Lắp đặt rào chắn bánh xoay tại “điểm đen" Dốc Cun trên QL6
Dốc Cun, Hòa Bình là “điểm đen” đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt thử nghiệm hệ thống rào chắn bánh xoay ETI.
Sáng nay (20/12), Công ty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh tổ chức lắp đặt thử nghiệm hệ thống rào chắn bánh xoay ETI trên QL6, khu vực Dốc Cun (Hòa Bình).
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Lê Minh, đơn vị phụ trách thi công cho biết, Dốc Cun nối giữa TP. Hòa Bình và huyện Kim Bôi là điểm đen về TNGT trên tuyến QL6, đoạn qua Hòa Bình (Km 79+400). “Đoạn tuyến qua Dốc Cun nằm trong khu vực có địa hình quanh co, hai bên đều là vách núi, bán kính cong nhỏ, lại thường xuyên có sương mù bao phủ khiến tầm nhìn hạn chế. Đặc biệt, với độ dốc dọc lớn và dài, khi đi qua đoạn tuyến này, các tài xế liên tục phải rà phanh, dễ xảy ra sự cố mất phanh, nguy cơ TNGT rất cao”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, trước thực trạng đó, trên cơ sở đồng ý của Bộ GTVT, tháng 11/2018, Tổng cục Đường bộ VN đã có công văn giao Cục Quản lý Đường bộ I phối hợp với Công ty Lê Minh tổ chức giao thông, thực hiện lắp đặt thử nghiệm rào chắn bánh xoay ETI Hàn Quốc. "Đến ngày 12/12/2018, dự án được bắt đầu thực hiện. Hệ thống rào chắn bánh xoay khu vực Dốc Cun được lắp đặt với độ dài 150m, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Độ bền của công trình có thể lên đến 70 năm", ông Tuấn thông tin.
Hệ thống rào chắn bánh xoay được thiết kế chắc chắn với các thanh hộ lan làm bằng thép mạ kẽm, có độ bền cao. |
Thông tin tại hiện trường dự án, ông Nguyễn Đức Dung, cán bộ phụ trách thi công cho biết, hệ thống rào chắn bánh xoay đã được kiểm định chất lượng dựa trên 3 bài kiểm tra đối với các phương tiện: xe ô tô con, xe tải, xe ô tô khách; Vận tốc va chạm từ 60 - 80 km/h và góc độ va chạm giữa phương tiện và rào chắn từ 15 - 20 độ. “Kết quả cho thấy, phương tiện sau khi va chạm chỉ bị hư hỏng bề ngoài nhưng vẫn có thể lưu thông, còn lái xe và hành khách đều được đảm bảo an toàn”, ông Dung cho hay.
Chia sẻ rõ hơn về cơ chế hoạt động của hệ thống ETI, theo ông Dung, hệ thống rào chắn hấp thụ lực tác động trực tiếp khi xe mất kiểm soát, va chạm với rào chắn thông qua cơ cấu giảm chấn và truyền lực phân bố đều lên toàn bộ hệ thống kết cấu gồm thanh rào, bánh xoay, trụ. Cơ cấu bánh xoay làm cho động năng va chạm trực diện được chuyển đổi thành moment quay, qua đó triệt tiêu lực xung kích; chuyển hướng va chạm theo hướng có lợi đưa phương tiện trở lại quỹ đạo lưu thông êm thuận, hạn chế các va chạm liên hoàn với các xe khác.
“Bên cạnh đó, màn phản quang trực quan trên bánh xoay có hiệu ứng mạnh khi đèn chiếu sáng kết hợp với màu sắc đánh thức giác quan người điều khiển phương tiện (đặc biệt là ban đêm) làm hạn chế nguyên nhân gây tai nạn do lái xe mệt mỏi hoặc buồn ngủ”, ông Dung nói.
Về tiến độ dự án, theo đại diện đơn vị thi công, hệ thống rào chắn bánh xoay ETI tại Dốc Cun đã cơ bản hoàn tất, dự kiến đầu tháng 1/2019 sẽ bàn giao cho cơ quan quản lý tuyến đường. “Cùng với quá trình lắp đặt thử nghiệm ở Dốc Cun, đơn vị cũng sẽ kiến nghị Tổng cục đường bộ VN, nghiên cứu, lắp đặt rào chắn này để khắc phục tình hình mất ATGT tại đèo Lò Xo”, đại diện này nói.
Đội ngũ thi công đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng trước khi đưa hệ thống rào chắn vào sử dụng |
Hệ thống bánh xoay (màu vàng) sẽ làm cho động năng va chạm trực diện được chuyển đổi thành moment quay, triệt tiêu lực |
Hệ thống rào chắn cũng được dán phản quang trên các bánh xoay để hạn chế tình trạng lái xe buồn ngủ, mất kiểm soát |
Báo Giao thông