MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lão nông nuôi con đặc sản kiếm tiền tỷ từ hai bàn tay trắng

18-08-2021 - 15:24 PM | Thị trường

Lão nông nuôi con đặc sản kiếm tiền tỷ từ hai bàn tay trắng

Trong khi nhiều nơi, nông sản gặp khó đầu ra vì dịch bệnh, thì nông dân Trịnh Văn Tiến, 58 tuổi, Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đã dìu dắt hơn 20 thành viên vượt qua khó khăn nhờ nuôi con đặc sản.

HAI BÀN TAY TRẮNG VƯỢT NÚI, ĐẮP ĐƯỜNG

"Lộc lộc lộc lộc lộc lộc lộc…" giữa những dãy núi đá vôi hùng vĩ của thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, tiếng gọi "lộc lộc" đã khiến hàng trăm con dê, hươu, nai… từ trên núi lao xuống để được cho ăn. Cảnh tượng tưởng chừng chỉ có ở trong những bộ phim về thế giới động vật hoang dã thì ngay tại vùng núi đá vôi này, một mô hình trang trại bán hoang dã đã được ông Trịnh Văn Tiến gây dựng suốt gần 30 năm qua.

Vóc dáng rắn rỏi, tác phong quân đội, ông Tiến cho biết, đầu những năm 90, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông trở về quê hương lập nghiệp. Nhận thấy mảnh đất Đông Sơn có thổ nhưỡng bán sơn địa với khí hậu mát mẻ rất thích hợp để nuôi trồng, ông Tiến mạnh dạn đầu tư trồng đủ các loại cây như lạc, mía, gà, lợn.... trên diện tích 10ha.

Những ngày đầu, không có đường vào trang trại, điện cũng không, ông Tiến cùng vợ đã phải vượt quãng đường núi dài 3km mỗi ngày để vào trang trại đắp đường, cải tạo đất, trồng cây... Đó là những tháng ngày vô cùng gian truân của cặp vợ chồng trẻ.

Có đường là có điện, trang trại dần hình thành. Thế nhưng, những loại vật nuôi, cây trồng đơn thuần như gà, lợn, lạc, mía… chưa thỏa mãn khát khao vươn lên thoát nghèo, ông Tiến quyết định làm giàu từ con đặc sản.

Năm 2002, ông Tiến bước đầu tiếp cận nuôi con đặc sản. Ông tìm đến vùng đất Hương Sơn, Hà Tĩnh, nơi được coi là vùng đất thủy tổ của loài hươu để tìm tòi, học hỏi các kĩ thuật nuôi hươu sinh sản trên con cái và cắt nhung trên con đực. Thời gian đầu, khi thử nghiệm nuôi hoang dã trên con hươu, ông Tiến gặp phải những chuyện đau lòng như hươu đâm đầu vào tường rồi lăn ra chết.

THUẦN CHỦNG HƯƠU RỒI CHO CHÚNG VỀ VỚI TỰ NHIÊN

Việc thuần chủng hươu gặp vô vàn khó khăn. Giá mỗi con hươu khi đó được tính bằng cả mồ hôi công sức, vốn liếng từ những tháng ngày vất vả gây dựng trang trại. Nhìn đàn hươu cứ thưa dần đi mỗi ngày, trong lòng ông Tiến lại nóng như lửa đốt. Quyết tâm không để thất bại một lần nữa, ông Tiến tìm đủ mọi cách, khăn gói lên đường học hỏi những kĩ thuật nuôi hươu mới.

Nhờ kỹ thuật quây tường và hàng rào cao trên 2m bằng chất liệu thép, từng bước làm quen, thuần chủng với đàn hươu bằng cách riêng biệt như tiếp cận chúng một cách từ từ, gọi đàn hươu bằng thanh âm "lộc lộc", đàn hươu dần làm quen với ông Tiến, không giật mình chạy trốn như trước đây.

Đàn hươu sau khi được thuần chủng cũng là lúc ông Tiến quyết định phải nuôi hươu nai trên vùng bán sơn địa, cho chúng được về với tự nhiên. Hươu không bị nuôi nhốt mà được thả tự do trên các sườn núi đá vôi ở trang trại, ăn lá rừng. Cũng từ đó, ông phát triển thêm nhiều loại vật nuôi đặc sản như nai, ngựa, dê, nhím đem lại doanh thu có thời điểm lên tới cả chục tỉ/năm.

Lão nông nuôi con đặc sản kiếm tiền tỷ từ hai bàn tay trắng - Ảnh 1.

Ông Tiến phát triển thêm nhiều loại vật nuôi đặc sản như nai, ngựa, dê, nhím đem lại doanh thu có thời điểm lên tới cả chục tỉ/năm.

Đông Sơn là xã miền núi nằm ở phía Đông nam thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu bằng chăn nuôi và làm nông nghiệp, đời sống vô cùng khó khăn.

Năm 2014, ông Trịnh Văn Tiến đứng ra thành lập Tổ hợp tác: "Sản xuất, tiêu thụ, cây con đặc sản" trong đó hướng dẫn các thành viên tham gia vào mô hình chăn nuôi con đặc sản theo chuỗi giá trị, có sự giám sát lẫn nhau nhằm tạo ra sản phẩm nông sản an toàn. Tổ hợp tác có vai trò liên kết các hộ chăn nuôi nhằm tạo thành quy trình sản xuất khép kín từ cung cấp nguồn giống, kỹ thuật chăm sóc đến việc bao tiêu sản phẩm.

Từ 15 thành viên ban đầu, Tổ hợp tác do ông Trịnh Văn Tiến làm tổ trưởng đã quy tụ được 25 thành viên là nền tảng để ông Tiến tới việc xây dựng mô hình du lịch sinh thái kết hợp với cung cấp cây con đặc sản đến với người tiêu dùng trên cả nước.

CÙNG NÔNG DÂN ĐÔNG SƠN VƯỢT "BÃO" DỊCH BỆNH

"Sao chú không xây dựng du lịch ở đây nhỉ? Cảnh đẹp, hươu, nai, ngựa, dê chung sống hòa bình như một thước phim! Quá tuyệt để làm du lịch sinh thái!" hay "Các trường học đang rất cần những địa điểm như thế này để học sinh tới trải nghiệm, đề nghị anh Tiến kết hợp mô hình du lịch"…

Đó là những câu hỏi, những lời đề nghị thường xuyên ông Tiến được nghe bởi những người biết đến trang trại tới thăm quan, học tập mô hình. Cũng từ đó, năm 2018, ông Tiến đã quyết định thành lập Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp với 9 thành viên ban đầu, vốn điều lệ 1,9 tỉ đồng.

Với lợi thế về vị trí địa lý, Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp có trang trại gắn với Du lịch nông nghiệp; trọng tâm tại khu vực Thôn 12 (Quèn Thờ), Xã Đông Sơn, TP Tam Điệp. Khu vực Quèn Thờ có tổng diện tích là 610 ha, có rừng phòng hộ, có rừng sản xuất, có đền, chùa, có nhiều hang động đẹp, là di tích lịch sử cấp quốc gia phòng tuyến Tam Điệp.

Tại đây, năm 789 (năm Kỷ Dậu), Vua Quang Trung đã tập kết quân đi đánh tan giặc Nhà Thanh. Với địa lý thuận lợi, đường giao thông thuận tiện, cách đường Quốc lộ 1chỉ 5km, có đầy đủ đường điện lưới Quốc gia; là vùng kinh tế mới năm 1995 của tỉnh Ninh Bình; khí hậu mát mẻ thuận lợi cho sự phát triển cây trồng con nuôi, gắn với kinh doanh du lịch.

Không chỉ vậy, Tam Điệp còn được gọi là thành phố hoa đào, thủ phủ của thương hiệu đào phai Tam Điệp và các đặc sản khác như chè Trại Quang Sỏi và dứa Đồng Giao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp cho ông Tiến cùng các thành viên thực hiện mô hình du lịch kết hợp với dịch vụ tại chỗ.

Từ chỗ chỉ sản xuất, kinh doanh cây con đặc sản với một điểm bán hàng tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Ông Tiến đã quy tụ các thành viên, mở rộng quy mô sản xuất, quy hoạch lại trang trại chính ở khu vực Quèn Thờ để thu hút khách du lịch. Trong vòng một năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp đã xây dựng được các trang trại chăn nuôi, vườn cây ăn quả, vườn hoa trên khắp khu vực, thu hút hàng nghìn lượt khách đến du lịch và tham quan trải nghiệm.

Lão nông nuôi con đặc sản kiếm tiền tỷ từ hai bàn tay trắng - Ảnh 2.

Những con hươu, nai được thả tự do trên các sườn núi đá vôi ở trang trại, ăn lá rừng

Các cây trồng con nuôi chủ lực của Hợp tác xã gồm: dê 500 con, ngựa 10 con, hươu nai 300 con, thỏ 600 con, gia cầm các loại hàng vạn con, thủy sản ước tính mỗi năm hàng chục tấn. Các cây trồng, cây gỗ quý, cây sưa, cây nông nghiệp các loại, cây ăn quả các loại và các cây màu khác khoảng 50 ha.

HTX đã tập trung vào các sản phẩm, dịch vụ về cây con đặc sản như: Ổi tím, ổi đỏ, bưởi da xanh, cam Cao Phong, cá các loại, các loại thịt đặc sản như dê, hươu, nai, ngựa, nhím... Không chỉ phục vụ dịch vụ ăn uống, du khách khi đến với Hợp tác xã còn được thăm quan, trải nghiệm việc nuôi trồng con đặc sản tại chỗ, được tự tay trồng các loại cây, rau…, tìm hiểu sự phát triển của các loại cây, các con vật.

Nhờ hoạt động này, không chỉ tạo sự hấp dẫn cho du khách, mà thông qua du lịch, một lượng lớn nông sản được người tiêu dùng biết đến và HTX trở thành đầu mối cung cấp nông sản trên cả nước.

Trong bối cảnh dịch bệnh covid 19, nhờ lượng lớn khách hàng là những du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc đã tới thăm quan trang trại trong các năm 2018, 2019 (khi dịch bệnh chưa bùng phát), HTX Nông sản và du lịch Tam Điệp đã kết nối dữ liệu được với khách hàng ở khắp mọi nơi. Nhờ đó, dù đang nuôi hàng nghìn con đặc sản, gia súc, gia cầm, thủy sản… HTX vẫn có được chỗ đứng trên thị trường thông qua tệp khách hàng này. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu Hợp tác xã vẫn đạt 4 tỉ đồng, trở thành đầu mối cung cấp nông sản trên khắp cả nước.

Lão nông nuôi con đặc sản kiếm tiền tỷ từ hai bàn tay trắng - Ảnh 3.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu Hợp tác xã vẫn đạt 4 tỉ đồng, trở thành đầu mối cung cấp nông sản trên khắp cả nước.

Năm 2019, HTX cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh Ninh Bình với 5 tấn hoa quả các loại, 3 tấn cá, 5 tấn thịt và năm 2020 là 10 tấn hoa quả các loại, 8 tấn cá, 7 tấn thịt. Doanh thu của HTX thông qua dịch vụ năm 2020 đạt hơn 8,1 tỷ đồng (tăng 12,3% so với năm 2019). Lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt gần 1,4 tỉ đồng trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách, Hợp tác xã Nông sản và du lịch Tam Điệp đã được Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam tín nhiệm, là một trong những HTX cung cấp hàng thiết yếu phục vụ cộng đồng phòng chống dịch covid-19 tại một số địa điểm của Thủ đô Hà Nội.

Nhờ những quyết sách táo bạo, dứt khoát và sự quy tụ được các thành viên "đồng sức đồng lòng", ông Trịnh Văn Tiến đã thay đổi vùng quê nghèo Đông Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình trở thành một điểm sáng trong phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp dịch vụ, góp phần thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới bền vững.


Theo Ngọc Mai

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên