Lập dự án 'đường chồng đường' để thu hồi, bán đấu giá đất của dân?
Theo phản ánh của người dân, 3 con đường xung quanh Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã được tỉnh này xây dựng xong vào năm 2012. Tuy nhiên, sau đó các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận vẫn lập dự án làm tiếp 3 con đường này thu hồi đất của dân và bán đấu giá cho các cá nhân khác làm dịch vụ thương mại.
Làm đường khi đã có đường?
Vào năm 2003, UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao cho Sở VH-TT&DL tỉnh làm chủ đầu tư dự án hạ tầng xung quang khu vực Quảng trường, tượng đài và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận để nhằm mục tiêu đưa TP Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị loại 2. Theo phản ánh của người dân, đến năm 2012 thì dự án này kết thúc và những con đường quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận gồm đường Nguyễn Công Trứ, Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương (phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm) cũng được xây dựng xong.
Đất của nhiều hộ dân ở đường Hoàng Diệu bị thu hồi để sắp tới đem bán đấu giá.
Tuy nhiên, đến ngày 8/3/2013, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm lại ban hành quyết định số 422 có nội dung chính là đầu tư xây dựng 3 tuyến đường Hoàng Diệu, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương cùng với hai trục nội bộ N3, N4 với tổng mức đầu tư hơn 88 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của PV báo Tiền Phong vì sao đường quanh bảo tàng tỉnh đã được xây dựng nhưng vẫn tiếp tục lập dự án làm đường, ông Trần Minh Thái - Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết tại thời điểm UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ban hành quyết định 422 thì 3 trục đường chính xung quanh bảo tàng tỉnh chưa được đầu tư, hiện trạng là đường đất và ruộng (!?).
Nhưng bà Võ Huỳnh Phương Thảo (ở phường Tấn Tài, có 2 người con bị thu hối đất để làm dự án hạ tầng quanh Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận) cho biết, 3 trục đường này đã được xây dựng xong vào năm 2012. Để chứng minh cho điều này, bà Thảo đã cung cấp cho chúng tôi quyết định số 8749 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ký ngày 30/6/2003 về việc thu hồi đất để làm dự án trên và hình ảnh hiện trạng con đường đường Hoàng Diệu vào năm 2013. Bức hình bà Thảo chụp con đường Hoàng Diệu vào năm 2013 cũng cho thấy con đường này đã làm hoàn thiện trước đó.
Cũng theo bà Thảo, tại thông báo 81 ngày 15/8/2013 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm về thu hồi đất của 53 hộ bị ở bên kia trục đường Hoàng Diệu và bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ thể hiện: Có 14 hộ đất có nhà ở, 37 hộ đất trồng cây lâu năm và 2 hộ đất trồng lúa nước với tổng diện tích là 1.173,3m2, chiếm tỉ lệ 5,8%. Cả 53 hộ đều có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Vì thế, phần đất bên kia trục đường Hoàng Diệu chủ yếu là đất dân cư có nhà ở, đất trồng cây lâu năm chứ không phải là đất ruộng lúa như ông Trần Minh Thái đã trả lời PV báo Tiền Phong.
Thu hồi đất của dân để... bán đấu giá!
Trong khi nhiều hộ dân có đất xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa được nhận đất tái định cư, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã vội vã cho đấu giá đất của họ để làm đất dịch vụ kinh doanh.
Cụ thể, ngày 22/6/2017, ông Bùi Văn Phú - Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, ban hành Quyết định số 928 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất xung quanh bảo tàng tỉnh vào mục đích đất dịch vụ thương mại, bán đấu giá. Sau đó, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã bán đấu giá 6 lô đất ký hiệu B1, B2, B3, C1, C2 và C3 bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ được hơn 36,2 tỷ đồng.
Đất của người dân ở cạnh đường Nguyễn Công Trứ đã được bán đấu giá cho cá nhân khác để kinh doanh.
Trước câu hỏi vì sao tiến hành thu hồi đất từ 2013 mà đến 2017 UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm mới ban hành quyết định 928 phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng tạo quỹ đất dịch vụ thương mại bán đấu giá và có hay không việc thu hồi đất trước quy hoạch sau, ông Trần Minh Thái - Phó chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho biết Quyết định số 928 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm không liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận(!?).
Tuy nhiên, trao đổi với PV báo Tiền Phong về lý do bán đấu giá đất thu hồi của dân, ông Phạm Văn Hậu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, lại cho biết: Dự án xây dựng hạ tầng quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận được thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, vì thế tỉnh phải thực hiện bán đấu giá đất để lấy tiền làm vốn đối ứng.
Khi PV hỏi vì sao chỉ bán đấu giá đất khu vực đường Hoàng Diệu và Nguyễn Công Trứ, còn khu vực đất cạnh đường Nguyễn Tri Phương không thu hồi đất mà vẫn để người dân kinh doanh dịch vụ bình thường, ông Hậu cho biết sau này sẽ thu hồi đất khu vực này để làm dự án khác. Còn dự án gì, bao giờ thu hồi đất thì ông Hậu không trả lời.
Đất của nhiều hộ dân ở đường Nguyễn Tri Phương vẫn kinh doanh bình thường và không bị thu hồi bán đấu giá.
Thu hồi một trong hai văn bản cùng số do hai lãnh đạo kí
Như báo Tiền Phong đã có nhiều tin bài phản ánh, Giám đốc và Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cùng ký một văn bản hành chính cùng số, cùng ngày tháng năm ban hành, cùng nội dung nhưng khác phần phạm vi diện tích dự án (đó là văn bản số 2444/SXD-QLHTKT, ban hành ngày 28/12/2012 về việc xin ý kiến chấp thuận về dự án xây dựng hạ tầng khu vực xung quanh Nhà bảo tàng tỉnh Ninh Thuận - PV).
Một văn bản (số 2444/SXD-QLHTKT ngày 28/12/2012) do ông Phạm Văn Hậu (nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh, nay là phó chủ tịch UBND tỉnh) ký và một văn bản khác (cũng số 2444/SXD-QLHTKT, cũng kí ngày 28/12/2012) do ông Phan Tấn Cảnh (Phó giám đốc Sở Xây dựng, nay là Giám đốc sở này) ký. Hai văn bản này giống y nhau, chỉ khác nhau ở văn bản do ông Hậu ký có phạm vi dự án 65.535m2 (gồm đất xây dựng hạ tầng, đất giáp ranh tượng đài, đất trong khuôn viên quảng trường). Còn văn bản do ông Cảnh ký thì phạm vi dự án 50.596m2 (gồm đất xây dựng hạ tầng, đất giáp ranh và đất khuôn viên nhà bảo tàng). Người dân cho biết việc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cùng một lúc vận dụng hai văn bản cùng số, cùng ngày tháng năm do hai lãnh đạo sở ký nhưng có sự chênh lệch tăng thêm 14.940m2 nên đất của 10 hộ dân ba mặt đường chung quanh Nhà bảo tàng tỉnh bị UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm thu hồi để phân lô bán nền, dẫn đến khiếu kiện kéo dài 7 năm qua.
Liên quan đến vụ việc này, ngày 16/8, Sở Xây dựng Ninh Thuận cho biết đã thu hồi văn bản số 2444 do ông Phạm Văn Hậu kí vì UBND tỉnh đồng ý phương án đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực quanh bảo tàng tỉnh có phạm vi dự án khoảng 50.596m2 do ông Phan Tấn Cảnh kí. "Việc thời gian qua Sở không thu hồi, huỷ văn bản do ông Hậu kí là sai sót trong phát hành văn bản. Sở xây dựng xin nhận thiếu sót về nội dung này và sẽ chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong thời gian tới", Sở Xây dựng Ninh Thuận cho hay.