Lập 5 trung tâm đăng kiểm chung chi hằng tháng cho lãnh đạo Cục
Trong đại án đăng kiểm với 254 bị can mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đề nghị truy tố, đáng chú ý có bị can Trần Lập Nghĩa (sinh năm 1975, quê Sóc Trăng). Ông Nghĩa nhiều lần đưa tiền cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm nhưng trong quá trình giải quyết vụ án đã chủ động tố giác hành vi phạm tội này trước khi bị phát giác nên không bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ…
Bằng việc đưa tiền cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm, ông Trần Lập Nghĩa thành lập được 5 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ở 5 tỉnh miền Tây. Trong đó, ông Nghĩa trực tiếp làm Giám đốc 3 trung tâm là TTĐK 62-03D (tỉnh Long An), TTĐK 71-02D (tỉnh Bến Tre), TTĐK 83-02D (tỉnh Sóc Trăng). Ngoài ra, ông Nghĩa thuê bà Phạm Thị Thanh Thùy làm Giám đốc TTĐK 84-02D (tỉnh Trà Vinh) và để chị ruột là bà Trần Thị Ngọc Thúy đứng tên Giám đốc TTĐK 66-02D (tỉnh Đồng Tháp).
Theo kết luận điều tra, để được thành lập TTĐK 62-03D, ông Nghĩa đã gặp trực tiếp ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2021) tại trụ sở Cục Đăng kiểm và đưa 20 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Hình đồng ý chủ trương và cấp mã số trung tâm 62-03D để ông Nghĩa tiến hành lắp đặt thiết bị, làm các thủ tục tiếp theo. Ngày 6/5/2019, Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới và chính thức hoạt động ngay trong tháng 5/2019.
Đối với TTĐK 71-02D tại tỉnh Bến Tre, ông Nghĩa cũng ra gặp, đưa cho ông Hình phong bì chứa 300 triệu đồng và khoảng 2 tuần sau thì được cấp mã số. Với TTĐK 83-02D tại tỉnh Sóc Trăng, ông Nghĩa làm hồ sơ và được ông Hình đồng ý cấp mã số đăng kiểm cho trung tâm này.
Tại tỉnh Trà Vinh, ông Nghĩa làm hồ sơ, thủ tục xin chủ trương mở TTĐK 84-02D, thuê bà Phạm Thị Thanh Thùy đứng tên Giám đốc rồi gửi cho ông Hình và được ông Hình đồng ý. Tuy nhiên, ông Nghĩa chưa kịp đưa tiền cho ông Hình do vướng dịch COVID -19 thì ông Hình về hưu. Khi ông Đặng Việt Hà lên làm Cục trưởng (từ tháng 8/2021 đến tháng 12/2022), ông Nghĩa cùng với bà Thùy ra gặp và đưa cho ông Hà phong bì chứa số tiền 300 triệu đồng
Với TTĐK 66-02D (tại Đồng Tháp) do chị ruột của ông Nghĩa là bà Trần Thị Ngọc Thúy đứng tên, ông Nghĩa chỉ đạo nhân viên ra Hà Nội đưa cho ông Hà 200 triệu đồng.
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 3 tội danh
Mặc dù không bị xem xét xử lý hình sự về hành vi đưa hối lộ lãnh đạo Cục đăng kiểm, nhưng cơ quan điều tra xác định, với vai trò chủ mưu chỉ đạo tất cả các sai phạm xảy ra tại các TTĐK 62-03D, 71-02D, 83-02D, 84-02D và 66-02D nên ông Trần Lập Nghĩa phải chịu trách nhiệm hình sự đối với tất cả hành vi vi phạm tại các trung tâm trên. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố ông Nghĩa về tội “Nhận hối lộ” “Giả mạo trong công tác” và tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.
Cũng theo kết luận điều tra, Phòng kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) lập đoàn kiểm tra lần đầu các TTĐK 62-03D, 71-02D và 83-02D thì ông Nghĩa đều đưa phong bì chứa 5 triệu đồng cho ông Trần Anh Quân (Trưởng đoàn) và phong bì chứa 2 triệu đồng cho các thành viên của đoàn kiểm tra.
Sau khi các TTĐK đi vào hoạt động, mỗi tháng, ông Nghĩa hối lộ cho ông Hình từ 30 - 50 triệu đồng và 3 tháng đưa một lần. Tiền được để vào phong bì, loại tiền mệnh giá 500 nghìn đồng và đưa tại phòng làm việc của ông Hình, trừ những tháng dịch Covid -19 bùng phát, ông Nghĩa không ra gặp đưa tiền được. Riêng TTĐK 83-02D, trong 6 tháng đầu, ông Nghĩa không đưa tiền cho ông Hình vì trung tâm mới đưa vào hoạt động, nguồn khách hàng chưa ổn định.
Giai đoạn ông Hà lên làm Cục trưởng, mỗi tháng ông Nghĩa cũng đưa hối lộ với số tiền 30 - 50 triệu đồng và kéo dài đến tháng 10/2022. Số tiền này được bỏ vào phong bì, loại mệnh giá 500 nghìn đồng và đưa tại phòng làm việc của ông Hà.
Bí mật dấu “X” trong giấy kiểm định
Kết luận điều tra cho biết, TTĐK 62-03D không đủ đăng kiểm viên (ĐKV) để thực hiện quy trình kiểm định đăng kiểm xe cơ giới nhưng ông Nghĩa đã chỉ đạo nhân viên giả chữ ký ĐKV trong sổ phân công nhiệm vụ hàng ngày và thực hiện kiểm định xe cơ giới khi chưa phải là ĐKV.
Từ khi hoạt động đến lúc phát hiện sai phạm, trung tâm này đã cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sai quy định cho 35.253 phương tiện, thu lợi số tiền hơn 9,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng đến thu nhập của trung tâm nên ông Nghĩa đã chỉ đạo ông Huỳnh Thái Bảo (Phó Giám đốc kiêm Trưởng dây chuyền kiểm định từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2022) nhận tiền hối lộ của chủ xe để bỏ qua lỗi sai phạm trong quá trình kiểm định.
Ông Nghĩa quy định giá tiền nhận hối lộ từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với xe tải, xe ben; 400 nghìn đồng đối với
ô tô con; từ 2,5 - 3 triệu đồng đối với xe cơi nới để được kiểm định đúng như thực trạng xe đã được cơi nới hoặc được thông qua kiểm định đúng như thông số kỹ thuật. Bà Lê Thị Diễm Mi (nhân viên văn phòng) là người nhận tiền hối lộ từ các chủ phương tiện hoặc từ người môi giới rồi dùng bút đánh dấu “X” vào giấy kiểm định để Bảo biết. Trung bình mỗi ngày, TTĐK 62-03D nhận tiền hối lộ khoảng 3 - 5 triệu đồng/ngày. Việc làm này cũng diễn ra tương tự tại TTĐK 71-02D và TTĐK 83-02D.
Đồng thời, ông Nghĩa đã chỉ đạo các phó giám đốc điền tên các ĐVK không thực tế làm việc tại trung tâm vào sổ phân công ngày rồi cho các nhân viên tập sự ký giả chữ ký để bổ túc hồ sơ theo quy định của Cục Đăng kiểm. Các nhân viên tập sự là người trực tiếp đứng kiểm định các phương tiện đến đăng kiểm tại các trung tâm.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa lập nhóm Viber để quản lý số lượng xe đến đăng kiểm và số tiền nhận hối lộ tại các trung tâm. Cuối ngày, nhân viên của các TTĐK sẽ chuyển số tiền này vào tài khoản của ông Nghĩa.
Tiền Phong