MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lao động nước ngoài vào Việt Nam: Tăng sếp, giảm lao động kỹ thuật

Tính đến hết tháng 7/2019, có trên 91.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó 81.900 người thuộc diện cấp giấy phép...

Theo tổng hợp của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến hết tháng 7/2019, có 91.200 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó 81.900 người thuộc diện cấp giấy phép. Lao động nước ngoài vào Việt Nam hiện đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Chỉ 4 vị trí công việc lao động nước ngoài được đảm nhiệm

Cùng với quá trình hội nhập, những năm gần đây lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có xu hướng tăng lên qua các năm. Ông Phùng Quốc Vương, Trưởng phòng quản lý lao động, Cục Việc làm cho biết, quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ cho phép lao động nước ngoài vào làm việc theo 4 vị trí là chuyên gia, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật và nhà quản lý, nhưng với điều kiện lao động Việt Nam không đáp ứng được.

Các hình thức lao động của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay phát sinh chủ yếu ở dạng hợp đồng lao động, di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, được công ty mẹ cử sang hoặc thực hiện các hợp đồng kinh tế thương mại.

Theo ông Vương, qua đánh giá trong số các vị trí công việc mà người nước ngoài được đảm nhiệm tại Việt Nam, hiện đang tăng dần tỷ lệ nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia, trong khi tỷ lệ lao động kỹ thuật có xu hướng giảm đi.

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thì xu hướng người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động hiện vẫn chỉ giới hạn 4 vị trí công việc mà người nước ngoài được làm tại Việt Nam", ông Vương lưu ý.

Để được sử dụng lao động nước ngoài, ông Vương cho biết, doanh nghiệp hoặc tổ chức phải có báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nhóm này đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được với Ủy ban nhân dân tỉnh, nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.

Sau đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận cho người sử dụng lao động về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc.

Mặc dù vậy, thực tiễn thời gian qua cho thấy, những phát sinh chủ yếu xảy ra trong việc sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu. Do đó, pháp luật lao động hiện nay đã quy định chặt chẽ hơn.

Cụ thể, trước khi tuyển người lao động nước ngoài, nhà thầu có trách nhiệm kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động nước ngoài cần huy động để thực hiện gói thầu tại Việt Nam và đề nghị tuyển người lao động Việt Nam vào các vị trí công việc dự kiến tuyển người lao động nước ngoài với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.

Trường hợp nhà thầu có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung số lao động đã kê khai thì chủ đầu tư phải xác nhận phương án điều chỉnh, bổ sung nhu cầu lao động cần sử dụng của nhà thầu nước ngoài.

"Siết" quản lý việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài

Cũng liên quan đến vấn đề lao động nước ngoài, kết quả nghiên cứu "Ứng viên nước ngoài: Kỳ vọng và thách thức khi làm việc tại Việt Nam" do Navigos Group công bố mới đây cũng cho biết, khi được hỏi đâu là nơi làm việc được mong muốn nhất ASEAN, 30% ứng viên tham gia khảo sát lựa chọn Việt Nam, đứng đầu khu vực, tiếp theo là Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam hiện đang là điểm đến lý tưởng của nhiều doanh nghiệp FDI, bởi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, nhiều chính sách thương mại tự do đã được thông qua. Tuy nhiên, tại nhiều lĩnh vực mới trỗi dậy, nguồn nhân lực trong nước chưa kịp đáp ứng được các tiêu chuẩn về số lượng lẫn chất lượng.

Do đó, những ứng viên nước ngoài vẫn là sự lựa chọn phù hợp cho các doanh nghiệp này. Dự báo, nhu cầu tuyển dụng ứng viên người nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao ở mức trên 20% trong mỗi năm tới.

Với những thực tế như trên, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục Việc làm cho rằng sẽ đặt ra những thách thức đối với việc quản lý nhóm lao động này cũng như bảo hộ việc làm cho lao động trong nước.

Trong đó, khó khăn nhất là việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng như ý thức chấp hành của doanh nghiệp, cơ quan sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam.

"Quy định của pháp luật rất rõ ràng nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc mới bắt đầu cấp giấy phép lao động. Với những trường hợp vi phạm, sẽ bị xử lý theo quy định như xử phạt hành chính thậm chí là trục xuất về nước", ông Trung nhấn mạnh.

Để tăng cường công tác quản lý về vấn đề này, theo ông Trung, chính cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải kiểm soát rất chặt việc cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.

Cũng theo ông Trung, lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc đảm nhiệm ở những vị trí cao, vì lẽ đó tiền lương của họ là tiền lương theo cơ chế thị trường có sự thỏa thuận giữa hai bên. Mặc dù vậy, mức lương cho nhóm lao động này vẫn phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, đặc biệt không được thấp hơn mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.

Với lao động trong nước, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh dịch chuyển lao động và cạnh tranh như hiện nay, thời gian tới cần tiếp tục đào tạo bồi dưỡng để người lao động nâng cao trình độ, tay nghề. Song trên hết, chính người lao động phải vươn lên để thay thế bằng được các vị trí làm việc của người nước ngoài. Lúc đó, tiền lương của lao động Việt Nam cũng sẽ được nâng lên, tất nhiên vẫn phải thỏa thuận theo cơ chế thị trường.

Trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi như: làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật; sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước.

Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây:

- Từ 30 - 45 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người.

- Từ 45 - 60 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người.

- Từ 60 - 75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người trở lên.

Theo Nhật Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên