MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động 'ba không' lao đao thời dịch bệnh

Lao động “3 không”: thu nhập không ổn định, không có bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế đang lao đao, khốn khổ hơn khi nhà hàng, quán đóng cửa, phá sản trong dịch Covid-19.

Không dám về quê

Tối muộn ngày 16/3, chúng tôi quay trở lại khu phố Tây Bùi Viện (quận 1, TPHCM) sau 2 ngày có lệnh tạm đóng cửa quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim… nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19.

Tú (22 tuổi), nhân viên quán bar N. đang cặm cụi lau dọn sàn nhà, cho biết: “Quán tạm nghỉ, người thì về quê, đứa tìm việc tạm thời. Còn em chưa biết làm gì nên xin chủ cho ở lại trông coi, dọn dẹp”. Tú quê Phú Yên, vào Sài Gòn được 5 năm. Do chỉ học hết lớp 9 nên không xin được việc ở công ty, nhà máy. Nhờ biết chút ít tiếng Anh bồi mới được quán bar cho chân chạy bàn. “Ngoài hợp đồng viết tay, lương thỏa thuận 3 triệu đồng/tháng thì em không có thêm khoản nào khác. Thu nhập ở đây khoảng chục triệu đồng/tháng chủ yếu tiền bo của du khách. Làm được bao nhiêu em đều gửi hết về quê. Giờ mất việc, thực sự không biết sống thế nào” - Tú nói.

“Tôi không dám về quê lúc này. Ở lại xin phụ bán hàng còn được dăm ba triệu đồng, chứ về quê đói là chắc”,  Lê Mộng Thùy, 30 tuổi (quê Phan Rang) nói. Thùy là nhân viên tiếp thị bia tại quán BeerClub trên đường Trần Văn Kiểu (Q.6). Ngày 16/3, Thùy nhận được tin nhắn thông báo tạm nghỉ, khi nào hết dịch Covid-19 tính tiếp. Thùy tâm sự: “Lương của tôi phụ thuộc vào doanh số bán bia, do vậy không cố định,  có lúc được cả chục triệu, lúc vài trăm ngàn đồng. Cuối tháng mới được nhận. Nghỉ làm nhưng tôi vẫn phải chi đủ loại tiền: Tiền thuê nhà trọ, ăn uống; tiền gửi về quê nuôi 2 con đi học…”.

Đa số nhân viên phụ quán, bưng bê, chạy bàn các cơ sở massage, quán karaoke, quán bar, vũ trường, nhà hàng… là lao động theo thời vụ, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Khi bị nghỉ việc đồng nghĩa với việc ra đi tay trắng. Một nhân viên ở nhà hàng Trung Quốc tại quận 5, bộc bạch: “Hiện nay Trung Quốc, Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhà hàng cô đang bị tạm ngưng hoạt động từ đầu tháng 3, gần 20 nhân viên đều nghỉ việc không lương. Nhiều chị em bế tắc vì họ là trụ cột kinh tế cả một gia đình ở quê”.

Cùng chia sẻ, vượt khó

Bà Nguyễn Thị Minh Chuyên, Giám đốc Công ty Dịch vụ việc làm 247 cho biết, từ Tết đến nay, nhu cầu tìm việc của người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN) tìm người đều sụt giảm hơn 50%. “Thị trường LĐ đang chịu những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch, dịch vụ, nhà hàng - khách sạn, vận tải, may mặc… NLĐ bị mất việc làm hoặc có nguy cơ mất việc làm tập trung ở nhóm lao động thời vụ, lao động phổ thông, trình độ chuyên môn, tay nghề thấp. Để hỗ trợ NLĐ, chúng tôi ưu tiên giới thiệu những việc làm thời vụ phù hợp như giúp việc gia đình, giao hàng, bán hàng theo ca, bán hàng trực tuyến...”,  bà Chuyên chia sẻ.

Theo TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm để DN, cơ sở kinh tế đào tạo lại nguồn LĐ, nâng cao trình độ cho nhân viên. Chắc chắn sau dịch Covid-19, nhiều nhà hàng, khách sạn sẽ thiếu lao động. Vì vậy, doanh nghiệp nhà hàng... cần có chính sách giữ người, cũng như cố gắng đào tạo lại lực lượng LĐ.

LS Nguyễn Minh Tâm (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19 bắt buộc thu hẹp sản xuất, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động… thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, cắt giảm nhân công. “Tuy nhiên, khi chấm dứt phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến ngành dịch vụ, phục vụ. Do đó, việc sa thải hay cắt giảm lao động để duy trì công ty là điều đương nhiên. Lúc này, NLĐ nên chấp nhận và chia sẻ gánh nặng với DN, đồng thời chú ý giữ gìn sức khỏe. NLĐ làm trong ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn ở các tỉnh khác lên TPHCM có thể tạm thời về quê để gần gũi gia đình, giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt khi ở TPHCM.

Duy Quang


Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên