sư Tử Trắng đã nhanh chóng đạt được sự tăng trưởng nhờ kinh nghiệm trong ngành FMCG của Masan và sở hữu mạng lưới phân phối. Tuy cạnh tranh trực tiếp với đối thủ lớn Sabeco tại các thị trường mà công ty nhắm đến nhưng sản lượng bán ra của thương hiệu này vẫn tăng trưởng tốt.
Doanh thu năm 2015 của Masan Brewery đã đạt hơn 706 tỷ đồng với sản lượng tiêu thụ đạt 45 triệu lít. Bộ phận kinh doanh này tiếp tục ghi nhận tăng trưởng hai con số trong năm 2016.
Tuy nhiên, sự sụt giảm đáng kể của doanh thu trong nửa đầu năm 2017 có thể là tín hiệu không tốt trong chiến lược dài hạn của mảng kinh doanh này.
Một thành viên cao cấp của Masan từng cho biết, bia Sư tử trắng sẽ tập đoàn này xây dựng để trở thành một thương hiệu bia Quốc gia. "Thị trường bia Việt Nam hiện đang cạnh tranh rất mạnh, tuy nhiên tính địa phương rất cao. Chẳng hạn ở phía bắc là bia Hà Nội của Habeco, phía Nam là bia Sài Gòn của Sabeco, còn miền trung là Larue, Huda,... Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu bia riêng của quốc gia và Sư tử trắng đang xây dựng chiến lược theo hướng nay", vị đại diện của Masan chia sẻ.
Từ kết quả không tích tích cực, ban Giám đốc Masan Brewery cũng hạ kỳ vọng doanh thu cho cả năm 2017 chỉ còn khoảng 700 tỷ đồng, tức đạt 70% kế hoạch đã đề ra. Dù vậy, để đạt được điều này, doanh thu từ mảng bia cần đạt hơn 660 tỷ đồng trong nửa cuối năm.
Hiện Masan Brewery có hai nhà máy sản xuất. Trong đó, một nhà máy đặt tại tỉnh Phú Yên (miền Trung) công suất 50 triệu lít/năm, và nhà máy còn lại đặt tại tỉnh Hậu Giang (đồng bằng Sông Cửu Long) với công suất 100 triệu lít/năm.