MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lắp camera chống 'sầu tặc' ở Đắk Lắk

09-08-2023 - 10:32 AM | Thị trường

Sầu riêng còn xanh trên cây nhưng hơn tháng qua, đội ngũ “cò” (môi giới) đã mang tiền tới tận vườn đặt vấn đề mua cả vườn hoặc chốt với giá rất cao. Nạn trộm cắp hoành hành, nông dân phải lắp camera tại vườn để chống “sầu tặc”.

Lắp camera chống 'sầu tặc' ở Đắk Lắk - Ảnh 1.

Giá “nhảy múa” liên tục

Sau khi ký hợp đồng bán sầu riêng cho thương lái với giá 78.000 đồng/kg và đã nhận trước 200 triệu đồng, ông Y Hẽn Niê (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tiếc hùi hụi. Sau khi chốt giá xong, có nhóm khác đến trả giá cao hơn (85.000 đồng/kg), nhưng ông không dám bỏ hợp đồng vì trong điều khoản có nêu, nếu bán cho người khác sẽ bị phạt gấp 5 lần tiền nhận cọc. Ông Y Hẽn cho biết, mùa sầu riêng này, gia đình dự kiến thu 20 tấn.

“Làm được trái sầu riêng vất vả và tốn kém lắm. Giá tăng được bao nhiêu, chúng tôi mừng lắm, nhưng phải hơn 1 tháng nữa mới thu hoạch. Việc mua bán, nhận tiền đặt cọc đều qua “cò” chứ không phải chủ vựa thu mua nên tôi cũng khá lo”, ông Y Hẽn bày tỏ.

Có vườn sầu riêng hơn 2ha chi chít quả, bà Đinh Thị Kiệm (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) không vội ký hợp đồng mua bán. Bà Kiệm cho biết, từ khi quả sầu riêng còn bé, đã có người đặt vấn đề mua cả vườn, hoặc đưa ra nhiều mức giá khác nhau, từ 50.000 đồng/kg, sau đó tăng dần lên. Tuy vậy, bà không vội nhận tiền cọc mà tập trung chăm sóc vườn cây cho đạt chất lượng. Bà muốn đến khi gần thu hoạch, sẽ chọn đơn vị uy tín bán cho yên tâm và sát với giá thị trường.

Tương tự, chị H’Min Niê (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cũng chưa đồng ý bán vườn cho ai và đang theo dõi diễn biến thị trường. Chị H’Min cho hay, quả sầu riêng đang thời kỳ vào cơm, tới tháng 9 mới thu hoạch.

Tuy nhiên, mấy ngày qua, nhiều “cò” đến hỏi mua cả vườn hoặc mua xô với giá 70.000 đồng/kg. Họ đưa ra nhiều thông tin hấp dẫn như, khi đã bán hết vườn thì mọi chi phí thuốc men, phân bón đến lúc thu hoạch, họ sẽ chi trả. Tuy vậy, chị H’Min rất sợ họ chạy theo lợi nhuận, bỏ nhiều phân hóa học hoặc thuốc trừ sâu thì vườn cây sẽ suy yếu.

Ngoài ra, theo chị H’Min, nhiều trường hợp đã nhận tiền cọc bán sầu riêng với giá cao nhưng chưa thể “chắc như bắp”. Bởi khi giá giảm, thương lái sẽ xin chủ vườn giảm giá, nếu không, họ sẽ trì hoãn việc thu hoạch. Sầu riêng quá ngày rụng nhiều, chủ vườn xót của nên buộc phải hạ giá bán ghi trong hợp đồng.

Thời gian qua, lực lượng công an ở Đắk Nông liên tiếp xử lý 2 vụ trộm cắp sầu riêng. Vụ gần nhất vào ngày 31/7, Công an xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp bắt quả tang Đ.C.H đang cắt trộm sầu riêng tại vườn của một hộ dân ở thôn Tân Lợi (xã Đắk Ru). Công an thu giữ tang vật gồm 30 quả sầu riêng với tổng trọng lượng gần 100kg. Trước đó, Công an huyện Đắk R’lấp bắt giữ 2 đối tượng ở địa bàn huyện để điều tra về hành vi cắt trộm 700kg quả sầu riêng của một gia đình tại xã Hưng Bình

.

Thực tế, dù chưa tới vụ thu hoạch nhưng nhiều người dân phản ánh tình trạng trộm cắp sầu riêng. Ông Y Niêm Êban (xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar) cho biết, vừa đầu tư hơn 13 triệu đồng lắp camera ngay giữa vườn sầu riêng để canh trộm.

Để camera có thể bao quát cả vườn 1,3 ha sầu riêng, ông Y Niêm dựng 1 trụ cao 12m giữa vườn rồi gắn camera vào. Ông Y Niêm kể, vườn sầu riêng của người thân vừa bị trộm hơn 100 quả. Do đó, ông lắp camera để dễ theo dõi, đồng thời túc trực tại vườn bất kể đêm ngày để giữ vườn cây.

Lắp camera chống 'sầu tặc' ở Đắk Lắk - Ảnh 3.

Camera được lắp tại vườn ông Y Niêm Êban

Cảnh báo giá ảo

Chị Nguyễn Thái Huyền - Giám đốc Kinh doanh Cty Thiên Địa Long (chuyên thu mua, xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang Trung Quốc), cho biết, đã khai trương nhà kho ở huyện Krông Pắc nhưng chưa mua hàng. Phần vì sầu riêng của đơn vị đã ký hợp đồng nhưng chưa đến ngày thu hoạch, mặt khác không thể mua lại của thương lái do giá quá cao (100.000 đồng/kg). Chị Huyền cho biết, nắm rất rõ giá cả và sức tiêu thụ bên chợ Trung Quốc.

Sầu riêng tại chợ Trung Quốc đang bán 750-800 nhân dân tệ/thùng/18kg, tức khoảng 135.000-145.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí từ kho đến chợ dao động 40.000-50.000 đồng/kg, nghĩa là giá mua bằng giá bán, chưa kể rủi ro. Để doanh nghiệp có lãi, mức thu mua tại vườn dao động từ 72.000-75.000đ/kg; còn mức giá đang được chốt tại vườn trên 80.000 đồng/kg là quá cao.

Chị Huyền thông tin, hơn 2 tuần nữa, Thái Lan sẽ vào vụ thu hoạch sầu riêng, nên chắc chắn có sự cạnh tranh. Tại chợ truyền thống Trung Quốc, sầu riêng chất lượng tốt vẫn bán được giá nhưng sức mua kém, chợ vắng.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cây ăn quả tỉnh Đắk Lắk, nhận định, 80.000 - 90.000 đồng/kg sầu riêng là mức giá cao nhất từ trước đến nay và đang là giá ảo. Mức giá này do một số đơn vị đưa ra, mua một vài vườn để tranh giành thị phần.

Theo ông Sơn, thị trường trái cây, nhất là sầu riêng đang sôi động. Một lượng lớn “cò” đất chuyển sang “cò” sầu riêng sẽ rất rủi ro cho cả nhà vườn lẫn “cò”. Bởi sầu riêng không phải miếng đất muốn bán hay để tùy ý mà có thời điểm thu hoạch và sự liên kết giữa doanh nghiệp, thu mua, chế biến, xuất khẩu. Ông Sơn khuyến cáo dù đã ký kết hợp đồng, chốt giá thu mua, người dân cũng cần tập trung chăm sóc vườn cây, cho chất lượng tốt.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích sầu riêng đứng thứ 2 cả nước. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh này, tổng diện tích sầu riêng năm 2022 đạt gần 22.500ha, chiếm 43,2% diện tích cây ăn quả, tăng 7.550ha so với năm 2021, sản lượng đạt gần 188.000 tấn, tăng trên 50.000 tấn so với năm 2021.

Theo Huỳnh Thúy

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên