MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lập công ty “ma” vay hàng nghìn tỷ đồng

25-07-2018 - 10:54 AM | Tài chính - ngân hàng

Các giám đốc công ty được bị cáo Phạm Công Danh “dựng lên” từ tài xế, lái xe, nhân viên tiếp thị…của Tập đoàn Thiên Thanh để hợp thức hóa thủ tục vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.

Sáng 25/7, đại diện VKSND tiếp tục công bố cáo trạng truy tố bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB), Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) và 44 bị cáo khác có liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo đó, đối với hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng BIDV và trả nợ thay cho 12 công ty của Danh vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng.

Lập công ty “ma” vay hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh Văn Minh

Do cần tiền để tăng vốn điều lệ VNCB, tháng 9/2013, Phạm Công Danh đến gặp ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV) đặt vấn đề vay tiền của BIDV. Sau khi được lãnh đạo BIDV đồng ý cho vay, bị cáo Phạm Công Danh về chỉ đạo cấp dưới chọn 12 công ty để lập hồ sơ vay vốn.

Bị cáo Phạm Công Danh cũng dùng tài sản gồm 6 lô đất sân vận động Chi Lăng (TP.Đà Nẵng) và 3.070 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh các khoản vay và được BIDV chấp thuận giải ngân cho vay với tổng số tiền 4.700 tỷ đồng.

Lập công ty “ma” vay hàng nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Các bị cáo được đưa vào phiên tòa xét xử. Ảnh Văn Minh


Thực tế, các công ty này của bị cáo Danh không có bất kỳ hoạt động kinh doanh gì. Các giám đốc công ty được Danh “dựng lên” từ tài xế, lái xe, nhân viên tiếp thị…của Tập đoàn Thiên Thanh để hợp thức hóa thủ tục vay vốn.

Những “giám đốc” này được bị cáo Phạm Công Danh trả lương từ 5-10 triệu đồng/tháng, công việc chỉ để ký các hồ sơ để vay vốn với mục đích bổ sung vốn kinh doanh thu mua nguyên vật liệu xây dựng.

Tại cơ quan điều tra, các bị cáo là “giám đốc” các công ty vay vốn này cho rằng, mọi hoạt động của công ty đều không nắm dù làm lãnh đạo. Dù được đứng tên làm giám đốc nhưng công ty không có phòng ban, không có nhân viên.

Sau đó, ông Đoàn Ánh Sáng, Phó tổng giám đốc BIDV phê duyệt và chỉ đạo 12 tờ trình. Ông Trần Lục Lang, Phó tổng giám đốc BIDV ký duyệt. Đến tháng 10/2013, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV) ký 12 quyết định phê duyệt cho vay đối với 12 công ty của Phạm Công Danh.

Toàn bộ tiền vay được giải ngân chuyển khoản vào tài khoản 4 công ty cung cấp vật liệu xây dựng đầu vào cho 12 công ty vay vốn gồm: Công ty dịch vụ Hương Việt, Quốc Thắng, Thịnh Quốc và Thiên Trang Phạm.

Thực tế, sau khi vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, các công ty vay vốn đều không kinh doanh theo phương án vay nợ nên không có hóa đơn, chứng từ gì kinh doanh vật liệu xây dựng, hồ sơ vay vốn là khống hoàn toàn.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Phạm Công Danh khai rằng số tiền 4.700 tỷ đồng được dùng chủ yếu vào mục đích tăng vốn điều lệ VNCB, số còn lại trả nợ cũ, chăm sóc khách hàng và trả lãi vay.

Gây thiệt hại hơn 6000 tỷ đồng

Cáo trạng truy tố Phạm Công Danh và 45 bị cáo có liên quan về các hành vi cố ý làm trái trong việc gửi tiền sang Ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty do Danh lập ra gây thiệt hại hơn 1.800 tỷ đồng cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, nay là CB); hành vi cố ý làm trái trong việc dùng tiền gửi tại Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng; hành vi cố ý làm trái trong việc dùng tiền gửi của VNCB tại Ngân hàng BIDV và trả nợ thay cho 12 công ty của Danh vay vốn, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỷ đồng; Hành vi làm trái của Nguyễn Việt Hà và đồng phạm trong việc nhận ủy thác đầu tư số tiền 903 tỷ đồng từ VNCB qua Công ty Cổ phần quản lý Qũy Lộc Việt.



Theo Văn Minh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên